
Vào năm 2026, một nhóm phi hành gia sẽ trôi nổi bên trong một loại trạm vũ trụ mới có hình dáng như một hình trụ trắng bay trên quỹ đạo, cách Trái Đất hàng trăm kilomet.
Họ sẽ ngắm nhìn hành tinh qua ô cửa sổ vòm rộng 1,1 mét, ngủ trong những chiếc giường bơm hơi được thiết kế cho môi trường không trọng lực, và thực hiện các thí nghiệm về cơ thể người, sự phát triển của thực vật và kết tinh protein.
Nhưng đây không phải là Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Nó không thuộc quyền điều hành của NASA, Roscosmos hay Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc. Đây là Haven-1 – trạm vũ trụ thương mại đầu tiên trên thế giới, được xây dựng bởi một công ty tư nhân có tên Vast.
Dự kiến được phóng vào tháng 5 năm 2026 bằng tên lửa Falcon 9 của SpaceX, Haven-1 sẽ đại diện cho một bước ngoặt lớn trong cách con người sinh sống và làm việc trong không gian.
“Nếu chúng tôi có thể thực hiện điều này trước khi giành được hợp đồng từ NASA để thay thế ISS, bằng nguồn vốn tự thân, chúng tôi không chỉ là trạm vũ trụ thương mại đầu tiên trên thế giới, mà còn là ứng viên duy nhất làm được điều đó,” Giám đốc điều hành Vast – ông Max Haot chia sẻ với BBC Science Focus.
Trạm vũ trụ khả thi tối thiểu
Cách tiếp cận của Vast là nhanh, tập trung và thực dụng. Thay vì xây dựng một phòng thí nghiệm quỹ đạo rộng lớn, họ thiết kế một hệ thống gọn nhẹ, đáp ứng đúng và đủ các tiêu chí cần thiết – đặc biệt là an toàn.
Với thể tích 45 m³, Haven-1 có không gian bên trong cỡ một chiếc xe buýt du lịch nhỏ. Hệ thống hỗ trợ sự sống được kế thừa từ công nghệ của NASA, sử dụng thiết kế vòng lặp mở đơn giản, tương tự như trên tàu con thoi.
Các phi hành gia sẽ không lưu trú trong thời gian dài như trên ISS. Thay vào đó, bốn người sẽ lên trạm trong khoảng 10 ngày, di chuyển bằng tàu vũ trụ Dragon của SpaceX. Trong suốt 3 năm tuổi thọ quỹ đạo của Haven-1, chỉ có 4 nhiệm vụ như vậy được lên kế hoạch.
“Ưu tiên số một của Haven-1 – với tư cách là sản phẩm khả thi tối thiểu của một trạm vũ trụ – là an toàn,” ông Haot nói. “Ưu tiên thứ hai là thực hiện được trong khung thời gian chưa từng có. Mà tiến độ nhanh thì đồng nghĩa với chi phí thấp hơn.”
Việc giữ thiết kế đơn giản cho phép Vast tăng tốc tiến độ. Cấu trúc chính đã bắt đầu được lắp ráp và dự kiến sẽ được thử nghiệm trong mùa hè này, sau khi hoàn thành vào tháng 7. Đến đầu năm sau, toàn bộ hệ thống sẽ được tích hợp và trải qua các bài kiểm tra cuối cùng để chuẩn bị cho việc phóng.
Trạm vũ trụ mang dáng dấp tương lai
Xét về mặt hình ảnh, Haven-1 là một sự đột phá so với các trạm vũ trụ trước đây. ISS – dù là một kỳ tích kỹ thuật – vẫn luôn trông giống như một nhà kho bay lơ lửng với đủ loại ống và thiết bị. Trong khi đó, Haven-1 được thiết kế trông giống như bước ra từ phim khoa học viễn tưởng. Nội thất sạch sẽ, được tính toán kỹ lưỡng và hiếm khi thấy vẻ thanh lịch đến vậy trong một môi trường không gian.
Tuy nhiên, yếu tố thẩm mỹ này không chỉ để “làm đẹp”. Nó phục vụ cho chức năng.
“Chúng ta đến không gian để làm việc,” ông Haot nói. “Ai cũng hiểu rằng nếu bạn nghỉ ngơi tốt hơn, cảm thấy dễ chịu hơn và giao tiếp hiệu quả hơn, thì bạn sẽ làm việc tốt hơn.”
Đó chính là lý do nhóm chuyên gia nhân tố con người của Vast được thành lập, với sự dẫn dắt của cựu phi hành gia NASA – Drew Feustel, người từng trải qua hơn 200 ngày trong không gian và thực hiện nhiều chuyến đi bộ ngoài không gian trên cả tàu con thoi và ISS. Họ đã tư duy lại về những điều cơ bản liên quan đến sự thoải mái của phi hành đoàn.
Ví dụ như việc ngủ, sẽ được thực hiện bằng giường bơm hơi áp lực nhẹ, tạo ra cảm giác áp lực lên cơ thể mà một số phi hành gia rất nhớ trong môi trường vi trọng lực.
“Mọi người muốn ngủ theo nhiều cách khác nhau trên ISS,” Haot nói. “Rất nhiều phi hành gia thích cảm giác có áp lực đè lên cơ thể khi họ ngủ – chúng tôi từng nghe nói có người thậm chí còn tự ép mình vào trong tủ đựng đồ trên ISS để ngủ.”
Điều gì sẽ diễn ra trên Haven-1?
Mỗi nhiệm vụ lên Haven-1 tuy ngắn nhưng sẽ kín lịch làm việc. Trong suốt vòng đời của trạm, các nhà khoa học sẽ có tổng cộng khoảng 40 ngày làm việc của phi hành đoàn – một tài nguyên quý giá, bởi thời gian của con người trong không gian vẫn còn rất hạn chế.
“Nhân loại thật ra không có nhiều giờ để học cách sống trong không gian và thử nghiệm các công nghệ,” CEO Max Haot nói. “Chúng tôi xem mỗi giờ làm việc hiệu quả là vô cùng quan trọng.”
Các dự án nghiên cứu đã được lên lịch bao gồm: sinh học con người, sàng lọc thuốc, sự phát triển của thực vật, và kết tinh protein. Vast đã ký kết hợp tác với các đối tác như Redwire Space (Mỹ), Yuri (Đức), và Exobiosphere (Luxembourg) – và sẽ còn nhiều đối tác khác tham gia.
Một công ty Pháp tên là Interstellar Lab sẽ nghiên cứu sự phát triển của thực vật trong môi trường vi trọng lực.
Trong thời gian giữa các nhiệm vụ, trạm sẽ được sử dụng để thử nghiệm các hệ thống tạo trọng lực nhân tạo – một bước đi đầu tiên nhằm giúp các chuyến bay dài ngày trong không gian trở nên an toàn và khả thi hơn.
Nước cờ chiến lược cho kỷ nguyên hậu ISS
Haven-1 không chỉ là một nền tảng nghiên cứu. Đây còn là một bước đi nhiều toan tính trong một cuộc đua lớn hơn nhiều.
NASA dự kiến ngừng vận hành ISS vào khoảng năm 2030, và hiện đang đánh giá các đề xuất cho thế hệ trạm vũ trụ tiếp theo. Haot muốn Vast giành được hợp đồng này, và việc ra mắt Haven-1 sớm với nguồn vốn tư nhân chính là cách để vượt lên trước đối thủ.
“Chiến lược của chúng tôi là trở thành đơn vị đã làm được nhiều nhất so với tất cả các đối thủ,” Haot nói. “Dẫn đầu về phát triển công nghệ, nhân sự, cơ sở vật chất và bằng chứng thực tế – và chúng tôi cơ bản đã đạt được điều đó.”
Tuy nhiên, cuộc đua vẫn còn rất gay gắt. Công ty Axiom Space đã được NASA trao hợp đồng trị giá 140 triệu USD để gắn ít nhất một mô-đun vào ISS. Việc xây dựng đã bắt đầu và mục tiêu phóng là vào cuối năm 2026.
Các công ty như Blue Origin, Northrop Grumman và Starlab cũng đang trong cuộc đua này.
Nếu thành công, đội ngũ Vast sẽ ở vào vị trí rất thuận lợi khi NASA đưa ra quyết định vào năm 2026. Nhưng ngay cả khi không thắng, Haot vẫn tin rằng Haven-1 sẽ tiếp tục có giá trị. Vast có thể chào bán thời gian sử dụng trạm cho các chính phủ nước ngoài và các tổ chức tư nhân nếu kế hoạch với NASA không thành.
“Chúng tôi vẫn tin rằng Vast có một tương lai tươi sáng phía trước, nhưng hiện tại chúng tôi đang cực kỳ tập trung vào mục tiêu này (giành chiến thắng),” Haot nói. “Đây là cơ hội lớn nhất trong thế giới trạm vũ trụ hiện nay – và chúng tôi phải giành được nó.”
Từ Haven-1 đến một trung tâm quỹ đạo hoàn chỉnh
Haven-1 chỉ là điểm khởi đầu. Bước tiếp theo của Vast là Haven-2 – một mô-đun tiên tiến hơn nhưng vẫn giữ nguyên cách tiếp cận hiện tại.
Từ năm 2028 trở đi, công ty có kế hoạch phóng thêm các mô-đun mới khoảng mỗi sáu tháng, tiến tới việc lắp ráp một trạm vũ trụ thương mại hoàn chỉnh vào năm 2032.
Tương lai dạng mô-đun này sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho các nhiệm vụ có người lái thường xuyên, chương trình nghiên cứu tư nhân, và cuối cùng là một nền kinh tế quỹ đạo đa dạng.
Và nhờ thỏa thuận với SpaceX, Haven-1 cũng sẽ trở thành trạm vũ trụ đầu tiên kết nối với mạng Starlink, mang lại tốc độ internet ở cấp gigabit trên quỹ đạo – một bước đột phá trong giao tiếp thời gian thực và truyền dữ liệu.
“Khi ở trên Haven-1, nếu bạn muốn nói chuyện với ai đó 24/7 – bạn hoàn toàn có thể,” Haot nói. “Điều này sẽ làm thay đổi cách công chúng và phi hành đoàn tương tác trong không gian.”
Không gian – được định nghĩa lại
Haven-1 sẽ không phải là trạm lớn nhất hay hiện đại nhất trên quỹ đạo. Nhưng nó sẽ là trạm đầu tiên được xây dựng, tài trợ và vận hành hoàn toàn bởi một công ty tư nhân – và đó mới là điểm mấu chốt.
Bằng việc chứng minh rằng hạ tầng không gian có thể gọn nhẹ, tinh tế và khả thi về mặt thương mại, Vast hy vọng sẽ vẽ lại bản đồ quỹ đạo thấp của Trái Đất.
Dù là vì khoa học, thám hiểm hay công nghiệp, Haot tin rằng tương lai của không gian không còn thuộc về các quốc gia – mà thuộc về ai đến trước, dù chỉ là một công ty khởi nghiệp.
“Mục tiêu của chúng tôi không phải là xây một khách sạn sang trọng trong không gian để hút khách du lịch,” Haot nói. “Mà là xây dựng một môi trường tốt để sống và làm việc. Rủi ro thì có đấy… nhưng chúng ta sẽ phải chờ xem thực tế ra sao.”
Haven-1 sẽ đón tiếp bốn thành viên phi hành đoàn mỗi lượt, với các nhiệm vụ kéo dài 10 ngày. Ảnh: Vast
Dù thời gian ngắn, các phi hành gia trên Haven-1 sẽ thực hiện hàng trăm thí nghiệm. Ảnh: Vast
Minh họa mô hình Haven-1 trên quỹ đạo. Ảnh: Vast