
Tại một tòa nhà nằm ở góc đường 72 và đại lộ York ở khu Lenox Hill, một kỳ quan ngoài Trái Đất đang vững vàng nằm trên bục trắng. Đó chính là tảng đá sao Hỏa lớn nhất trên Trái Đất — và thật bất ngờ, cấu trúc màu đất nung xám tro nặng 25 kg này lại không “vô giá” như người ta vẫn tưởng.
Tảng đá sao Hỏa này hiện đang được rao bán đấu giá tại Sotheby’s ở thành phố New York trong tuần này, đó là lý do vì sao nó đang được trưng bày tại khu Upper East Side. Hiện tại, giá bán dự kiến nằm trong khoảng 2 triệu đến 4 triệu USD, nhưng con số cuối cùng có thể còn cao hơn nhiều.
“Cuối cùng thì chính những người tham gia đấu giá mới quyết định giá trị của một món đồ, không phải tôi, cũng không phải ai khác. Mức ước tính chỉ nhằm giúp mọi người hình dung,” Cassandra Hatton, Phó chủ tịch bộ phận Khoa học và Lịch sử Tự nhiên tại Sotheby’s, nói với trang Space.com.
“Mùa hè năm ngoái, tôi đã bán bộ xương khủng long Stegosaurus có tên ‘Apex’. Ước tính ban đầu là 4 triệu đến 6 triệu USD, nhưng cuối cùng nó đã được bán với giá 44,6 triệu USD.”
Hatton cho biết cô lần đầu tiên nghe về tảng đá sao Hỏa có tên chính thức là NWA 16788 cách đây khoảng một năm từ người bán, người này biết đến mẫu vật từ một thợ săn thiên thạch ở châu Phi. (NWA là viết tắt của Northwest Africa – Tây Bắc châu Phi, nơi tảng đá được tìm thấy.)
“Ngay khi họ sở hữu được nó, họ gọi cho tôi ngay,” cô kể. “Tôi nói, ‘Được rồi, chúng ta cần đưa nó đi kiểm nghiệm; phải được công bố trên bản tin thiên thạch học.’”
Người bán sau đó đã thực hiện nhiều bước kiểm tra và xác minh chính thức để đảm bảo nguồn gốc và đặc điểm của tảng đá, rồi công bố thông tin đó. Quy trình này đặc biệt khắt khe vì một vài lý do. Trái ngược với thiên thạch từ Mặt Trăng, chúng ta không có mẫu chuẩn nào để so sánh với thiên thạch sao Hỏa. Trong thời kỳ Apollo, các phi hành gia đã mang về hàng trăm kg đá Mặt Trăng, và những mẫu này vẫn được dùng làm chuẩn đối chiếu đồng vị.
Tuy nhiên, chưa có phi hành gia nào từng đến sao Hỏa, nên hiển nhiên chúng ta không có đá chuẩn từ hành tinh Đỏ. Mặc dù hiện nay vẫn có kế hoạch đưa các mẫu do xe tự hành Perseverance thu thập trên bề mặt sao Hỏa trở lại Trái Đất qua chương trình Mars Sample Return, nhưng thời gian triển khai thì vẫn rất mơ hồ — thậm chí có thể bị hủy bỏ nếu quốc hội Mỹ thông qua đề xuất ngân sách năm tài khóa 2026 của chính quyền Trump.
Do đó, nhóm kiểm tra đã phải sử dụng các manh mối khác để xác nhận xem đây có phải là thiên thạch sao Hỏa hay không.
Làm sao để xác minh một tảng đá sao Hỏa?
Hãy tưởng tượng một thiên thể lớn va chạm với sao Hỏa — chẳng hạn một tiểu hành tinh đã đâm vào bề mặt hành tinh này từ rất lâu. Vụ va chạm sẽ bắn tung các mảnh vụn từ bề mặt sao Hỏa, bao gồm bụi, đá và vật chất khác. Nếu những mảnh vụn đó bay đủ xa để vượt qua bầu khí quyển sao Hỏa, chúng có thể đi xuyên qua không gian và rơi xuống Trái Đất.
Vì vậy, dữ liệu khí quyển sao Hỏa rất quan trọng trong việc xác minh nguồn gốc. May mắn thay, các tàu đổ bộ Viking của NASA đã thu thập được dữ liệu khí quyển sao Hỏa từ những năm 1970.
“Bạn sẽ tìm thấy các túi khí nhỏ bên trong nhiều thiên thạch sao Hỏa,” Hatton nói. “Chúng tôi đã cắt mở những túi khí đó và so sánh thành phần khí bên trong với dữ liệu khí quyển sao Hỏa — nếu khớp nhau, thì chúng ta biết tảng đá đó đến từ sao Hỏa.”
Bước kế tiếp liên quan đến thành phần vật chất của thiên thạch. Hatton giải thích rằng, các thiên thạch thường chứa một loại thủy tinh đặc biệt gọi là Maskelynite, hình thành trong quá trình va chạm dữ dội.
“Liệu tảng đá này có chứa thủy tinh Maskelynite không? Nếu có, thì nó là thiên thạch, vì loại thủy tinh này chỉ được tìm thấy trong thiên thạch,” cô giải thích.
Sau đó, Hatton nói, chỉ cần so sánh thành phần hóa học của tảng đá này với những tảng được cho là từ sao Hỏa tìm thấy trong sa mạc — nếu khớp nhau, “thì rõ ràng, đó là đá sao Hỏa.”
Giá thị trường của đá sao Hỏa
Thông thường, việc định giá những món đồ hiếm được đưa đến Sotheby’s không phải là điều quá phức tạp. Ví dụ, nếu bạn đang cố xác định giá trị của một chiếc vòng cổ lâu đời, bạn có thể dựa vào giá trị của đá quý và kim loại, xem xét mức độ nổi tiếng của nhà thiết kế, và tra cứu giá của những món tương tự cùng thời kỳ.
Quy trình tương tự cũng được áp dụng cho các món như ảnh chụp, chữ ký, công nghệ và nghệ thuật.
“Nếu tôi có một bức tranh của Picasso, tôi chỉ cần so sánh với các tác phẩm khác của ông ấy,” Hatton nói. “Nó có lớn hơn không? Có cũ hơn không? Có vẽ Marie-Thérèse [Walter, người mẫu và nàng thơ người Pháp của Picasso] không?”
Nhưng với các món đồ khoa học hiếm, thì lại không thể làm như vậy.
“Tôi thực sự phải cân nhắc đến bối cảnh, lai lịch, lịch sử, độ hiếm, và tầm quan trọng, rồi mới đưa ra mức ước tính,” Hatton chia sẻ.
Trong trường hợp tảng đá sao Hỏa sắp được đưa ra đấu giá, cô cho biết ước tính giá 2 đến 4 triệu USD đến từ thực tế rằng đây chính là thiên thạch sao Hỏa lớn nhất mà loài người từng có. Để so sánh, các thiên thạch sao Hỏa nhỏ hơn thường được bán với giá từ 20.000 đến 80.000 USD, Hatton nói thêm, nhưng cũng lưu ý rằng lớn hơn chưa chắc đã tốt hơn trong thế giới đấu giá. Đôi khi, càng lớn thì càng khó bán, giá lại càng thấp.
“Bao nhiêu người có thể nhét được một con khủng long sauropod dài 30m vào nhà mình? Không ai cả — thậm chí nhiều viện bảo tàng cũng không làm được,” cô ví dụ. “Vậy nên, thị trường trở nên nhỏ lại. Đó cũng là điều cần cân nhắc: Ai có thể lưu giữ nó? Ai có thể trưng bày nó trong nhà?”
Tuy nhiên, lập luận đó không áp dụng trong trường hợp này, vì NWA 16788 — dù lớn so với thiên thạch sao Hỏa — vẫn vừa vặn trong một chiếc ba lô cỡ trung bình. Vì thế, Hatton gọi mức 4 triệu USD là một con số ước lượng mang tính thận trọng.
Ngoài các thông số kỹ thuật, NWA 16788 còn mang một giá trị thẩm mỹ rất đặc biệt.
“Nó trông giống hệt bề mặt hành tinh Đỏ,” cô nói. “Hầu hết các thiên thạch sao Hỏa khác mà chúng ta tìm thấy đều là những lát cắt mỏng nhỏ, và khi nhìn vào thì bạn sẽ không nghĩ chúng đến từ sao Hỏa.”
“Tảng đá này có lớp vỏ cháy nóng do ma sát khi bay vào khí quyển rất ấn tượng,” cô bổ sung. “Nếu nhìn kỹ, bạn gần như có thể dùng nó làm bối cảnh cho một bộ phim về sao Hỏa — chỉ cần đặt vài nhân vật tí hon lên đó, vì bạn có thể thấy rõ các rãnh, gợn sóng và núi non của nó.”
Nhưng liệu món này có nên thuộc về một viện bảo tàng?
Khi được hỏi vì sao một mẫu vật rực rỡ đến mức được mệnh danh là “tảng đá sao Hỏa lớn nhất trên Trái Đất” lại nên được đấu giá cho nhà sưu tập thay vì được tặng cho viện bảo tàng hay tổ chức khoa học — một ý kiến mà nhiều người chắc chắn ủng hộ — Hatton nhìn lại lịch sử của các bảo tàng.
“Nếu không có những nhà sưu tập tư nhân, chúng ta sẽ không có các viện bảo tàng,” cô nói. “Nhiều khách hàng của tôi sau cùng đã tặng hoặc cho các viện bảo tàng mượn hiện vật.”
Cô cũng giải thích rằng, việc phải trả tiền để sở hữu một vật phẩm có thể khiến người ta quan tâm và bảo quản nó kỹ hơn: “Nếu bạn coi nó có giá trị tài chính, bạn sẽ chăm chút nó. Việc gắn giá trị kinh tế vào món đồ giúp đảm bảo nó được chăm sóc cẩn thận.”
“Một số viện bảo tàng không có đủ ngân sách hoặc nhân lực để chăm sóc hiện vật,” cô nói thêm. “Vì vậy, rất nhiều lần, chính các nhà sưu tập tư nhân lại là người gìn giữ chúng.”
Hatton cũng chỉ ra rằng nhiều nhà sưu tập lớn cho các viện bảo tàng mượn hiện vật, và cùng lúc đó tài trợ thêm tiền để bảo quản hiện vật hoặc tài trợ nghiên cứu nhằm khai thác giá trị khoa học của món đồ.
“Một phần điều tôi hy vọng, và nghĩ rằng mình đang đạt được qua nhiều thương vụ bán đấu giá, là nâng cao giá trị và nhận thức về các loại hiện vật thuộc không gian, khoa học kỹ thuật và lịch sử tự nhiên, đồng thời giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng của chúng.”
Và dù Hatton không tự đưa ra ước tính cá nhân về giá trị tảng đá sao Hỏa — hay bất kỳ món đồ nào cô đang bán đấu giá — cô nhấn mạnh rằng đấu giá không chỉ đơn thuần là về món đồ.
“Tôi đã từng thấy có người khóc sau khi mua được một món tại đấu giá. Tôi cũng từng xúc động khi có người liên hệ và nói, ‘cô có thể giúp tôi bán món này không?’ vì đó là những món ước mơ cả đời họ muốn thấy. Tôi luôn mong mọi người đạt được điều họ muốn, vì đấu giá không chỉ là về hiện vật — đó còn là hành trình đuổi theo giấc mơ.”
Tảng đá sao Hỏa lớn nhất từng được tìm thấy trên Trái Đất hiện đang được trưng bày và rao bán tại New York. Ảnh: Monisha Ravisetti
Ước tính giá trị của tảng đá sao Hỏa lớn nhất trên Trái Đất nằm trong khoảng từ 2 đến 4 triệu USD. Ảnh: Monisha Ravisetti