Kính thiên văn Ba mươi mét (Thirty Meter Telescope – TMT), một dự án quốc tế quy mô lớn từng được lên kế hoạch xây dựng tại Hawaii, có thể sẽ có “mái nhà mới” tại Tây Ban Nha, sau khi chính quyền Mỹ công bố kế hoạch ngừng hỗ trợ cho dự án này, như một phần trong đề xuất cắt giảm một nửa ngân sách của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF).
Mới đây, chính phủ Tây Ban Nha đã đưa ra lời đề nghị đưa cơ sở khổng lồ này đến đảo La Palma, thuộc quần đảo Canary, và kèm theo cam kết đóng góp 400 triệu euro (470 triệu USD).
“Tây Ban Nha khẳng định vai trò là nơi trú ẩn cho khoa học, đặt cược vào nghiên cứu xuất sắc và đổi mới công nghệ,” Bộ trưởng Khoa học và Đổi mới Tây Ban Nha, bà Diana Morant, viết trên mạng xã hội X khi công bố khoản tài trợ vào ngày 23/7.
Theo thông cáo từ Bộ Khoa học và Đổi mới Tây Ban Nha, bà Morant đã đệ trình đề xuất chính thức lên Hội đồng TMT — cơ quan sẽ quyết định việc di dời này có được tiến hành hay không. Bà nói thêm rằng TMT đang “có nguy cơ bị đình trệ”.
Một thế hệ mới
Gương thu sáng 30 mét của kính thiên văn này sẽ vượt trội hơn tất cả các kính thiên văn quang học hiện nay. Đây là một trong ba kính thiên văn thế hệ mới đang được phát triển, cho phép các nhà thiên văn học quan sát vũ trụ với độ phân giải chưa từng có. La Palma từ lâu đã được đề cập như một phương án dự phòng trong trường hợp việc xây dựng tại núi Mauna Kea ở Hawaii — nơi bị phản đối bởi các nhà hoạt động bản địa — gặp khó khăn.
Tuy nhiên, nhược điểm của địa điểm tại Tây Ban Nha là độ cao chỉ 2.250 mét, thấp hơn đáng kể so với Mauna Kea tại Hawaii với 4.050 mét. Điều này đồng nghĩa với việc kính thiên văn sẽ phải quan sát xuyên qua một lớp khí quyển dày hơn, ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh thu được.
Việc cắt giảm ngân sách ở Mỹ hiện chưa được thông qua. Đề xuất của chính quyền cần có sự chấp thuận từ Quốc hội Mỹ, nơi đã cho thấy dấu hiệu phản đối mạnh mẽ việc cắt giảm ngân sách của NSF. Tuy nhiên, ngay cả dưới thời Tổng thống Biden vào năm 2024, các nhà tài trợ cũng đã úp mở rằng họ chỉ có thể hỗ trợ cho một trong hai kính thiên văn khổng lồ mà các nhà thiên văn Mỹ kỳ vọng xây dựng. Nhiều người hiện dự đoán tổng chi phí cho TMT có thể vượt quá 3 tỷ USD.
Trong các đề xuất mới nhất, chính quyền Trump thể hiện rõ sự ưu ái dành cho đối thủ của TMT — Kính thiên văn Khổng lồ Magellan (Giant Magellan Telescope) 25 mét, dự kiến xây dựng tại Chile.
Theo tuyên bố của Bộ Khoa học Tây Ban Nha, khoản tài trợ cho TMT sẽ đến từ Trung tâm Phát triển và Đổi mới Công nghệ Tây Ban Nha, một cơ quan trực thuộc bộ, nhận tài trợ từ chính phủ Tây Ban Nha và các nguồn lực từ châu Âu. Một người phát ngôn cho biết nếu TMT được xây dựng tại La Palma, khoản kinh phí này sẽ “không ảnh hưởng đến bất kỳ kế hoạch đầu tư nào đã định”.
Hiện Tây Ban Nha cũng đã đóng góp cho dự án kính thiên văn lớn nhất trong ba kính thiên văn thế hệ mới: Kính thiên văn Cực lớn châu Âu (European Extremely Large Telescope) với gương 39 mét. Công trình này đang được xây dựng tại Chile và dự kiến sẽ bắt đầu quan sát vào năm 2029.
Đài quan sát Roque de los Muchachos trên đảo La Palma, nơi có thể trở thành nhà mới cho TMT, hiện đang là nơi tập trung của khoảng 20 kính thiên văn và thiết bị quan sát. “Tây Ban Nha muốn và có thể trở thành cái nôi của tương lai ngành thiên văn học và vật lý thiên văn. Chúng tôi có năng lực và ý chí chính trị để thực hiện điều đó,” bà Morant tuyên bố.
Kính thiên văn Ba mươi mét có thể gia nhập vào đỉnh núi vốn đã đông đúc tại Đài quan sát Roque de los Muchachos trên đảo La Palma. Ảnh: Getty