
Một phân tích mới do Viện JPMorganChase thực hiện cho thấy các doanh nghiệp Mỹ có doanh thu hàng năm từ 10 triệu đến 1 tỷ USD (được xem là có quy mô vừa) có thể phải gánh trực tiếp khoản chi phí lên tới 82,3 tỷ USD từ các kế hoạch áp thuế hiện tại của Tổng thống Donald Trump. Con số này có thể buộc các công ty phải tăng giá, sa thải nhân viên, đóng băng tuyển dụng hoặc chấp nhận biên lợi nhuận thấp hơn.
Bản phân tích này là một trong những nghiên cứu đầu tiên đo lường chi phí trực tiếp từ thuế nhập khẩu đối với các doanh nghiệp trong nhóm doanh thu này, chiếm khoảng một phần ba lực lượng lao động khu vực tư nhân ở Mỹ. Các doanh nghiệp này phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan, đặc biệt là trong các ngành bán lẻ và bán sỉ, vốn dễ tổn thương trước các loại thuế quan mà tổng thống Trump đang áp dụng.
Phân tích cho thấy những tác động trực tiếp rõ rệt từ thuế nhập khẩu của Trump, trái ngược với tuyên bố của ông rằng các nhà sản xuất nước ngoài sẽ gánh chi phí này thay vì doanh nghiệp Mỹ vốn đang phụ thuộc vào hàng nhập. Mặc dù thuế quan dưới thời Trump đến nay chưa làm tăng lạm phát tổng thể, các công ty lớn như Amazon, Costco, Walmart và Williams-Sonoma đã tạm thời giảm nhẹ tác động bằng cách tăng lượng hàng tồn kho trước khi các khoản thuế có hiệu lực.
Báo cáo được công bố chỉ vài ngày trước hạn chót ngày 9 tháng 7, thời điểm Trump sẽ chính thức công bố mức thuế đối với hàng hóa từ hàng chục quốc gia.
Nếu mức thuế ban đầu công bố ngày 2/4 được giữ nguyên, các công ty thuộc nhóm doanh thu nêu trong nghiên cứu sẽ phải đối mặt với chi phí trực tiếp bổ sung lên đến 187,6 tỷ USD. Ở mức thuế hiện tại, con số 82,3 tỷ USD tương đương trung bình 2.080 USD cho mỗi nhân viên, hoặc 3,1% tổng quỹ lương hàng năm — kể cả các công ty có và không có hoạt động nhập khẩu.
Khi được hỏi hôm thứ Ba về tình hình đàm phán thương mại, Trump chỉ trả lời ngắn gọn: “Mọi thứ đều đang diễn ra tốt đẹp.”
Tổng thống cho biết ông sẽ tự đưa ra mức thuế cuối cùng vì việc đàm phán với quá nhiều quốc gia là điều khó thực hiện. Khi thời hạn 90 ngày sắp kết thúc, mới chỉ có Anh là quốc gia ký kết được khung thương mại với chính quyền Trump. Hôm thứ Tư, Trump thông báo đã đạt được thỏa thuận với Việt Nam, trong khi Ấn Độ phát tín hiệu rằng đang tiến gần đến một thỏa thuận tương tự.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuế quan có thể gây ra lạm phát. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs trong một báo cáo cho biết các công ty dự kiến sẽ chuyển khoảng 60% chi phí thuế sang cho người tiêu dùng. Cục Dự trữ Liên bang Atlanta thì dùng kết quả khảo sát doanh nghiệp để ước tính rằng các công ty có thể chuyển trung bình một nửa chi phí từ mức thuế 10% hoặc 25% mà không làm giảm nhu cầu.
Phân tích của JPMorganChase Institute chỉ ra rằng thuế quan có thể thúc đẩy một số nhà sản xuất nội địa mở rộng vai trò cung ứng. Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng các công ty nên chuẩn bị cho nhiều kịch bản khác nhau và các nhà bán buôn, bán lẻ — vốn đã có biên lợi nhuận rất thấp — có thể phải tăng giá bán để bù vào chi phí từ thuế.
Hilary Key, chủ cửa hàng The Toy Chest, sắp xếp lại hàng hóa trong cửa hàng đồ chơi của cô ở Nashville, bang Indiana. Ảnh: AP