
Chuyển sang tuần làm việc 4 ngày mà không cắt giảm lương giúp nhân viên hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn và làm việc hiệu quả hơn — theo nghiên cứu lớn nhất từ trước đến nay về mô hình này, được thực hiện tại sáu quốc gia. Kết quả cho thấy một thử nghiệm kéo dài sáu tháng đã giúp giảm tình trạng kiệt sức, tăng mức độ hài lòng trong công việc và cải thiện sức khỏe tinh thần lẫn thể chất của người lao động.
Các tác giả nghiên cứu trước đó lo ngại rằng tuần làm việc ngắn hơn có thể gây thêm căng thẳng khi nhân viên phải cố gắng duy trì năng suất như cũ. “Khi muốn hoàn thành công việc trong thời gian ít hơn, họ có thể phải làm việc rất nhanh, và điều đó có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe,” tiến sĩ Wen Fan, nhà xã hội học tại Đại học Boston (Mỹ), người đứng đầu nghiên cứu, cho biết. “Nhưng thực tế không phải vậy.” Thay vào đó, mức độ căng thẳng của nhân viên đã giảm xuống.
Nghiên cứu vừa được công bố trên Nature Human Behaviour.
Chấn động từ đại dịch
Các tác giả lưu ý rằng mức độ căng thẳng và kiệt sức của người lao động tăng vọt trong đại dịch COVID-19, khiến nhiều người nghỉ việc và để lại hàng loạt vị trí không ai đảm nhiệm trong một số thị trường lao động.
Để kiểm tra liệu tuần làm việc ngắn hơn có thể là “thuốc giải” cho tình trạng suy giảm tinh thần, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 2.896 người tại 141 công ty ở Úc, New Zealand, Mỹ, Canada, Ireland và Vương quốc Anh.
Trước khi giảm giờ làm, mỗi công ty có khoảng 8 tuần để tổ chức lại quy trình nhằm duy trì 80% năng suất với số giờ làm việc ít hơn, đồng thời loại bỏ các hoạt động tốn thời gian như các cuộc họp không cần thiết.
Hai tuần trước khi bắt đầu thử nghiệm, nhân viên được yêu cầu trả lời bảng câu hỏi về mức độ hài lòng và sức khỏe tinh thần, như “Công việc của bạn có khiến bạn bực bội không?” và “Bạn đánh giá sức khỏe tinh thần của mình thế nào?” Sau sáu tháng, họ trả lời lại các câu hỏi này.
Kết quả chung cho thấy người lao động cảm thấy hài lòng hơn với hiệu suất công việc và có sức khỏe tinh thần tốt hơn so với trước khi áp dụng tuần làm việc ngắn.
Lợi hay hại?
Một phản đối phổ biến đối với tuần làm việc 4 ngày là người lao động không thể tạo ra sản lượng tương đương trong thời gian ít hơn. Nghiên cứu này không đo lường trực tiếp năng suất toàn công ty, nhưng cung cấp lời giải thích vì sao nhân viên có thể làm việc hiệu quả hơn trong thời gian ngắn hơn.
“Khi nghỉ ngơi đầy đủ, con người ít mắc lỗi và làm việc tập trung hơn,” theo Pedro Gomes, nhà kinh tế học tại Đại học Birkbeck, London. Tuy vậy, ông cũng cho rằng cần có thêm phân tích để đánh giá tác động cụ thể đến năng suất.
Wen Fan cho biết hơn 90% các công ty tham gia đã quyết định giữ mô hình làm việc 4 ngày sau thử nghiệm, cho thấy họ không lo ngại về lợi nhuận bị ảnh hưởng.
Các nhà nghiên cứu cũng kiểm tra xem hiệu ứng tích cực này có suy giảm theo thời gian hay không. Dữ liệu thu thập sau 12 tháng kể từ khi bắt đầu thử nghiệm cho thấy sức khỏe tinh thần của nhân viên vẫn duy trì ở mức cao.
Tuy nhiên, vì các công ty tham gia hoàn toàn tự nguyện nên kết quả có thể đã phóng đại tác động thực tế nếu áp dụng trên diện rộng. Bên cạnh đó, vì tất cả các chỉ số đều dựa trên tự đánh giá, nên có thể một số người lao động đã “nói tốt” để giữ ngày nghỉ thêm. Các tác giả kêu gọi cần có các nghiên cứu ngẫu nhiên để kiểm nghiệm mô hình này một cách khách quan hơn.
Người lao động báo cáo có sức khỏe tinh thần tốt hơn sau khi chuyển sang tuần làm việc 4 ngày mà không bị giảm lương. Ảnh: Getty