
Hoa Kỳ sẽ ngay lập tức nối lại đàm phán thương mại với Canada sau khi Ottawa huỷ bỏ thuế dịch vụ kỹ thuật số từng nhắm vào các công ty công nghệ Mỹ, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett cho biết hôm thứ Hai.
“Chắc chắn rồi,” ông Hassett trả lời trên kênh Fox News Channel khi được hỏi về việc nối lại đàm phán. Ông nói thêm rằng Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Canada loại bỏ sắc thuế này tại hội nghị G7 ở Canada. “Họ đã nghiên cứu, giờ thì đồng ý, và chắc chắn điều đó có nghĩa là chúng ta có thể trở lại bàn đàm phán.”
Canada đã dừng kế hoạch triển khai thuế dịch vụ kỹ thuật số – vốn nhắm đến các công ty công nghệ Mỹ – chỉ vài giờ trước khi chính thức thu thuế vào thứ Hai, nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại đang đình trệ với Mỹ.
Bộ Tài chính Canada tối Chủ nhật cho biết Thủ tướng Mark Carney và Tổng thống Trump sẽ nối lại đàm phán nhằm đạt thỏa thuận trước ngày 21 tháng 7.
“Cảm ơn Canada vì đã gỡ bỏ Thuế Dịch vụ Kỹ thuật số – một sắc thuế nhắm vào sự đổi mới của Mỹ và sẽ là rào cản lớn cho bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với Mỹ,” Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick viết trên X.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã lập mức cao kỷ lục trong phiên sáng thứ Hai khi tâm lý lạc quan tăng lên giữa lúc đàm phán thương mại với các đối tác chính, bao gồm Canada, có dấu hiệu khởi sắc.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng bày tỏ lạc quan rằng có thể đạt được “một loạt” các thỏa thuận thương mại trước hạn chót 9 tháng 7. Sau mốc này, thuế nhập khẩu của Mỹ sẽ quay lại mức thuế công bố ngày 2 tháng 4 là 11% đến 50%.
Tuy nhiên, ông Bessent cảnh báo rằng các quốc gia có thể không được gia hạn thêm, ngay cả khi họ đang đàm phán thiện chí – trừ khi Tổng thống Trump đích thân cho phép.
Bước ngoặt trong đàm phán
Trump đã bất ngờ đình chỉ đàm phán thương mại với Canada vào thứ Sáu vì thuế kỹ thuật số, gọi đây là một “cuộc tấn công trắng trợn.” Ông tái khẳng định lập trường vào Chủ nhật và tuyên bố sẽ áp thuế mới đối với hàng hoá Canada trong tuần tới – đe dọa đưa quan hệ Mỹ – Canada trở lại tình trạng hỗn loạn sau một thời gian yên ả.
“Có những quốc gia đang đàm phán thiện chí, nhưng họ nên biết rằng nếu không đạt được thỏa thuận vì thái độ ngoan cố, chúng tôi sẽ quay lại mức thuế ngày 2 tháng 4,” ông Bessent nói. “Tôi hy vọng điều đó không xảy ra.”
Trump và Carney đã gặp nhau tại hội nghị G7 đầu tháng này, và thủ tướng Canada nói rằng hai bên đã thống nhất hoàn tất một thỏa thuận kinh tế mới trong vòng 30 ngày.
Thuế kỹ thuật số mà Canada dự kiến áp dụng là 3% trên doanh thu từ các dịch vụ kỹ thuật số do người dùng Canada tạo ra vượt quá 20 triệu đô la mỗi năm, và được áp dụng hồi tố từ năm 2022. Thuế này sẽ ảnh hưởng tới các đại gia công nghệ Mỹ như Amazon, Meta, Google và Apple.
Bộ Tài chính Canada cho biết việc thu thuế dự kiến bắt đầu vào thứ Hai sẽ bị hoãn lại. Bộ trưởng Tài chính François-Philippe Champagne sẽ trình dự luật huỷ bỏ Đạo luật Thuế Dịch vụ Kỹ thuật số.
“Từ năm 2020, Canada công bố sắc thuế này nhằm giải quyết thực trạng nhiều công ty công nghệ lớn đang hoạt động tại Canada nhưng không nộp thuế trên doanh thu tạo ra từ người dân Canada,” tuyên bố cho biết. “Tuy nhiên, ưu tiên của Canada luôn là đạt được một thoả thuận đa phương về đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số.”
Các tổ chức doanh nghiệp Canada hoan nghênh quyết định của ông Carney về việc huỷ bỏ sắc thuế, cũng như việc Quốc hội Mỹ gỡ bỏ điều khoản “thuế trả đũa” trong dự luật thuế của đảng Cộng hoà.
“Việc huỷ bỏ thuế DST là quyết định hợp lý. Sắc thuế này sẽ khiến người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà đầu tư Canada phải gánh chi phí cao hơn, gây tổn hại cho nền kinh tế vào thời điểm nhạy cảm,” ông David Pierce, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ chính phủ tại Phòng Thương mại Canada, cho biết.
Canada là đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ, sau Mexico, và là nước mua hàng hóa Mỹ lớn nhất. Theo số liệu từ Cục Thống kê Mỹ, năm ngoái Canada đã mua 349,4 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ và xuất khẩu 412,7 tỷ USD sang Mỹ.
Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Canada Mark Carney họp song phương trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7 ngày 16 tháng 6 năm 2025 tại Kananaskis, Alberta. Ảnh: CBS News