
Lạm phát đã tăng trong tháng trước lên mức cao nhất kể từ tháng 2, khi các mức thuế quan sâu rộng của Tổng thống Donald Trump khiến giá cả tăng lên, từ thực phẩm, quần áo cho đến đồ nội thất và thiết bị gia dụng.
Bộ Lao động Mỹ cho biết hôm thứ Ba, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 2,7% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 2,4% của tháng 5. Tính theo tháng, giá tiêu dùng tăng 0,3% từ tháng 5 đến tháng 6, sau khi chỉ tăng 0,1% trong tháng trước đó.
Lạm phát gia tăng gây ra thách thức chính trị đối với ông Trump, người từng hứa sẽ nhanh chóng giảm chi phí sinh hoạt khi tranh cử, nhưng thực tế lại áp dụng hàng loạt thuế quan bất ngờ khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng chao đảo. Trump vẫn khăng khăng rằng nước Mỹ “gần như không có lạm phát” khi ông liên tục gây áp lực lên Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell để cắt giảm lãi suất ngắn hạn.
Tuy nhiên, những con số lạm phát mới khiến khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trở nên cao hơn. Ông Powell từng nói muốn đánh giá đầy đủ tác động kinh tế từ các mức thuế quan của ông Trump trước khi xem xét hạ lãi suất.
Nếu loại trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, lạm phát cơ bản trong tháng 6 đã tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 2,8% của tháng 5. So với tháng trước, lạm phát cơ bản tăng 0,2%. Các nhà kinh tế theo dõi sát lạm phát cơ bản vì nó thường phản ánh xu hướng dài hạn của giá cả.
Lạm phát gia tăng do nhiều mặt hàng tăng giá. Giá xăng tăng 1% từ tháng 5 đến tháng 6, trong khi giá thực phẩm tăng 0,3%. Giá thiết bị gia dụng tăng tháng thứ ba liên tiếp. Đồ chơi, quần áo, thiết bị âm thanh, giày dép và dụng cụ thể thao – tất cả đều nhập khẩu nhiều – cũng đều trở nên đắt đỏ hơn.
“Chúng ta bắt đầu thấy dấu hiệu rải rác của một chế độ lạm phát do thuế quan,” ông Eric Winograd, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài sản AllianceBernstein cho biết. Ông nói thêm rằng giá các mặt hàng dùng lâu bền tăng so với cùng kỳ năm ngoái – lần đầu tiên trong khoảng ba năm qua.
Ông Winograd cũng lưu ý rằng chi phí nhà ở – vốn là động lực chính của lạm phát kể từ đại dịch – đang tiếp tục hạ nhiệt, qua đó kiềm chế phần nào mức tăng chung. Giá thuê nhà tăng 3,8% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái – mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ cuối năm 2021.
“Nếu không có sự bất ổn từ thuế quan, Fed hẳn đã cắt giảm lãi suất rồi,” ông Winograd nhận định. “Câu hỏi là liệu sẽ còn thêm gì nữa không – và rõ ràng Fed nghĩ là có,” ông nói, đồng quan điểm với phần lớn các nhà kinh tế.
Một số mặt hàng lại giảm giá trong tháng trước, bao gồm ô tô mới và đã qua sử dụng, phòng khách sạn và giá vé máy bay. Giá du lịch nhìn chung đã giảm trong những tháng gần đây do lượng khách quốc tế đến Mỹ giảm.
Một cuộc đối đầu chính trị rộng lớn hơn đang hình thành xung quanh chính sách thuế quan của ông Trump – cuộc chiến sẽ được quyết định bởi việc người dân Mỹ cảm nhận thế nào về chi phí sinh hoạt của họ, và liệu tổng thống có đang thực hiện đúng lời hứa năm 2024 giúp đỡ tầng lớp trung lưu hay không.
Nhà Trắng bác bỏ các cáo buộc cho rằng báo cáo lạm phát cho thấy tác động tiêu cực từ thuế quan, dẫn chứng rằng giá ô tô mới vẫn giảm bất chấp thuế suất 25% lên ô tô và 50% lên thép và nhôm. Chính quyền cũng lưu ý rằng dù giá quần áo tăng trong tháng 6, chúng vẫn rẻ hơn so với ba tháng trước.
“Chỉ số giá tiêu dùng THẤP,” ông Trump đăng trên Truth Social. “Giảm ngay lãi suất của Fed, NGAY BÂY GIỜ!!!”
Với các nghị sĩ Đảng Dân chủ, báo cáo lạm phát này xác nhận cảnh báo của họ trong nhiều tháng qua rằng thuế quan của Trump có thể làm bùng phát lạm phát. Họ nói rằng tình hình sẽ càng tồi tệ hơn khi xét đến quy mô của các mức thuế trong những bức thư mà Trump công bố tuần qua.
“Với những ai nói rằng chúng ta chưa thấy tác động từ cuộc chiến thuế quan của Trump – hãy nhìn vào dữ liệu hôm nay. Người dân Mỹ tiếp tục vật lộn với giá thực phẩm và tiền thuê nhà – và giờ thì giá thực phẩm cùng thiết bị gia dụng đang tăng,” Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, Đảng Dân chủ, bang Massachusetts cho biết.
Nhiều doanh nghiệp đã tích trữ hàng hóa vào mùa xuân vừa rồi và nhờ đó trì hoãn việc tăng giá. Một số khác thì chờ xem các mức thuế có trở thành vĩnh viễn không.
Hiện tại, ngày càng nhiều doanh nghiệp dường như đã buông xuôi và bắt đầu chuyển chi phí sang người tiêu dùng – trong đó có Walmart. Nhà bán lẻ lớn nhất thế giới cho biết họ đã tăng giá vào tháng 6. Hãng xe Mitsubishi tuyên bố tháng trước sẽ tăng giá trung bình 2,1% để đối phó thuế quan, còn Nike cho biết sẽ áp dụng các mức tăng giá “có chọn lọc.”
Chủ tịch Fed Powell nói hồi tháng trước rằng các doanh nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng sẽ tìm cách tránh gánh chi phí thuế, nhưng cuối cùng thì cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng đều phải chia sẻ gánh nặng.
“Nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ và người tiêu dùng – mỗi bên đều sẽ cố gắng không phải là người phải trả tiền thuế,” Chủ tịch Fed nói. “Nhưng cuối cùng, tất cả họ sẽ cùng phải trả – hoặc có thể một bên nào đó sẽ gánh hết. Nhưng quá trình này rất khó đoán, và chúng ta chưa từng trải qua tình huống như vậy.”
Ông Trump đã áp thuế 10% lên toàn bộ hàng nhập khẩu và 30% với hàng hóa từ Trung Quốc. Tuần trước, tổng thống dọa áp thêm thuế 30% lên Liên minh châu Âu từ ngày 1 tháng 8.
Ông cũng đe dọa áp thuế 50% lên Brazil, và điều này sẽ làm tăng giá nước cam và cà phê. Chính quyền Trump cũng đã áp thuế 17% lên cà chua nhập khẩu từ Mexico.
Các gia đình đã cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm khi giá tăng. Cassidy Grom, 29 tuổi ở thành phố Edison, bang New Jersey, cùng chồng và mẹ chồng, ăn ngoài ít hơn và cố gắng tận dụng tối đa gà quay mua từ siêu thị – dùng cho món salad, và xương để nấu súp.
“Tôi cảm thấy như có phép màu nếu tôi rời khỏi siêu thị mà không tiêu hơn 100 đô,” Cassidy Grom chia sẻ. “Chúng tôi đang cố tiết kiệm để mua nhà, để lo cho gia đình – nên giá cả luôn là mối bận tâm.”
Lạm phát tăng nhanh có thể vô tình giúp cho ông Powell thở phào, người gần đây liên tục bị Nhà Trắng chỉ trích vì giữ lãi suất cao.
Chủ tịch Fed từng cảnh báo rằng các mức thuế có thể vừa làm giá cả tăng, vừa làm chậm nền kinh tế – một bài toán nan giải với ngân hàng trung ương. Vì lẽ thường, chi phí tăng khiến Fed phải tăng lãi suất, trong khi kinh tế yếu lại buộc họ giảm lãi suất.
Các thiết bị gia dụng được trưng bày tại kho hàng Costco ở Sheridan, bang Colorado. Ảnh: AP