
Các hãng xe Trung Quốc đang vượt mặt đối thủ nước ngoài trong cuộc đua phát triển công nghệ hỗ trợ lái, nhằm thu hút người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng đổi mới nhanh chóng. Tuy nhiên, Bắc Kinh gửi một thông điệp đầy tinh tế tới những “ngôi sao đang lên” của mình: hãy tiến nhanh – nhưng phải cẩn thận.
Tuần này, các cơ quan quản lý đang hoàn thiện quy định an toàn mới cho hệ thống hỗ trợ lái, trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt giám sát công nghệ này sau một vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến mẫu sedan SU7 của Xiaomi hồi tháng 3. Vụ tai nạn khiến ba người trên xe thiệt mạng khi chiếc xe lao đi và gây tai nạn chỉ vài giây sau khi tài xế giành lại quyền điều khiển từ hệ thống hỗ trợ lái.
Trong khi giới chức muốn ngăn các hãng xe phóng đại khả năng của công nghệ hỗ trợ lái, họ cũng phải cân bằng giữa đổi mới và an toàn, nhằm bảo đảm các nhà sản xuất xe nội địa không bị tụt lại phía sau so với các đối thủ từ Mỹ và châu Âu.
Theo giới phân tích, việc thiết lập một bộ quy tắc rõ ràng mà không làm chậm tốc độ phát triển công nghệ có thể giúp ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc vượt lên trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Cách tiếp cận này trái ngược hẳn với thị trường Mỹ, nơi các công ty theo đuổi xe tự lái vẫn bức xúc vì thiếu một hệ thống quy chuẩn để kiểm định và thử nghiệm công nghệ.
Markus Muessig, người phụ trách ngành công nghiệp ô tô tại tổ chức tư vấn Accenture đảm trách thị trường Trung Quốc, cho biết các nhà quản lý và doanh nghiệp Trung Quốc từ lâu đã tuân theo triết lý của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình: “Dò đá qua sông” – nghĩa là thăm dò dần dần khi bước vào công nghệ mới còn nhiều bất định. Ông nói: “Chiến lược đó đã chứng minh là rất hiệu quả tại thị trường này.”
Hiện nay, các quy định tại Trung Quốc cho phép sử dụng hệ thống có thể tự động điều khiển, phanh và tăng tốc trong một số điều kiện nhất định, nhưng tài xế vẫn phải luôn sẵn sàng kiểm soát xe. Vì vậy, các thuật ngữ quảng cáo như “thông minh” hay “tự lái” bị cấm sử dụng.
Các quy tắc mới sẽ tập trung vào thiết kế phần cứng và phần mềm giúp giám sát tình trạng tỉnh táo của tài xế và khả năng tiếp nhận quyền điều khiển kịp thời.
Để xây dựng bộ quy tắc này, các cơ quan quản lý đã mời hãng xe Dongfeng và tập đoàn công nghệ Huawei tham gia soạn thảo và thu thập ý kiến công chúng trong một tháng, kết thúc vào thứ Sáu tuần này, 4/7.
Đồng thời, chính phủ cũng đang thúc đẩy triển khai nhanh công nghệ hỗ trợ lái cấp độ 3, cho phép tài xế rời mắt khỏi đường trong một số tình huống nhất định. Cấp độ 3 nằm giữa thang 5 cấp độ tự động hóa của ngành xe hơi – từ cấp độ 1 với các chức năng đơn giản như ga tự động, đến cấp độ 5 là xe hoàn toàn tự lái trong mọi điều kiện.
Chính phủ Trung Quốc từng chỉ định hãng xe quốc doanh Changan làm đơn vị đầu tiên thử nghiệm cấp độ 3 hồi tháng 4. Tuy nhiên, kế hoạch bị tạm dừng sau vụ tai nạn của Xiaomi, theo một nguồn tin am hiểu quy trình xây dựng chính sách.
Nguồn tin cho biết Bắc Kinh vẫn kỳ vọng sẽ khôi phục các thử nghiệm trong năm nay và phê duyệt chiếc xe cấp độ 3 đầu tiên vào năm 2026.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cùng Changan chưa phản hồi yêu cầu bình luận. Xiaomi cho biết đang hợp tác với cơ quan công an điều tra vụ tai nạn.
Đường đua toàn cầu
Các hệ thống hỗ trợ lái đang được xem là mặt trận cạnh tranh khốc liệt tiếp theo trong thị trường ô tô Trung Quốc vốn đã rất sôi động.
Trong 10 năm qua, các hệ thống cấp độ 2 đã phổ biến khắp thị trường, bao gồm cả hệ thống Tự lái Hoàn toàn (Full Self Driving) của Tesla và công nghệ của Xiaomi trong vụ tai nạn tháng 3. Các hệ thống này có thể từ đơn giản như bám đuôi xe trên cao tốc đến điều khiển phần lớn thao tác khi chạy trong đô thị đông đúc – với điều kiện tài xế vẫn phải giám sát.
Nhờ cắt giảm mạnh chi phí phần cứng, các hãng xe có thể tích hợp công nghệ cấp độ 2 mà gần như không tăng giá thành. Hãng xe số một Trung Quốc BYD đã triển khai phần mềm hỗ trợ lái “Con Mắt Thần” miễn phí cho toàn bộ dải sản phẩm. Theo ước tính của công ty nghiên cứu Canalys, hơn 60% số xe bán ra tại Trung Quốc năm nay sẽ có tính năng cấp độ 2.
Trong hành trình hướng tới công nghệ xe tự lái hoàn toàn, Bắc Kinh đang hỗ trợ các hãng xe trong nước giống như từng làm với ngành xe điện, giúp Trung Quốc vươn lên trở thành cường quốc xe điện hàng đầu thế giới.
Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc chọn 9 hãng xe tham gia thử nghiệm công khai để thúc đẩy việc áp dụng xe tự lái.
Với công nghệ cấp độ 3, các nhà quản lý Trung Quốc cũng đang nâng tầm quy định khi buộc các nhà sản xuất xe và linh kiện phải chịu trách nhiệm nếu hệ thống gây tai nạn – cách tiếp cận tương tự với đạo luật mới được thông qua tại Anh năm ngoái.
Tại triển lãm ô tô Thượng Hải hồi tháng 4, nhiều công ty khoe đã tiến gần đến việc thương mại hóa xe cấp độ 3. Huawei tuyên bố đã sẵn sàng triển khai hệ thống cấp độ 3 trên cao tốc sau khi thử nghiệm mô phỏng hơn 600 triệu km, và trình chiếu video tài xế cùng hành khách hát karaoke khi xe tự vận hành.
Thương hiệu Zeekr của tập đoàn Geely cũng ra mắt mẫu SUV hạng sang 9X tích hợp phần mềm cấp độ 3 mà hãng cho biết đã sẵn sàng sản xuất hàng loạt trong quý 3 nếu được cấp phép. Zeekr hiện cũng đang xin gia nhập nhóm thứ hai các hãng được thử nghiệm xác thực cấp độ 3 của chính phủ.
Trong khi đó, các hãng xe truyền thống như Mercedes-Benz và Volkswagen cũng giới thiệu những công nghệ hỗ trợ lái tiên tiến nhất, nhưng vẫn tránh vượt qua ranh giới pháp lý của cấp độ 3. Theo các chuyên gia, đây là một thử thách lớn vì các hãng phương Tây đang chịu bất lợi về chi phí so với đối thủ Trung Quốc.
Giám đốc công nghệ của Mercedes-Benz, ông Markus Schaefer, nói với Reuters rằng dù giá chip và năng lực xử lý đã giảm, nhưng các yêu cầu bổ sung về an toàn cho cấp độ 3 sẽ khiến chi phí tăng mạnh.
Ông nhận xét: “Đây là một mục tiêu di động.”
Một người trải nghiệm mẫu sedan điện SU7 được trưng bày tại cửa hàng Xiaomi ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters