
Kể từ khi công bố thuế quan “Ngày Giải phóng” vào ngày 2/4, chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump đã bị phủ bóng bởi hàng loạt lần đổi ý. Quyết định mới nhất của Trump là kéo dài thời gian tạm hoãn áp thuế đến tháng 8, chỉ là một ví dụ mới trong chuỗi dài các lần “quay xe”, được một số người ca ngợi là tài nghệ đàm phán thiên tài – nhưng cũng bị phố Wall xem là bằng chứng cho thấy “Trump luôn rút lui”.
‘TACO Trump’ có nghĩa là gì?
Việc Trump thường xuyên đổi ý về chính sách thuế quan – và giảm thuế sau khi thị trường phản ứng tiêu cực – đã khiến ông bị đặt biệt danh “TACO Trump” trên phố Wall, viết tắt của cụm từ “Trump always chickens out” (Trump luôn chùn bước).
Các chiến lược gia của Deutsche Bank hồi tháng 6 đã nâng dự báo chỉ số S&P 500 dựa trên niềm tin rằng Trump “đã nhượng bộ” trong vấn đề thuế quan và sẽ còn “nhượng bộ thêm nữa” trong tương lai. Các nhà phân tích phố Wall cho rằng phản ứng yếu ớt của thị trường trước vòng thư thông báo áp thuế mới là do tổng thống thường rút lại các lời đe dọa áp thuế.
Ông Chris Beauchamp, giám đốc phân tích thị trường tại IG Group, gọi đợt triển khai thuế mới nhất là một “quả pháo xịt”, và nhận định: “Đúng hay sai thì nhà đầu tư vẫn tin họ biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.” Ông viết: “Hoặc là đạt được thỏa thuận nào đó (thường rất mơ hồ) để Trump tuyên bố chiến thắng, hoặc là lại có thêm một lần gia hạn.”
Chính quyền Trump nói gì?
Người phát ngôn Nhà Trắng Kush Desai lên tiếng bác bỏ biệt danh “TACO Trump” trong tuyên bố gửi Forbes, khẳng định lập trường của chính quyền về thương mại “chưa bao giờ thay đổi: hàng chục năm bất công trong thương mại quốc tế khiến công nhân Mỹ bị bỏ lại phía sau nay đã kết thúc.”
Desai nói thêm: “Việc truyền thông ám ảnh một cách ngớ ngẩn với các meme ngu xuẩn không thể thay đổi thực tế rằng Tổng thống Trump đang sử dụng thuế quan một cách hiệu quả để bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ, thúc đẩy hàng nghìn tỷ USD cam kết đầu tư lịch sử, đàm phán lại các thỏa thuận thương mại bất công và tăng thu cho chính phủ liên bang.”
Trump từng gọi biệt danh “TACO Trump” là “độc địa” và bác bỏ việc ông “chùn bước”, và phát biểu với báo giới hồi tháng Năm: “Các người biết không, nếu tôi đưa ra một con số – một con số cực kỳ cao – rồi giảm xuống một chút, một chút thôi, thì họ lại muốn tôi giữ nguyên con số đó.”
Tòa án có thể chặn thuế quan của Trump không?
Hai tòa án đã phán quyết rằng thuế quan ‘Ngày Giải phóng’ của Trump là bất hợp pháp và Tổng thống đã vượt quá thẩm quyền khi ban hành chúng. Tuy nhiên, các mức thuế này vẫn được giữ nguyên vì tòa phúc thẩm đã tạm hoãn thi hành các phán quyết đó trong khi vụ kiện tiếp tục diễn ra.
Tòa phúc thẩm dự kiến sẽ tổ chức tranh luận vào ngày 31/7 trong vụ kiện lớn nhất liên quan đến thuế quan, nên sẽ không có thay đổi nào về tính hợp pháp của các mức thuế trước thời điểm đó.
Các nguyên đơn trong một vụ kiện đã yêu cầu Tòa án Tối cao xem xét khẩn cấp tính hợp pháp của thuế quan, mong muốn tranh luận sớm nhất là vào đầu kỳ làm việc tiếp theo, hoặc thậm chí sớm hơn. Tuy nhiên, tòa đã từ chối yêu cầu đó. Dù khả năng Tòa án Tối cao sẽ ra phán quyết cuối cùng vẫn còn, nhưng điều đó sẽ không xảy ra trong vài tháng tới.
Chưa rõ sắp tới sẽ còn thay đổi gì?
Hiện tại vẫn chưa rõ các mức thuế quan sẽ ra sao khi thời hạn tạm hoãn kết thúc vào ngày 1/8 – ngay cả đối với những quốc gia đã nhận được thư áp thuế mới từ chính quyền Trump, bởi tổng thống viết trong thư rằng các mức thuế có thể thay đổi “tùy theo mối quan hệ giữa hai nước.”
Nhiều quốc gia bị Trump nhắm đến đã cam kết tiếp tục đàm phán với hy vọng đạt được mức thuế tốt hơn trước ngày 1/8.
Các thỏa thuận thương mại cũng không được kỳ vọng sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với bất kỳ quốc gia nào. Sau thỏa thuận thương mại với Anh, ông Lutnick tuyên bố rằng với những nước thâm hụt thương mại với Mỹ, “mức tốt nhất họ có thể đạt được là 10% – và khả năng là còn cao hơn.”
Trump cũng từng đe dọa áp thuế 200% với dược phẩm và các sản phẩm khác như chip bán dẫn, nhưng vẫn chưa rõ những mức thuế này có trở thành hiện thực hay không.
Các nghị sĩ Dân chủ đã yêu cầu chính quyền Trump miễn thuế cho các sản phẩm trẻ em, nhưng Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào.
Chỉ trích chính
Đảng Dân chủ đã chỉ trích sự thay đổi liên tục trong chính sách thuế quan của Trump, cho rằng điều này gây hại thêm cho nền kinh tế.
Hạ nghị sĩ Ted Lieu (Dân chủ, California) từng viết trên X: “Nhà Trắng hoàn toàn không có chiến lược gì về thuế quan và cứ liên tục đổi ý. Lutnick giờ lại nói các miễn trừ thuế – ví dụ với iPhone – chỉ là tạm thời. Vậy miễn trừ để làm gì nếu sắp sửa đảo ngược?”
Ông kết luận: “Nhà Trắng không có chiến lược và đang nhanh chóng mất uy tín.”
Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần đổi ý trong chính sách thuế quan những tháng qua. Ảnh: Getty Images
Những lần “lật kèo” của Trump về chính sách thuế quanLật kèo số 1 (Ngày 2/4) Trump chính thức công bố chính sách thuế quan “Ngày Giải phóng” tại Nhà Trắng, áp thuế trên diện rộng với gần như tất cả các quốc gia — đảo ngược hoàn toàn các cam kết trước đó, bằng cách miễn trừ cho các mặt hàng như “đồng, dược phẩm, chất bán dẫn, sản phẩm gỗ, một số khoáng sản thiết yếu, năng lượng và các sản phẩm năng lượng”, dù trước đó Nhà Trắng khẳng định sẽ không có ngoại lệ nào. Lật kèo số 2 Thuế quan cuối cùng theo chính sách “Ngày Giải phóng” cũng không phải thuế đối ứng hoàn toàn như Trump từng hứa (tức là mức thuế tương đương mức mà quốc gia đó đánh vào hàng Mỹ). Thay vào đó, Trump nói rằng “thuế sẽ không đối ứng hoàn toàn” vì “nhiều quốc gia sẽ gặp khó khăn và chúng tôi không muốn làm thế.” Lật kèo số 3 Sau khi cam kết rằng mức thuế sẽ được tính toán dựa trên công thức phức tạp bao gồm cả thuế quan và các rào cản phi thuế, các chuyên gia phát hiện thực tế mức thuế được tính đơn giản bằng cách lấy thặng dư thương mại của nước đó với Mỹ chia cho tổng giá trị xuất khẩu của họ. Lật kèo số 4 (Ngày 3/4) Chỉ vài giờ sau khi cố vấn thương mại Peter Navarro tuyên bố trên CNBC rằng thuế quan không phải để đàm phán, Trump lại nói với báo giới rằng ông sẵn sàng đàm phán với các nước khác “nếu họ đưa ra điều gì đó có lợi.” Lật kèo số 5 (Ngày 4–7/4) Trump và các cố vấn đưa ra các quan điểm trái ngược về việc có sẵn sàng đàm phán mức thuế hay không. Trong khi Trump viết trên Truth Social rằng thuế của ông “SẼ KHÔNG BAO GIỜ THAY ĐỔI”, thì các cố vấn lại tiết lộ có nước đã liên hệ để bắt đầu đàm phán. Ngày 7/4, Trump nói rằng “cả hai điều có thể cùng đúng” – vừa có thuế vĩnh viễn, vừa có thể đàm phán. Lật kèo số 6 (Ngày 9/4) Trump bất ngờ tạm hoãn phần khắc nghiệt nhất của thuế “Ngày Giải phóng” trong vòng 90 ngày – chỉ vài giờ sau khi nó có hiệu lực và khiến thị trường chứng khoán lao dốc – giữ lại mức cơ bản 10% và các mức thuế cao hơn đối với Trung Quốc, dù trước đó ông khẳng định sẽ không trì hoãn. Lật kèo số 7 Ngay sau đó, Trump lại phản bác các cố vấn, phủ nhận rằng việc trì hoãn là kế hoạch từ đầu, nói rằng ông chỉ đưa ra quyết định sáng hôm đó vì “một số người hơi mất trật tự” và “làm ầm ĩ lên.” Lật kèo số 8 (Ngày 11/4) Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ ra hướng dẫn miễn trừ điện thoại thông minh, máy tính và thiết bị điện tử khỏi thuế, dù Trump và các cố vấn trước đó như Howard Lutnick từng nhiều lần nói muốn đưa sản xuất những mặt hàng này trở lại Mỹ. Lật kèo số 9 (Ngày 13/4) Trump phủ nhận có miễn trừ đối với hàng điện tử, viết trên Truth Social rằng “không có miễn trừ nào” được công bố hôm thứ Sáu, và thuế với smartphone và các sản phẩm khác chỉ là “chuyển sang nhóm thuế khác”, mặc dù chính quyền ông trước đó đã gọi rõ ràng đây là miễn trừ. Lật kèo số 10 (Ngày 22/4) Sau khi tuyên bố hài lòng với mức thuế 145% đánh lên hàng Trung Quốc, Trump lại nói với báo giới rằng ông dự định giảm mức thuế này, vì ông không muốn quá cứng rắn với Trung Quốc và thuế sẽ “giảm đáng kể, nhưng không về 0”. Lật kèo số 11 (Ngày 29/4) Trump ký sắc lệnh miễn cho các công ty đang trả thuế 25% với ô tô và linh kiện nhập khẩu khỏi các mức thuế khác, như thuế với thép và nhôm. Lật kèo số 12 (Ngày 6/5) Sau khi từng nói sẽ đàm phán với “mọi người”, Trump lại giảm kỳ vọng về các thỏa thuận thương mại và cho rằng một số quan chức phát biểu sai khi nói rằng sẽ ký thỏa thuận với mọi quốc gia muốn đàm phán. Lật kèo số 13 Trump cũng nói không vội đàm phán với Trung Quốc và rằng Mỹ “không mất gì” khi ngưng giao thương với Bắc Kinh — nhưng chỉ vài giờ sau, chính quyền ông thông báo sẽ đàm phán với Trung Quốc ở Thụy Sĩ cuối tuần đó. Lật kèo số 14 (Ngày 12/5) Sau khi Trump đề xuất mức thuế lên tới 80% với hàng Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và quan chức Trung Quốc công bố tạm hoãn 90 ngày các mức thuế cao nhất, và Mỹ giảm thuế với phần lớn hàng nhập từ Trung Quốc xuống còn 30%. Lật kèo số 15 (Ngày 16/5) Trump lần đầu nói rằng sẽ gửi thư thông báo áp thuế cho các nước không đạt được thỏa thuận, và cho biết: “Chúng tôi có khoảng 150 nước muốn đàm phán, nhưng không thể xử lý từng đó cùng lúc.” Lật kèo số 16 (Ngày 18/5) Bessent rút lại phát biểu của Trump, nói với CNN rằng thư chỉ gửi cho các quốc gia không đàm phán thiện chí, thông báo rằng thuế sẽ trở lại mức ngày 2/4. Lật kèo số 17 (Ngày 23/5) Sau khi gỡ bỏ thuế với smartphone, Trump lại đe dọa áp thuế 25% với iPhone, viết trên Truth Social rằng ông sẽ làm vậy nếu Apple không sản xuất tại Mỹ thay vì Ấn Độ hay nơi khác. Lật kèo số 18 Trump đe dọa áp thuế 50% với hàng từ EU từ ngày 1/6, viết trên Truth Social rằng EU “rất khó hợp tác” và “đàm phán không đi đến đâu!” Lật kèo số 19 (Ngày 23/5) Bessent rút lại tuyên bố rằng “có thể ký 90 thỏa thuận trong 90 ngày”, nói với Fox News rằng “sẽ có thêm thỏa thuận” khi gần đến cuối kỳ 90 ngày vào tháng 7. Lật kèo số 20 (Ngày 25/5) Trump hoãn áp thuế 50% với EU đến ngày 9/7, nói rằng ông sẽ “gặp gỡ nhanh chóng” với lãnh đạo châu Âu để “xem liệu có đạt được gì không.” Lật kèo số 21 (Ngày 30/5) Trump công bố tăng thuế thép từ 25% lên 50% tại một sự kiện ở Pennsylvania, nói rằng mức thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 4/6. Lật kèo số 22 (Ngày 11/6) Bessent điều trần trước Hạ viện rằng “rất có thể” Trump sẽ gia hạn tạm hoãn thuế để đàm phán tiếp, Trump cũng nói với báo chí rằng không loại trừ khả năng gia hạn. Lật kèo số 23 (Ngày 3/7) Trump đề xuất mức thuế cao hơn cả mức tối đa 50% đã công bố ngày 2/4, nói sẽ gửi thư áp thuế với mức thuế “có thể là 60 hoặc 70%” đến “10 hoặc 20%”. Lật kèo số 24 (Ngày 6/7) Trump thông báo trên Truth Social rằng sẽ bắt đầu gửi “thư và/hoặc thỏa thuận” áp thuế cho các nước từ trưa ngày 7/7, lùi thời gian so với lời hứa trước là ngày 4/7. Lật kèo số 25 Trump đe dọa thuế bổ sung 10% với “bất kỳ quốc gia nào ủng hộ chính sách chống Mỹ của BRICS” – khối gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ả Rập Saudi, Ai Cập, UAE, Ethiopia, Indonesia và Iran – sau khi BRICS lên án thuế của Trump tại hội nghị thượng đỉnh. Trump sau đó đã áp thuế 50% lên Brazil. Lật kèo số 26 (Ngày 7/7) Trump chính thức gia hạn thời hạn áp thuế “Ngày Giải phóng” đến ngày 1/8, sau khi gửi thư cho 14 quốc gia thông báo thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày đó nếu không đạt được thỏa thuận. Lật kèo số 27 (Ngày 8/7) Trump thay đổi lập trường về tính chắc chắn của mốc 1/8, ban đầu nói với báo chí ngày 7/7 rằng “chắc, nhưng không hoàn toàn chắc”, nhưng hôm sau lại viết trên Truth Social rằng “sẽ không có thay đổi” và “sẽ không có gia hạn.” Lật kèo số 28 (Ngày 11/7) Trump nói có thể tăng mức thuế cơ bản 10% hiện tại đối với các nước chưa đạt thỏa thuận, nói với NBC News: “Chúng tôi sẽ áp cho tất cả các nước còn lại – có thể là 20% hoặc 15%.” |