
Một tòa phúc thẩm liên bang dự kiến sẽ tổ chức phiên điều trần vào tuần tới trong một vụ kiện nổi bật, thách thức quyền hạn của ông Trump khi tự ý áp thuế ở bất kỳ mức nào đối với bất kỳ quốc gia nào, miễn là ông cho rằng điều đó cần thiết để giải quyết tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Chính quyền Trump cho rằng quyền hạn rộng rãi đó bắt nguồn từ Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA). Phần lớn các mức thuế lớn mà Trump ban hành — bao gồm các mức thuế liên quan đến fentanyl đối với Canada, Mexico và Trung Quốc, cùng với các mức thuế “có tính đối ứng” toàn cầu được công bố hồi đầu tháng 4 — đều dựa vào đạo luật này.
Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ đã bác bỏ các mức thuế đó vào cuối tháng 5, phán quyết rằng ông Trump đã vượt quá thẩm quyền theo IEEPA. Tuy nhiên, Tòa Phúc thẩm Liên bang đã nhanh chóng đình chỉ phán quyết này, giữ các mức thuế vẫn có hiệu lực trong lúc vụ kiện tiếp diễn.
Vụ án có tên V.O.S. Selections kiện Trump là vụ kiện có tiến triển xa nhất trong số hơn sáu vụ liên bang nhằm thách thức việc ông Trump sử dụng IEEPA. Phiên điều trần dự kiến diễn ra vào sáng thứ Năm tại Tòa Phúc thẩm Liên bang. V.O.S. Selections, Inc. là tên của nguyên đơn, một công ty nhập khẩu rượu vang tại Hoa Kỳ.
“Tôi nghĩ các mức thuế này đang gặp rủi ro,” ông Ted Murphy, đối tác và trưởng bộ phận thương mại toàn cầu tại công ty luật Sidley Austin, nói với CNBC. Ông nhận định: “Luật này chưa từng được dùng cho mục đích này và đang bị sử dụng một cách quá rộng rãi. Vì vậy, tôi nghĩ có những câu hỏi hoàn toàn chính đáng.”
IEEPA quy định gì?
IEEPA cho phép Tổng thống có một số quyền để đối phó với tình trạng khẩn cấp quốc gia phát sinh từ “bất kỳ mối đe dọa bất thường và nghiêm trọng nào” có nguồn gốc toàn bộ hoặc phần lớn từ bên ngoài Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, nhóm luật sư đại diện cho một số doanh nghiệp nhỏ kiện ông Trump lập luận rằng đạo luật không cho phép ông đơn phương áp thuế.
“Hai chữ ‘thuế quan’, ‘thuế nhập khẩu’, ‘thuế đánh vào hàng hóa’ hay bất kỳ thuật ngữ tương tự nào không hề xuất hiện trong IEEPA, và trong gần 50 năm tồn tại, chưa từng có tổng thống nào viện dẫn đạo luật này để áp thuế,” họ viết trong bản đệ trình gửi tòa án tháng này.
Ngược lại, các luật sư của ông Trump và chính quyền ông lập luận rằng Quốc hội từ lâu đã trao quyền cho các tổng thống áp thuế để giải quyết các mối quan ngại quốc gia quan trọng. Họ cho rằng cụm từ trong đạo luật cho phép Tổng thống “điều chỉnh việc nhập khẩu” đủ cơ sở để ông sử dụng nó nhằm áp thuế.
Tiến tới Tòa án Tối cao
Bất kể Tòa Phúc thẩm Liên bang phán quyết thế nào trong vụ V.O.S., vụ kiện gần như chắc chắn sẽ được đưa lên Tòa án Tối cao — nơi hiện do phe bảo thủ chiếm đa số 6–3 và bao gồm ba thẩm phán do ông Trump bổ nhiệm.
Tuy vậy, một số chuyên gia vẫn cho rằng các mức thuế dựa trên IEEPA của Trump sẽ bị bác bỏ.
“Trump có thể sẽ tiếp tục thua ở các tòa cấp dưới, và chúng tôi tin rằng Tòa án Tối cao khó có khả năng đứng về phía ông ấy,” nhóm phân tích chính sách tại Piper Sandler nhận định trong một bản ghi chú hôm thứ Sáu.
Các nhà phân tích cho biết nếu thua kiện, gần như toàn bộ các bước tiến về thương mại mà Trump cho là thành tựu trong sáu tháng đầu nhiệm kỳ sẽ sụp đổ.
“Nếu Tòa án Tối cao bác bỏ ông Trump, mọi thỏa thuận thương mại mà ông ấy đã ký gần đây — và cả những thỏa thuận sắp tới — đều trở nên bất hợp pháp,” họ viết.
“Điều tương tự cũng áp dụng cho các thư thông báo mức thuế mới gửi các quốc gia, mức tối thiểu hiện tại 10%, và cả các mức thuế có tính đối ứng mà ông ấy đã đề xuất hoặc đe dọa,” họ bổ sung.
Dựa vào thẩm quyền nào?
Về mặt kỹ thuật, chưa rõ liệu mọi điều mà Piper Sandler mô tả có được hậu thuẫn bởi Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) hay không. Ví dụ, ông Trump gần đây mới chỉ công bố những nét khái quát về các thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia và Philippines — và những thỏa thuận này vẫn chưa được hoàn tất.
Tuy nhiên, vào giữa tháng Sáu, ông Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp, trong đó nêu rõ ông viện dẫn luật quyền hạn khẩn cấp như một phần của thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Vương quốc Anh.
Trong tháng này, ông Trump cũng đã gửi 25 lá thư đến các nguyên thủ quốc gia, thông báo mức thuế mới mà hàng hóa xuất khẩu từ nước họ sang Mỹ sẽ phải chịu bắt đầu từ ngày 1 tháng 8.
Đó cũng là thời điểm mà các mức thuế đối ứng của ông Trump đối với hàng nhập khẩu từ hàng chục quốc gia — vốn được công bố từ đầu tháng Tư rồi bị tạm hoãn nhiều lần — sẽ chính thức được kích hoạt trở lại. Ông Trump cho rằng các lá thư này tương đương với những thỏa thuận thương mại song phương.
Các bức thư đó không trực tiếp đề cập đến IEEPA. Tuy nhiên, ngôn từ trong thư phản ánh những lập luận tương tự về thương mại không công bằng, thâm hụt và an ninh quốc gia mà ông Trump đã viện dẫn khi triển khai chính sách thuế đối ứng.
“Chính quyền đang sử dụng một cách hợp pháp và công bằng các quyền hạn về thuế quan được Hiến pháp và Quốc hội trao cho nhánh hành pháp, nhằm tạo sân chơi công bằng cho người lao động Mỹ và bảo vệ an ninh quốc gia của chúng ta,” người phát ngôn Nhà Trắng Kush Desai nói với CNBC.
Nhà Trắng đã phớt lờ đề nghị của CNBC yêu cầu xác nhận liệu các bức thư gửi lãnh đạo các nước và các mức thuế gần đây có dựa vào quyền hạn theo IEEPA hay không.
Tuy nhiên, Nhà Trắng đã xác nhận rằng mức thuế khổng lồ 50% mà ông Trump áp lên hàng nhập khẩu từ Brazil thực sự dựa trên quyền hạn theo IEEPA.
Kỳ lạ là, trong bức thư đó, nội dung ít nói về thương mại mà lại tập trung nhiều hơn vào những phàn nàn của ông Trump về cách Brazil đối xử với cựu Tổng thống Jair Bolsonaro, người đang bị xét xử vì vai trò của mình trong âm mưu đảo chính nhằm lật ngược kết quả thất bại tái tranh cử năm 2022.
Những trường hợp khác
Chỉ một ngày sau khi tòa thương mại liên bang đưa ra phán quyết trong vụ V.O.S. hồi tháng Năm, Thẩm phán quận liên bang Rudolph Contreras cũng đã ra một phán quyết còn rộng hơn nhằm chống lại chính quyền Trump trong một vụ án riêng biệt tại tòa án liên bang ở Washington, D.C.
Hội đồng ba thẩm phán trong vụ V.O.S. kết luận rằng một số mức thuế mà ông Trump áp đặt là không được IEEPA cho phép. Nhưng trong vụ Learning Resources, Inc. kiện Trump, Thẩm phán Contreras cho rằng chính bản thân luật này không cho phép tổng thống có hành động đơn phương về thuế quan.
Chính phủ đã kháng cáo phán quyết đó lên Tòa Phúc thẩm khu vực D.C., cơ quan đã tạm đình chỉ lệnh sơ bộ mà ông Contreras đưa ra. Các phiên tranh tụng bằng miệng trong vụ việc này dự kiến diễn ra vào ngày 30 tháng 9.
Hai vụ kiện liên bang khác nhằm phản đối các mức thuế — một từ tiểu bang California, và một do các thành viên của bộ tộc bản địa Blackfeet khởi kiện tại tòa án liên bang ở Montana — dự kiến sẽ được tranh luận riêng vào ngày 17 tháng 9 trước Tòa Phúc thẩm khu vực số Chín của Hoa Kỳ.
Ít nhất ba vụ kiện khác đang chờ xử lý tại Tòa án Thương mại Quốc tế đã bị tạm hoãn cho đến khi có phán quyết cuối cùng trong vụ V.O.S., theo Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay Thủ tướng Anh Keir Starmer khi họ trả lời báo chí sau cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G7 tại Canada, ngày 16/6/2025. Ảnh: AFP
Một người dân đi ngang qua Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, Tòa án Watson ở khu hạ Manhattan. Ảnh: Getty Images