
Tỷ phú Elon Musk hôm thứ Bảy cho biết ông đang thành lập một đảng chính trị mới, sau khi xảy ra mâu thuẫn nghiêm trọng với Donald Trump, cho thấy ông đang thực hiện lời đe dọa trước đó nếu dự luật chính sách thuế nội địa của tổng thống được ký thành luật.
“Hôm nay, Đảng Nước Mỹ (America Party) được thành lập để trao lại tự do cho các bạn.”
Musk, người quyên góp cá nhân lớn nhất cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 của Trump và cho đến gần đây vẫn là cố vấn thân cận của tổng thống — người dẫn đầu nỗ lực cắt giảm lãng phí chính phủ trong chính quyền — đã chỉ trích “dự luật to đẹp” của Trump do ước tính rằng nó sẽ làm tăng thêm hàng nghìn tỷ đô la vào thâm hụt liên bang.
Chính những lời chỉ trích của Musk về dự luật đã là chất xúc tác cho sự rạn nứt lớn giữa hai người vào tháng trước. Mối hiềm khích tưởng chừng đã nguôi ngoai khi Musk bày tỏ hối tiếc và xóa các bài đăng chỉ trích gay gắt nhất về Trump trên mạng xã hội, nhưng đã bùng lên trở lại vài ngày qua khi dự luật tiến gần đến thời điểm thông qua. Trump đã ký ban hành luật vào thứ Sáu.
Hiện chưa rõ Musk đã thực hiện các bước pháp lý nào để chính thức thành lập đảng, vốn phải đăng ký với Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC). Hồ sơ FEC gần đây không cho thấy có dấu hiệu nào về việc đó.
Người giàu nhất thế giới cho biết ông muốn tạo ra một đảng bảo thủ về tài khóa và kiểm soát chi tiêu, nhưng chưa cung cấp nhiều chi tiết về cương lĩnh cụ thể.
Musk và Trump có quan điểm tương đồng về nhiều vấn đề xã hội đương đại. Tuy nhiên, Musk cho rằng chương trình nghị sự của đảng Cộng hòa sẽ làm gia tăng nợ công, gọi đó là “chế độ nô lệ vì nợ.”
Hệ thống hai đảng tại Hoa Kỳ từ lâu đã bị chỉ trích bởi cả các cử tri đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa, nhưng trong thế kỷ qua, các nỗ lực thành lập đảng thứ ba đều ít thành công. Tỷ phú Ross Perot từng tranh cử tổng thống với tư cách ứng viên độc lập năm 1992, giành gần 1/5 tổng số phiếu phổ thông, nhưng không giành được bang nào trong cuộc bầu cử mà Bill Clinton thắng.
Như CNN từng đưa tin, các chuyên gia về tài chính tranh cử và khoa học chính trị cho biết việc thành lập một đảng mới là điều khó khăn cả về tài chính lẫn pháp lý, và cả cử tri lẫn ứng viên đều ngần ngại tham gia.
Musk tuần này cũng đăng trên mạng xã hội rằng đảng của ông sẽ trở thành một lực lượng chính trị tích cực trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm sau và trước mắt sẽ tập trung hỗ trợ ứng viên tại một số ít cuộc đua vào Hạ viện và Thượng viện.
Về phần mình, Trump cũng đưa ra những lời đe dọa nhắm vào người từng là cố vấn nổi bật nhất của ông. Tổng thống cho biết chính phủ có thể xem xét lại các hợp đồng khổng lồ đang có với các công ty của Musk, và mô tả Bộ Hiệu quả Chính phủ — cơ quan từng do Musk đứng đầu — là “con quái vật có thể quay lại và nuốt chửng Elon.”
Elon Musk lắng nghe trong buổi họp báo tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, ngày 21/5 tại Washington, DC. Ảnh: CNN