
Tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất châu Âu đã đưa ra cảnh báo rằng sự bùng nổ của các stablecoin neo theo đồng đô la Mỹ, sau khi Mỹ ban hành Đạo luật GENIUS, có thể gây ra một sự thay đổi lớn trong dòng tiền, dẫn đến việc mất ổn định hệ thống thanh toán toàn cầu.
Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật GENIUS vào tháng trước – một dự luật nhằm xây dựng khung pháp lý cho các loại tiền mã hóa được neo giá theo đồng đô la Mỹ.
Dự luật này dự kiến sẽ được Hạ viện thông qua và Tổng thống Donald Trump phê duyệt, làm dấy lên lo ngại ở nhiều quốc gia khác về khả năng xảy ra một làn sóng “đô la hóa” nếu người dân các nước này ồ ạt mua stablecoin Mỹ.
“Điều này có thể là thiên tài (genius), hoặc cũng có thể là hiểm họa,” Vincent Mortier, giám đốc đầu tư của Amundi Asset Management, nói khi bày tỏ quan ngại về đạo luật GENIUS của Mỹ.
JPMorgan dự đoán lượng stablecoin lưu hành sẽ tăng gấp đôi lên khoảng 500 tỷ USD trong vài năm tới, dù một số ước tính còn cho rằng con số này có thể lên đến 2 nghìn tỷ USD.
Vì các stablecoin theo luật Mỹ bắt buộc phải được neo theo đô la Mỹ, điều đó sẽ thúc đẩy hoạt động mua trái phiếu Kho bạc Mỹ. Việc này mang lại lợi ích cho Mỹ trong bối cảnh ngân sách thâm hụt lớn, nhưng cũng có thể gây ra hệ lụy cho cả Mỹ và các quốc gia khác.
“Khi làm vậy, bạn tạo ra một phương án thay thế cho đồng đô la Mỹ, và điều đó có thể dẫn đến việc đồng đô la suy yếu hơn nữa,” Mortier nói. “Bởi nếu một quốc gia thúc đẩy stablecoin, điều đó có thể bị hiểu rằng họ ngầm thừa nhận đồng đô la không còn mạnh như trước.”
Hiện nay, 98% các stablecoin đang được neo theo đồng đô la, nhưng hơn 80% giao dịch stablecoin diễn ra ngoài lãnh thổ Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Ý, ông Giancarlo Giorgetti, từng cảnh báo hồi tháng 4 rằng chính sách stablecoin của Mỹ còn là mối đe dọa nguy hiểm hơn đối với sự ổn định tài chính châu Âu so với chiến tranh thương mại của ông Trump.
Lý lẽ của ông là việc có thể tiếp cận đồng đô la mà không cần tài khoản ngân hàng Mỹ sẽ rất hấp dẫn với hàng triệu người, và có thể làm suy yếu chủ quyền tiền tệ của các nước.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cũng đưa ra cảnh báo tương tự gần đây, lưu ý rằng stablecoin có thể làm xói mòn chủ quyền tiền tệ, thiếu minh bạch và gây nguy cơ rút vốn hàng loạt khỏi các nền kinh tế mới nổi.
Ông Mortier, người đang giám sát khối tài sản trị giá 2 nghìn tỷ euro (2,36 nghìn tỷ USD) mà Amundi đang quản lý nói rằng ông vẫn chưa đưa ra kết luận dứt khoát về stablecoin, nhưng điều ông lo ngại là việc quá nhiều người sử dụng stablecoin có thể gây ảnh hưởng đến ổn định tài chính toàn cầu.
Bên cạnh vấn đề “đô la hóa”, ông cho biết stablecoin cũng có thể trở thành các “ngân hàng không chính thức” (quasi-banks) – nơi người dân nạp tiền vào với kỳ vọng có thể rút ra bất cứ khi nào. Chúng cũng sẽ được dùng làm phương tiện thanh toán trực tiếp.
“Nó có thể khiến hệ thống thanh toán toàn cầu trở nên mất ổn định,” ông nói. “Tôi không chắc đó là một ý tưởng hay.”
Logo của Amundi bên ngoài trụ sở công ty tại Paris, Pháp. Ảnh: Reuters