
Các khoản cắt giảm ngân sách NASA do Tổng thống Donald Trump đề xuất có thể khiến sứ mệnh tàu thám hiểm ExoMars của châu Âu tiếp tục bị trì hoãn, vì một số công nghệ then chốt cho ExoMars là do NASA cung cấp.
Khi châu Âu bắt đầu lên kế hoạch cho tàu thám hiểm sao Hỏa đầu tiên từ đầu những năm 2000, NASA được chọn là đối tác chính. Tuy nhiên, mối quan hệ hợp tác này đã gặp trắc trở: vào năm 2012, NASA rút khỏi dự án sau khi chính quyền Obama cắt khoản tài trợ. Nga sau đó nhảy vào hỗ trợ, cung cấp tên lửa, mô-đun hạ cánh và một số linh kiện khác.
Sau nhiều lần trì hoãn và đội vốn, dự án đã lên lịch phóng vào tháng 9 năm 2022. Nhưng cuộc xâm lược Ukraine của Nga khiến ESA buộc phải cắt đứt hợp tác. Đến năm 2024, NASA quay trở lại hỗ trợ, với mục tiêu giúp ESA kịp phóng vào năm 2028. Tuy nhiên, đề xuất cắt giảm ngân sách mới từ chính quyền Trump lần này có thể khiến châu Âu phải tự xoay sở – và có thể lùi kế hoạch một lần nữa.
NASA dự kiến sẽ cung cấp tên lửa đẩy, hệ thống giảm tốc giúp mô-đun hạ cánh của ExoMars tiếp đất an toàn, và các thiết bị sưởi dùng đồng vị phóng xạ để giữ ấm cho tàu thám hiểm trong đêm lạnh giá trên sao Hỏa. Tuy nhiên, châu Âu hiện vẫn chưa có các công nghệ thay thế hoàn chỉnh. Khả năng cao các thiết bị thay thế sẽ không kịp sẵn sàng cho thời điểm phóng năm 2028.
ESA từ chối bình luận, nhưng theo các nguồn tin tiết lộ với Space.com, tuy châu Âu có đủ năng lực kỹ thuật để phát triển các thành phần thay thế, nhưng thời gian quá gấp có thể dẫn đến việc trì hoãn kế hoạch cho đến sau năm 2030. Việc lùi lịch còn gây thêm khó khăn do quỹ đạo sao Hỏa – Trái Đất chỉ thuận lợi cho việc phóng mỗi hai năm một lần, và mỗi lần tiếp cận có thể có khoảng cách và yêu cầu khác nhau.
“Nếu bỏ lỡ lần phóng năm 2028, mối lo ngại là yêu cầu về tiếp cận, hạ cánh và địa điểm sẽ khác vào năm 2031,” một nguồn tin cho biết. “Nghĩa là việc trì hoãn 26 tháng có thể không giúp giải quyết được các vấn đề khó khăn của sứ mệnh.”
Tàu ExoMars – mang tên Rosalind Franklin theo tên nhà hóa học người Anh – mang sứ mệnh khoa học rất đặc biệt. Nó được trang bị mũi khoan dài tới 2 mét, có thể tiếp cận các lớp đất sâu hơn nhiều so với tàu Perseverance của NASA. Do bề mặt sao Hỏa có bầu khí quyển mỏng và liên tục bị bức xạ Mặt Trời bắn phá, bất kỳ dấu hiệu nào của sự sống chỉ có thể còn sót lại ở tầng đất sâu bên dưới.
Châu Âu bắt đầu thai nghén sứ mệnh từ năm 2003, với kế hoạch ban đầu là phóng vào năm 2011. Sau nhiều thăng trầm – bao gồm cả tác động của cuộc chiến Ukraine – số phận của cả một thế hệ các nhà khoa học lại một lần nữa rơi vào bấp bênh.
“Rosalind Franklin là một chuyến tàu lượn siêu tốc kể từ năm 2003 đến giờ, và nó vẫn chưa dừng lại,” Giáo sư Andrew Coates, nhà vật lý tại Đại học College London, chia sẻ với Space.com. “Nhưng chúng tôi vẫn hy vọng rằng nó sẽ đến được đích.”
Ông Coates là người đứng đầu nhóm thiết kế và chế tạo camera toàn cảnh đa phổ 3D đặt trên cột tàu Rosalind Franklin – công cụ giúp lựa chọn vị trí khoan để tìm dấu vết sự sống. Thiết bị này đã gần như hoàn tất từ trước mốc phóng năm 2018, và hiện vẫn đang nằm trong phòng sạch của nhà thầu chính Thales Alenia Space, chờ ngày lên đường.
Nếu NASA rút khỏi sứ mệnh, ESA sẽ phải chắt chiu từng trăm triệu đô la để phát triển các công nghệ còn thiếu và đưa chiếc tàu thám hiểm đã “già nua” lên Hỏa tinh.
Vào tháng 11 năm 2022, hội đồng các quốc gia thành viên ESA đã phân bổ 360 triệu euro (417 triệu USD) cho sứ mệnh ExoMars đang mắc kẹt. Đầu năm nay, 150 triệu euro đã được chuyển cho Airbus để xây dựng một nền tảng hạ cánh mới.
Hiện tại, châu Âu không có tên lửa nào đủ khả năng đưa tàu vũ trụ lên sao Hỏa, dù hai nguồn tin nói với Space.com rằng phiên bản mạnh hơn của Ariane 6 có thể làm được điều đó – nhưng có thể cần điều chỉnh một số điểm để phù hợp với tải trọng. Tính đến nay, Ariane 6 mới chỉ được phóng hai lần, cả hai lần đều sử dụng cấu hình có hai bộ đẩy – yếu hơn so với cấu hình đầy đủ.
Một nguồn tin tiết lộ rằng ESA đã bắt đầu xem xét phát triển động cơ đẩy ngược có thể điều chỉnh lực và bộ sưởi dùng đồng vị phóng xạ, nhưng cả hai dự án này hiện vẫn không thể kịp tạo ra thiết bị sẵn sàng bay trong khung thời gian cần thiết.
Nhiều nhà khoa học trong cộng đồng nghiên cứu sao Hỏa của châu Âu vẫn hy vọng rằng Quốc hội Mỹ, nơi cuối cùng quyết định ngân sách NASA, sẽ bác bỏ kế hoạch cắt giảm.
“Tôi vẫn tin rằng chúng tôi sẽ khoan trên sao Hỏa trước khi tôi nghỉ hưu – và tôi không còn trẻ nữa,” một nguồn tin khác nói với Space.com.
Giáo sư Andrew Coates nói với Space.com rằng khoản đầu tư của NASA vào ExoMars là “rất nhỏ so với giá trị khoa học mà sứ mệnh có thể mang lại”, và rằng giá trị của ExoMars vẫn rất rõ ràng dù một số công nghệ đã lỗi thời.
“Không có cơ quan nào khác (ngoài ESA) đang lên kế hoạch làm điều này,” Coates nói, và cho rằng ExoMars “vẫn có thể tạo ra phát hiện quan trọng nhất từ trước đến nay” – đó là trả lời câu hỏi: liệu chúng ta có cô đơn trong hệ Mặt Trời không?
Các đại diện quốc gia thành viên ESA dự kiến sẽ họp vào tháng 11 năm nay tại Bremen, Đức, với ExoMars nhiều khả năng là chủ đề chính.
Trong lúc chờ đợi, tàu thám hiểm Rosalind Franklin vẫn được kiểm tra định kỳ tại cơ sở của Thales Alenia Space ở thành phố Turin (Ý), còn mẫu kỹ thuật của nó thì thường xuyên được mang ra thử nghiệm tại bãi mô phỏng sao Hỏa ngay bên cạnh.
Nếu đề xuất cắt giảm ngân sách của Trump được thông qua, 19 sứ mệnh khoa học của ESA sẽ bị ảnh hưởng, nhất là các dự án còn đang ở giai đoạn khởi động, như kính thiên văn sóng hấp dẫn LISA, tàu quỹ đạo EnVision nghiên cứu sao Kim, và kính thiên văn tia X NewAthena.
ExoMars là nỗ lực đầu tiên của châu Âu nhằm đưa một tàu thám hiểm xuống bề mặt sao Hỏa. Hai lần thử trước đó đều thất bại.
Năm 2016, tàu đổ bộ thử nghiệm Schiaparelli, được thiết kế để kiểm tra hệ thống hạ cánh cho tàu Rosalind Franklin, đã rơi vỡ do cảm biến chuyển động bị lỗi. Trước đó, tàu đổ bộ Beagle 2 của Anh đã mất liên lạc sau khi hạ cánh vào năm 2003, mãi đến năm 2015 mới được xác định vị trí qua ảnh vệ tinh. Hình ảnh cho thấy một tấm pin mặt trời không bung ra, khiến ăng-ten liên lạc không thể hoạt động.
Minh họa quá trình hạ cánh của tàu Rosalind Franklin trên sao Hỏa. Ảnh: Airbus
Hình ảnh mô phỏng tàu Rosalind Franklin hoạt động trên bề mặt Hỏa tinh. Ảnh: ESA
Tên lửa Ariane 6 của ESA tại bệ phóng ở Kourou, Guiana thuộc Pháp. Ảnh: ESA