
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Tư cho biết ông dự định sẽ gửi một lá thư duy nhất để thông báo cho hơn 150 quốc gia về mức thuế quan mà họ sẽ phải chịu.
“Chúng tôi sẽ áp dụng mức giống nhau cho tất cả mọi người, cho nhóm đó,” Trump nói với các phóng viên trong cuộc gặp với Thái tử Bahrain, Salman bin Hamad Al Khalifa, tại Nhà Trắng. “Họ không phải là những quốc gia lớn, và cũng không có nhiều hoạt động thương mại. Không giống như những nước mà chúng tôi đã đạt được thỏa thuận, như Trung Quốc, như Nhật Bản.”
Hiện tại, tất cả các quốc gia đều đang phải chịu mức thuế cơ bản bổ sung 10% mà Trump đã thiết lập vào tháng 4. Trước đó, ông từng gợi ý rằng mức thuế cơ bản mới có thể là 15% đến 20%, nhưng hôm thứ Tư ông không đề cập đến con số cụ thể nào.
Trump đã gửi khoảng hai chục lá thư đến các đối tác thương mại riêng lẻ như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc, thông báo về mức thuế mà họ sẽ phải chịu kể từ ngày 1 tháng 8.
Điều này đã khiến nhiều nước bước vào giai đoạn đàm phán cuối cùng đầy căng thẳng, nhằm thuyết phục chính quyền Trump cấp cho họ một thỏa thuận ưu đãi hơn.
Cùng lúc đó, vẫn còn nhiều nghi ngờ về việc liệu mức thuế mới có thực sự có hiệu lực vào ngày 1/8 hay không, vì lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, và cuối cùng là đến tỷ lệ ủng hộ Trump.
Những quốc gia chiếm hơn 3% thâm hụt thương mại của Mỹ trong năm 2024 và chưa nhận được thư thông báo bao gồm Đài Loan, Thụy Sĩ và Ấn Độ.
Trump đưa ra thông điệp mâu thuẫn hôm thứ Tư về khả năng đạt được thỏa thuận với Ấn Độ. Ban đầu, ông nói: “Chúng tôi sắp có thêm một thỏa thuận nữa, có thể là với Ấn Độ. Tôi không chắc. Chúng tôi đang đàm phán.” Tuy nhiên, chỉ vài phút sau, ông lại nói: “Chúng tôi rất gần với một thỏa thuận với Ấn Độ, nơi họ sẽ mở cửa.”
Trump cũng cho biết Hoa Kỳ vẫn đang đàm phán với Nhật Bản, một đối tác thương mại lớn mà ông từng đe dọa áp thuế 25%, nhưng ông cho rằng có thể sẽ không đạt được thỏa thuận. “Tôi nghĩ có lẽ chúng ta sẽ cứ theo đúng nội dung của lá thư với Nhật Bản,” ông nói.
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Năng lượng và Đổi mới Pennsylvania, Hoa Kỳ, ngày 15/7. Ảnh: Reuters
Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto trao đổi với phóng viên hôm thứ Tư về thỏa thuận thương mai với Hoa Kỳ. Ảnh: Reuters
Mỹ đạt thỏa thuận thương mại với IndonesiaTổng thống Indonesia, ông Prabowo Subianto, đã xác nhận vào thứ Tư các nét chính trong thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ, sau điều mà ông gọi là “những cuộc đàm phán cam go” với Washington. Theo các điều khoản của thỏa thuận mà Tổng thống Trump hôm thứ Ba mô tả là “một thỏa thuận tuyệt vời cho tất cả mọi người”, hàng hóa xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Indonesia sẽ không bị áp thuế, trong khi hàng hóa Indonesia sẽ chịu mức thuế 19% tại Mỹ. Ông Prabowo xác nhận trong một tuyên bố ngắn gọn tại Jakarta rằng hai quốc gia đã “cuối cùng” đạt được một thỏa thuận. “Chúng tôi hiểu lợi ích của họ, và họ cũng hiểu lợi ích của chúng tôi,” ông nói thêm. Thông báo này được đưa ra khi chính quyền Trump đang nỗ lực ký kết các thỏa thuận thương mại với nhiều quốc gia, đồng thời đe dọa sẽ áp thuế hai chữ số đối với xuất khẩu của hơn hai chục nước kể từ ngày 1/8 nếu không đạt được thỏa thuận. Các quan chức Hoa Kỳ và Indonesia đã tiến hành đàm phán thương mại trong nhiều tháng. Tuần trước, ông Trump đã đe dọa áp thuế 32% lên hàng xuất khẩu của Indonesia trong một bức thư đăng trên tài khoản mạng xã hội của ông, giống với các thư mẫu mà ông đã gửi cho hàng chục quốc gia. Các quan chức Indonesia cho biết họ bất ngờ khi nhận được bức thư này vì các cuộc đàm phán đang diễn ra tốt đẹp. “Tôi nghĩ đây là một thỏa thuận tốt cho cả hai bên,” ông Trump nói, đồng thời cho biết một thỏa thuận sắp tới với Ấn Độ cũng sẽ theo hướng tương tự. Ông nói thêm rằng Indonesia cũng có các loại khoáng sản và “đồng chất lượng cao mà chúng tôi sẽ sử dụng.” Theo ông Prabowo, Indonesia cũng đã đồng ý mua máy bay Boeing. Các chi tiết khác không được công bố. Ông Prabowo gọi ông Trump là “một nhà đàm phán khá cứng rắn” và cho biết đất nước ông đã hy vọng mức thuế thấp hơn và sẽ tiếp tục đàm phán. Ông Airlangga Hartoto, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Kinh tế của Indonesia, cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Washington tuần trước sau các cuộc họp với quan chức Hoa Kỳ rằng mức thuế cao của ông Trump có thể đe dọa tới 300.000 việc làm ở Indonesia, bao gồm các ngành như may mặc và giày dép. Ông cũng cho biết Indonesia đang theo đuổi các mối quan hệ thương mại khác, như một thỏa thuận thương mại với châu Âu nhằm giảm thuế về 0% cho nhiều mặt hàng ở cả hai bên. Thỏa thuận với Indonesia là thỏa thuận thứ ba mà ông Trump công bố trong những tháng gần đây, sau các thỏa thuận hạn chế với Anh và Việt Nam. Trong cả ba trường hợp, tổng thống đều công bố rằng đã đạt được thỏa thuận thương mại trên mạng xã hội của mình, nhưng Nhà Trắng không công bố ngay thông tin chi tiết về các thỏa thuận này. Tương tự thỏa thuận sơ bộ với Việt Nam, thỏa thuận với Indonesia cũng bao gồm một điều khoản áp thuế bổ sung với các lô hàng “trung chuyển”—tức hàng hóa bị chuyển hướng qua Indonesia từ các quốc gia có mức thuế cao hơn. Hoàng Sơn (Theo The New York Times) |