
Janet Petro, Quyền Giám đốc NASA, dự kiến sẽ đưa ra quyết định về cơ cấu nhân sự “cấp cao nhất” cho cơ quan này trong vài tuần tới, cho dù chức giám đốc NASA cần được Thượng viện phê chuẩn có thể sẽ chưa chính thức được bổ nhiệm cho đến sang năm.
Ban lãnh đạo NASA, bao gồm Janet Petro, đã tổ chức một buổi gặp gỡ cho nhân viên NASA vào ngày 25/6. Buổi gặp gỡ này không được công khai nhưng bản ghi hình đã được SpaceNews thu thập và đã được đăng tải lên mạng.
Tại sự kiện này, bà Petro cho biết bà đang thực hiện kế hoạch tái cấu trúc NASA, có thể thay đổi cách tổ chức cơ quan và điều chỉnh các phòng ban với trách nhiệm báo cáo trực tiếp.
“Tôi dự kiến sẽ hoàn thiện cơ cấu cấp cao nhất của cơ quan này trong vài tuần tới,” bà nói. “Hiện tại, chúng tôi đang cân nhắc một số phương án và đã bắt đầu làm việc này từ đầu tháng Ba.”
Một phương án là tổ chức NASA theo cơ cấu các ban giám đốc nhiệm vụ (mission directorates), cách tiếp cận tương tự như cơ cấu hiện tại. Một phương án khác là “dựa vào trung tâm” (center-centric), xoay quanh các trung tâm trực thuộc của NASA. Phương án thứ ba là “mô hình dòng sản phẩm” (product line model), nhưng bà không giải thích rõ dòng sản phẩm của NASA là gì.
Bà cho biết việc tái cấu trúc này sẽ chỉ áp dụng ở cấp cao nhất của NASA, không ảnh hưởng đến các cấp dưới trung tâm.
“Sau khi lựa chọn được cơ cấu cấp cao, chúng tôi sẽ bắt đầu xác định chi tiết tổ chức ở cấp thấp hơn, và đảm bảo các quy trình vận hành và hệ thống quản trị phản ánh những gì cần thiết để mỗi bộ phận trong NASA có thể hoạt động hiệu quả.”
Bất kể phương án nào được chọn, bà Petro cho biết phần lớn công việc hiện do trụ sở NASA tại Washington D.C. đảm nhiệm sẽ được chuyển về các trung tâm hiện trường (field centers) nơi các công việc, sứ vụ chính được thực hiện.
“Chúng tôi đang cân nhắc chuyển hầu hết các chức năng hiện đang thực hiện ở D.C. ra nơi công việc thực tế đang được triển khai, đồng thời định hướng lại công việc tại D.C. tập trung vào việc xác định chiến lược và phối hợp với các đối tác bên ngoài,” bà nói.
Chờ người đứng đầu mới
Một tháng trước, nhiều người cho rằng bà Petro — Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Kennedy kiêm quyền Giám đốc NASA từ khi Tổng thống Trump nhậm chức ngày 20/1 — sẽ sớm thôi giữ vị trí lãnh đạo NASA. Thượng viện khi đó đang xúc tiến phê chuẩn ông Jared Isaacman — người được chính quyền đề cử làm Giám đốc NASA — với một cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào đầu tháng Sáu.
Tuy nhiên, điều đó bất ngờ thay đổi vào ngày 31/5, khi Tổng thống Trump tuyên bố rút lại đề cử này — một động thái được cho là liên quan đến rạn nứt giữa ông Trump và Elon Musk, Giám đốc điều hành SpaceX, người đã vận động cho Isaacman.
Bà Petro khẳng định sẽ tiếp tục điều hành NASA trong thời gian tới.
“Tôi muốn các bạn biết rằng tôi sẽ tiếp tục lãnh đạo NASA cho đến khi người kế nhiệm chính thức được bổ nhiệm, và tôi trân trọng trách nhiệm đó.”
Việc bổ nhiệm người đứng đầu mới có thể kéo dài đến năm sau. “Dự đoán thực tế nhất cho thấy điều đó khó xảy ra trong vòng sáu tháng tới và có thể sẽ kéo dài đến tám hoặc chín tháng,” Chánh văn phòng NASA, ông Brian Hughes, cho biết tại buổi gặp gỡ.
Ông nói thêm, quá trình có thể được đẩy nhanh nếu Tổng thống sớm đưa ra đề cử mới “và yêu cầu ưu tiên quy trình của Thượng viện để thúc đẩy tiến độ.”
Khi ông Trump tuyên bố rút đề cử Isaacman, ông nói sẽ sớm công bố ứng viên mới “phù hợp với sứ mệnh.” Tuy nhiên, gần một tháng sau, Nhà Trắng vẫn chưa công bố tên người được đề cử thay thế.
Cắt giảm ngân sách và khả năng sa thải nhân viên
Phần lớn thời lượng buổi gặp gỡ, bao gồm các câu hỏi do nhân viên NASA gửi lên, xoay quanh những lo ngại về ngân sách của cơ quan và khả năng “giảm biên chế”. Đề xuất ngân sách năm tài khóa 2026 của NASA sẽ cắt giảm gần 25% ngân sách tổng thể của cơ quan, với mức cắt sâu hơn ở các lĩnh vực như khoa học và công nghệ vũ trụ. Đề xuất này cũng dự kiến giảm một phần ba lực lượng công chức của cơ quan, tương đương khoảng 6.000 người.
Lãnh đạo NASA đã bảo vệ đề xuất này, cho rằng đó là một phần trong nỗ lực rộng hơn của chính phủ nhằm giảm chi tiêu.
Bà Petro bảo vệ ngân sách dành cho khoa học – phần bị đề xuất cắt giảm tới 47%, chỉ còn 3,9 tỷ USD. “Chúng ta vẫn còn gần 4 tỷ USD. Với 4 tỷ, vẫn có thể thực hiện rất nhiều nghiên cứu khoa học,” bà nói.
Một phân tích từ tổ chức Planetary Society cho thấy đề xuất ngân sách này sẽ hủy bỏ hơn 40 dự án khoa học, bao gồm cả các sứ mệnh độc lập và những hợp phần đóng góp vào các sứ mệnh khác.
“NASA là một phần của nhánh hành pháp, nên không phải nhiệm vụ của chúng ta là vận động hành lang, nhưng hãy nhìn theo hướng tích cực – chúng ta vẫn còn rất nhiều tiền. Hãy xem chúng ta có thể làm được bao nhiêu sứ mệnh,” bà Petro nói thêm.
Tuy nhiên, các quan chức khẳng định hiện chưa có kế hoạch sa thải nhân viên. NASA đang triển khai vòng hai của chương trình nghỉ hưu tự nguyện sau khi 900 nhân viên tham gia vòng đầu tiên hồi đầu năm nay. Bà Casey Swails, phó giám đốc điều hành NASA, cho biết 1.500 nhân viên đã đăng ký nghỉ hưu vòng hai, hạn cuối là ngày 25/7.
Bà nói NASA không có kế hoạch triển khai thêm một đợt khuyến khích nghỉ việc tự nguyện nào sau khi cơ hội này kết thúc, nhưng nhấn mạnh rằng cơ quan không dự tính sa thải.
Hiện Quốc hội Mỹ vẫn chưa xem xét đề xuất ngân sách, trong khi Ủy ban phân bổ ngân sách Hạ viện dự kiến sẽ tiến hành thảo luận dự luật chi tiêu cho thương mại, tư pháp và khoa học – bao gồm cả NASA – vào đầu tháng Bảy.
Quyền Giám đốc NASA Janet Petro phát biểu tại Hội nghị Không gian lần thứ 40 ngày 8 tháng 4. Ảnh: Tom Kimmell Photography