
Mark Zuckerberg và Meta đang chi hàng tỷ USD để chiêu mộ nhân tài hàng đầu nhằm dẫn đầu cuộc đua trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative AI), khiến nhiều người hoài nghi về tính khôn ngoan của cuộc chạy đua tốn kém này.
Giám đốc OpenAI, Sam Altman, gần đây than thở rằng Meta đã đưa ra các khoản thưởng lên đến 100 triệu USD để lôi kéo kỹ sư về đội của Zuckerberg – nơi lương bổng hậu hĩnh đang chờ đón.
Một số nhân viên OpenAI được cho là đã nhận lời mời của Meta, gia nhập cùng Alexandr Wang – người sáng lập và cựu CEO của Scale AI – tại trụ sở Meta ở Menlo Park.
Meta đã chi hơn 14 tỷ USD để mua 49% cổ phần của Scale AI vào giữa tháng 6, và đưa Alexandr Wang vào làm việc trong nỗ lực phát triển trí tuệ siêu việt (superintelligence).
Scale AI chuyên dịch vụ dán nhãn dữ liệu nhằm huấn luyện tốt hơn các mô hình AI cho doanh nghiệp, chính phủ và phòng thí nghiệm.
“Meta đã hoàn tất quan hệ hợp tác chiến lược và đầu tư vào Scale AI,” một người phát ngôn của Meta nói với AFP. “Chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác trong việc tạo dữ liệu cho các mô hình AI, và Alexandr Wang sẽ tham gia Meta để làm việc trong các nỗ lực phát triển trí tuệ siêu việt.”
Truyền thông Mỹ đưa tin Meta cũng đang nhắm đến những tên tuổi lớn khác như Ilya Sutskever là đồng sáng lập OpenAI, công ty AI đối thủ của Google là Perplexity AI, và startup AI video đang nổi Runway.
Zuckerberg được cho là đích thân phát động chiến dịch tuyển người, do lo ngại Meta đang tụt lại trong cuộc đua AI tạo sinh.
Mẫu AI mới nhất của Meta, Llama, bị đánh giá thấp hơn các đối thủ trong bảng xếp hạng viết mã lập trình trên nền tảng LM Arena – nơi người dùng có thể đánh giá công nghệ AI.
Meta đang đưa các “tân binh” AI mới tuyển dụng vào một đội ngũ mới chuyên phát triển “trí tuệ siêu việt” – AI có khả năng tư duy và hiểu biết vượt trội so với con người.
Blogger công nghệ Zvi Moshowitz cho rằng Zuckerberg buộc phải hành động, và Meta có thể thu hút được nhân tài, nhưng đặt câu hỏi liệu điều đó có thật sự mang lại kết quả.
“Có những mặt trái cực đoan khi chỉ đi thuê ‘lính đánh thuê’… và trở thành công ty với những sản phẩm chẳng ai muốn dùng,” Moshowitz chia sẻ với AFP. “Tôi không nghĩ nó sẽ hiệu quả, nhưng ít nhất Llama (của Meta) sẽ đỡ tệ hơn.”
Dù giá cổ phiếu Meta đang tiến gần mức cao kỷ lục, nâng giá trị công ty lên gần 2.000 tỷ USD, một số nhà đầu tư bắt đầu tỏ ra lo lắng.
Theo chiến lược gia Ted Mortonson của Baird, các nhà đầu tư tổ chức quan ngại về cách Meta quản lý dòng tiền và quỹ dự trữ. “Hiện tại, không có cơ chế kiểm soát – Zuckerberg có thể làm mọi thứ ông muốn,” Mortonson nhận xét.
Dù AI có tiềm năng thúc đẩy cỗ máy quảng cáo trực tuyến đầy lợi nhuận của Meta, nhưng nỗi lo về chi tiêu là rất lớn, ông nói thêm.
Lãnh đạo Meta đã vẽ ra tầm nhìn sử dụng AI để tự động hóa toàn bộ quy trình quảng cáo, từ sáng tạo nội dung đến nhắm đúng đối tượng, giúp thương hiệu không cần thông qua các công ty quảng cáo nữa.
Theo nhà phân tích Angelo Zino của CFRA, các hợp đồng chiêu mộ nhân tài AI là khoản đầu tư dài hạn và sẽ khó tác động đến lợi nhuận của Meta trong ngắn hạn.
“Nhưng dù sao, anh vẫn cần có họ từ bây giờ và đầu tư mạnh mẽ để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên AI tạo sinh,” Zino nói.
The New York Times cho biết Zuckerberg đang cân nhắc từ bỏ Llama, thậm chí cân nhắc sử dụng mô hình AI của đối thủ.
Tuy vậy, Giáo sư Mehmet Canayaz của Đại học Penn State cho rằng Meta vẫn có cơ hội nếu phát triển tác nhân AI cho các tác vụ cụ thể, thay vì cố gắng tạo ra mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) mạnh nhất.
“Ngay cả những công ty không sở hữu LLM tiên tiến nhất, như Meta, vẫn có thể thành công nếu mô hình của họ hoạt động tốt trong phân khúc thị trường cụ thể,” ông nói.
Giám đốc điều hành Meta, Mark Zuckerberg, với quyền kiểm soát tuyệt đối tại công ty, có thể tự do đầu tư mạnh tay vào các nỗ lực AI. Ảnh: AFP