
Họ không cần thùng phiếu, không cần phải đi bỏ phiếu, và dĩ nhiên không cần máy kiểm phiếu. Mọi vấn đề lớn nhỏ, người dân chỉ cần giơ tay. Bang Glarus của Thụy Sĩ đã bỏ phiếu theo cách này từ thời trung cổ (medieval times) – với mục tiêu tìm ra giải pháp “mà ai cũng thấy hơi ổn và cũng hơi không ổn”.
Hầu hết thời gian trong năm, hiếm khi có những đám đông lớn ở thị trấn Glarus của Thụy Sĩ. Nằm dưới chân dãy Glärnisch hùng vĩ thuộc dãy Alps, thị trấn nhỏ này yên bình, hầu như không bị quấy rầy bởi du khách thường đổ về những vùng phong cảnh đẹp khác trong khu vực. Nhưng mỗi năm có một ngày – thường là Chủ nhật đầu tiên của tháng Năm – người dân của bang tụ họp đông đảo tại quảng trường trung tâm cho một truyền thống đã kéo dài hơn 700 năm. Những câu hỏi vang lên qua loa phóng thanh, và hàng ngàn người giơ tay đáp lại. Đây là Landsgemeinde – một trong những hình thức dân chủ trực tiếp lâu đời nhất trên thế giới vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Landsgemeinde, có nghĩa là “hội đồng cộng đồng bang” trong tiếng Đức, bắt nguồn từ thời trung cổ. Glarus, với dân số khoảng 41.000 người, là một trong chỉ hai bang của Thụy Sĩ còn duy trì hình thức bỏ phiếu này. Đây là diễn đàn nơi công dân bang quyết định các đạo luật địa phương – không thông qua phòng phiếu hay lá phiếu gửi qua bưu điện mà bằng cách giơ tay. Từ bục gỗ, quan tòa trưởng bang – gọi là Landammann – sẽ đánh giá bằng mắt số lượng người ủng hộ mỗi đề xuất và xác định xem đề xuất đó có được thông qua hay không.
Tháng Năm vừa qua, hàng ngàn cử tri đủ điều kiện không ngần ngại mưa to từng đợt, vẫn tụ tập ở quảng trường. Dưới bầu trời nhiều mây thấp gây ra sương mù bao phủ dưới chân núi, họ bỏ phiếu về 10 vấn đề, bao gồm sửa đổi luật cảnh sát, ấn định thuế suất và hạn chế giao thông đường bộ.
“Thật tuyệt khi ý kiến của bạn được xem trọng và bạn có quyền phát biểu về những chủ đề nhất định, có cơ hội để được lắng nghe,” Matteo Tamborino, một nhân viên ngân hàng 24 tuổi, người lần đầu tiên tham gia Landsgemeinde năm nay, chia sẻ. “Cảm giác thật tuyệt khi được lựa chọn bỏ phiếu. Nếu bạn không muốn, bạn không cần phải tham dự, điều đó không bắt buộc.”
Bỏ phiếu bằng cách giơ tay
Quyền đệ trình sáng kiến lên cho bang là quyền của mọi công dân đủ điều kiện bầu cử tại Glarus. Miễn là kiến nghị không vi phạm pháp luật, quốc hội bang sẽ thảo luận, và nếu ít nhất 10 trong số 60 nghị sĩ đồng ý rằng chủ đề đáng để tiếp tục xem xét, họ sẽ soạn thảo đề xuất để đưa ra Landsgemeinde tiếp theo.
Trong khi phần lớn các nền dân chủ trên thế giới đảm bảo lá phiếu là bí mật, Landsgemeinde mang đến sự minh bạch tuyệt đối, với công dân bỏ phiếu công khai: ai giơ tay đều được thấy rõ.
“Không sao nếu người khác biết tôi bỏ phiếu thế nào, vì tôi muốn được tôn trọng với đúng con người mình,” Eva-Marie Kreis, 28 tuổi, ủy viên hội đồng thành phố Glarus và là phó chủ tịch Đảng Xanh, nói. “Đó là ADN của hệ thống chính trị và dân chủ của chúng tôi – rằng ai cũng được tôn trọng theo cách của riêng họ.”
Kreis cho rằng hệ thống bỏ phiếu của Glarus là yếu tố then chốt giúp thị trấn này trở thành trung tâm của chính trị cấp tiến. “Khi người khác biết bạn làm gì,” cô nói, “họ có xu hướng bỏ phiếu ủng hộ những gì phù hợp với số đông.”
Năm 2007, công dân Glarus đã bỏ phiếu tại Landsgemeinde để hạ độ tuổi bầu cử từ 18 xuống 16, khiến nơi đây trở thành bang duy nhất ở Thụy Sĩ cho phép công dân bỏ phiếu trước tuổi 18. Năm 2021, quốc hội bang cũng đã siết chặt Luật Năng lượng, cấm lắp đặt hệ thống sưởi dùng nhiên liệu hóa thạch trong các tòa nhà mới, đưa đạo luật năng lượng của bang này trở thành một trong những đạo luật tiến bộ nhất Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, dù có thể dễ dàng liên hệ phong cách bỏ phiếu độc đáo của Glarus với chính trị cấp tiến, mọi chuyện không đơn giản như vậy: Appenzell Innerrhoden – địa phương duy nhất khác còn áp dụng Landsgemeinde – lại có xu hướng bảo thủ hơn. Năm 1991, tròn 20 năm sau khi Thụy Sĩ trao quyền bầu cử cho phụ nữ ở cấp liên bang, Appenzell Innerrhoden mới cho phép phụ nữ bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử cấp bang – và chỉ sau khi tòa án liên bang ra phán quyết buộc nơi này phải tuân thủ. Glarus, như phần lớn phần còn lại của đất nước, đã trao quyền bầu cử cấp bang cho phụ nữ từ năm 1971. Appenzell Innerrhoden cũng là bang có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất (50,8%) trong cuộc trưng cầu dân ý về hôn nhân đồng giới năm 2021 tại Thụy Sĩ – dù dự luật đã được thông qua trên toàn quốc.
Nghệ thuật của sự thỏa hiệp
Với Kaspar Becker – quan tòa trưởng bang (Landammann) của Glarus, người điều hành Landsgemeinde – dân chủ trực tiếp không chỉ là việc quyết định điều gì, mà còn là cách hệ thống này nuôi dưỡng lòng khoan dung và đặt sự thỏa hiệp làm trung tâm trong xã hội.
“Hệ thống này rất đặc biệt, nhưng nó đã ăn sâu vào văn hóa của chúng tôi, và tôi nghĩ rằng trong nền văn hóa này, chúng tôi đã chấp nhận rằng bạn có thể có quan điểm riêng, có quyền bỏ phiếu theo quan điểm đó mà không cần gây hấn với ai,” ông nói. “Chúng tôi bày tỏ quan điểm của mình, thể hiện nó, và điều đó được chấp nhận.”
Tuy nhiên, không có nền dân chủ nào là hoàn hảo, và Landsgemeinde cũng có những hạn chế. Việc đếm số cánh tay giơ lên bằng mắt thường có thể dẫn đến sai lệch trong các cuộc bỏ phiếu sít sao (close votes). Và ước tính chỉ dưới 20% dân số bang thực sự tham gia bỏ phiếu. Quan trọng hơn cả, không phải ai phát biểu cũng có đủ thời gian để trình bày trọn vẹn quan điểm của mình.
Tại Landsgemeinde năm nay, Nils Landolt, một nhà giáo dục 36 tuổi sống tại thị trấn Filzbach, đã trải nghiệm cả sức mạnh lẫn giới hạn của diễn đàn này. Khi phát biểu ủng hộ việc tạo ra các phiếu hỗ trợ giáo dục, anh bị ngắt lời vì nói quá thời gian quy định. Cuối cùng, sửa đổi này đã không được thông qua.
Bắt nguồn từ thế kỷ 13, hình thức dân chủ trực tiếp này từng là nét đặc trưng của nhiều bang nông thôn Thụy Sĩ, nhưng đến nay chỉ còn tồn tại ở Glarus và Appenzell Innerrhoden.
“Cảm giác thật tuyệt khi đứng trước đám đông như vậy, nói lên điều quan trọng đối với mình. Nhưng rồi tôi bị ngắt lời. Điều đó có phần khiến tôi cảm thấy bị chế giễu,” Landolt nhớ lại. “Dù vậy, được phát biểu hôm nay vẫn là một trải nghiệm đặc biệt, vì vấn đề đó thật sự rất quan trọng với tôi. Hệ thống bỏ phiếu kiểu này mang lại cơ hội tuyệt vời để người dân thực sự làm được điều gì đó.”
Vào ngày tổ chức Landsgemeinde, bầu không khí lễ hội tràn ngập khắp trung tâm thị trấn, với các khu chợ bán từ võng cho tới đồ chơi trẻ em giá rẻ mọc lên quanh nơi họp hội. Ngày trước đó, cư dân địa phương tổ chức chợ đồ cũ, nơi họ bán các món đồ quý như đồng hồ hay đồ nội thất gỗ cũ. Tối hôm bỏ phiếu, mọi người tụ tập ở các quán bar và nhà hàng, bàn luận sôi nổi về chính trị và sự kiện trong ngày. Đó là một bầu không khí gần gũi, vui tươi, thể hiện tinh thần dân chủ như một hoạt động cộng đồng – thậm chí là niềm vui. Tuy nhiên, ít ai ở Glarus nghĩ rằng hệ thống như Landsgemeinde có thể được “xuất khẩu” ra nước ngoài, vì mọi người đều hiểu rằng nó chỉ hoạt động hiệu quả chính vì quy mô nhỏ của nó.
“Đây là một nền văn hóa đã trải qua hàng trăm năm,” ông Becker nói. “Điều duy nhất người khác có thể học hỏi, là hãy cởi mở hơn trong việc tìm ra những giải pháp mà ai cũng thấy hơi ổn và cũng hơi không ổn. Chúng ta phải hướng đến sự thỏa hiệp – và đó nên là bước đầu tiên.”
Bỏ phiếu bằng cách giơ tay tại quảng trường thị trấn Glarus.
Trước giờ bỏ phiếu, người dân thị trấn Glarus tụ họp từ sáng sớm để thưởng thức cuộc diễu hành.
Phụ nữ giành được quyền tham gia vào năm 1971 – hơn sáu thế kỷ sau những cuộc họp đầu tiên – Landsgemeinde tiếp tục phát triển, cân bằng giữa nghi lễ truyền thống và đổi mới dân chủ.