
Một thiên thạch được cho là mảnh vỡ lớn nhất từng được tìm thấy của sao Hỏa trên Trái Đất đã được bán với giá 4,3 triệu USD, và giá bao gồm thuế và phí là 5,3 triệu USD, cho một người mua giấu tên tại phiên đấu giá của Sotheby’s ở New York hôm thứ Tư.
Thiên thạch này có tên là NWA 16788, nặng khoảng 24,5 kg, được Sotheby’s cho biết trong thông cáo ngày 8/7 là cực kỳ lớn so với hầu hết các thiên thạch sao Hỏa khác, vốn thường chỉ là những mảnh vụn nhỏ.
Thông thường, thiên thạch là phần còn lại của sao chổi, tiểu hành tinh hoặc thiên thạch nhỏ khi chúng sống sót sau quá trình xuyên qua bầu khí quyển Trái Đất.
Được phát hiện vào tháng 11/2023 tại vùng Agadez hẻo lánh của Niger, NWA 16788 được Sotheby’s mô tả là một “mẫu vật mang tính biểu tượng,” lớn hơn khoảng 70% so với mẫu thiên thạch sao Hỏa lớn thứ nhì từng được phát hiện trên Trái Đất.
Đây cũng là một hiện vật vô cùng hiếm: chỉ có khoảng 400 thiên thạch sao Hỏa từng được tìm thấy trên Trái Đất.
“NWA 16788 là một khám phá có ý nghĩa phi thường — thiên thạch sao Hỏa lớn nhất từng được phát hiện trên Trái Đất, và cũng là mẫu có giá trị cao nhất từng được đem ra đấu giá,” Cassandra Hatton, phó chủ tịch mảng khoa học và lịch sử tự nhiên tại Sotheby’s, cho biết trong thông cáo.
“Được mài mòn qua hành trình không gian và thời gian, kích thước khổng lồ và màu đỏ đặc trưng khiến nó trở thành một phát hiện hiếm có trong một thế hệ. Thiên thạch đặc biệt này là cầu nối vật chất giữa chúng ta với hành tinh đỏ — người láng giềng trên bầu trời từ lâu đã cuốn hút trí tưởng tượng của loài người,” bà nói thêm.
Phân tích cấu trúc bên trong thiên thạch cho thấy có khả năng nó bị tách khỏi bề mặt sao Hỏa và bị bắn vào không gian bởi một vụ va chạm cực mạnh với tiểu hành tinh, đến mức một phần thiên thạch đã bị biến thành thủy tinh.
Theo Sotheby’s, bề mặt thiên thạch cũng có lớp vỏ thủy tinh hình thành khi nó lao qua bầu khí quyển Trái Đất.
Tuy nhiên, đối với một số người, việc thiên thạch được đem ra bán đấu giá thay vì hiến tặng cho giới khoa học lại là điều gây lo ngại.
“Thật đáng tiếc nếu nó bị cất giữ trong hầm của một tài phiệt. Nó đáng ra phải nằm trong bảo tàng, nơi người ta có thể nghiên cứu và để trẻ em, các gia đình, và công chúng chiêm ngưỡng,” Steve Brusatte, giáo sư cổ sinh vật học và tiến hóa tại Đại học Edinburgh (Scotland), nói với CNN trước phiên đấu giá.
Tuy nhiên, theo Julia Cartwright, nhà khoa học hành tinh và nghiên cứu viên độc lập tại Viện Không gian/Trường Vật lý và Thiên văn học thuộc Đại học Leicester (Anh), cần có sự cân bằng.
“Cuối cùng thì, nếu không có thị trường tìm kiếm, thu thập và mua bán thiên thạch, chúng ta sẽ không có nhiều mẫu vật trong các bộ sưu tập — mà chính điều đó thúc đẩy khoa học!” bà nói với CNN ngày 9/7, mô tả mối quan hệ “cộng sinh” giữa giới nghiên cứu và nhà sưu tầm.
“Nếu không có người đi tìm mẫu vật, chúng ta sẽ không có gì để nghiên cứu, và sẽ không biết được những điều như hiện nay,” bà Cartwright nói thêm.
Dù cho rằng sẽ rất tuyệt nếu “viên đá tuyệt vời này” được đưa ra nghiên cứu hoặc trưng bày cho công chúng, bà Cartwright nhấn mạnh rằng một mẫu tham chiếu của thiên thạch đã được lưu giữ tại Đài thiên văn Tử Kim Sơn (Trung Quốc).
Dù chưa rõ thiên thạch sẽ được đưa đến đâu, bà Cartwright tin rằng “giá trị khoa học của nó vẫn sẽ được quan tâm, và chủ nhân mới có thể rất muốn tìm hiểu từ nó, vậy nên chúng ta vẫn có thể rút ra nhiều kiến thức khoa học từ thiên thạch này,” bà nói.
Hồi tháng 2/2021, một thiên thạch sao Hỏa khác có chứa khí quyển của hành tinh này đã được bán đấu giá tại nhà Christie’s. Mẫu vật đó được bán với giá 200.000 USD, cao hơn nhiều so với ước tính trước phiên đấu giá là 30.000–50.000 USD.
Cận cảnh bề mặt thiên thạch sao Hỏa được bán 5,3 triệu USD. Ảnh: Sotheby’s