
Theo hãng tư vấn công nghệ Gartner, hơn 40% dự án liên quan đến tác nhân AI (agentic AI) sẽ bị hủy bỏ trước cuối năm 2027 do chi phí leo thang, giá trị kinh doanh không rõ ràng hoặc kiểm soát rủi ro không đầy đủ.
“Hiện nay, hầu hết các dự án tác nhân AI (hay AI đại diện) đều đang ở giai đoạn thử nghiệm ban đầu hoặc chứng minh ý tưởng (proof of concept), chủ yếu được thúc đẩy bởi làn sóng thổi phồng và thường bị áp dụng sai mục đích,” bà Anushree Verma, Giám đốc Phân tích cấp cao tại Gartner, nhận định. “Điều này có thể khiến các tổ chức không hình dung được chi phí và độ phức tạp thực tế khi triển khai tác nhân AI ở quy mô lớn, dẫn đến việc các dự án bị đình trệ và không thể chuyển sang giai đoạn vận hành. Họ cần vượt qua sự cường điệu để đưa ra quyết định chiến lược và thận trọng về nơi và cách ứng dụng công nghệ mới nổi này.”
Theo khảo sát của Gartner vào tháng 1 năm 2025 với 3.412 người tham dự hội thảo trực tuyến, 19% cho biết tổ chức của họ đã đầu tư đáng kể vào tác nhân AI, 42% đầu tư một cách thận trọng, 8% chưa đầu tư, và 31% còn lại đang “chờ xem” hoặc không chắc chắn.
Các tập đoàn công nghệ lớn như Salesforce và Oracle đã đón đầu xu hướng tác nhân AI – những hệ thống có khả năng tự động hoàn thành mục tiêu và thực hiện hành động – bằng cách đầu tư hàng tỷ đô la vào công nghệ này với kỳ vọng cải thiện biên lợi nhuận và tối ưu hóa chi phí.
Tuy nhiên, theo Gartner, nhiều nhà cung cấp đang thực hiện cái gọi là “agent washing” – tức là đổi tên các sản phẩm như trợ lý AI hay chatbot thành “tác nhân AI” dù không có năng lực tác nhân thực sự. Gartner ước tính rằng chỉ khoảng 130 trong số hàng nghìn nhà cung cấp tự nhận là cung cấp tác nhân AI là thực sự có năng lực.
“Hầu hết các giải pháp tác nhân AI hiện tại không mang lại giá trị đáng kể hay lợi tức đầu tư (ROI) vì các mô hình hiện nay chưa đủ độ chin và chưa có khả năng tự chủ để đạt được các mục tiêu kinh doanh phức tạp hoặc thực hiện các chỉ dẫn tinh vi trong thời gian dài,” bà Verma nói. “Nhiều trường hợp được trình bày như là ứng dụng AI đại diện hiện nay thực tế không cần triển khai theo hướng này.”
Hiện thực hóa giá trị kinh doanh
Dù gặp những thách thức ban đầu, xu hướng tác nhân AI vẫn đánh dấu một bước nhảy vọt trong năng lực AI và cơ hội thị trường. Tác nhân AI sẽ mở ra cách thức mới để nâng cao hiệu quả tài nguyên, tự động hóa các nhiệm vụ phức tạp và mang đến những đổi mới trong kinh doanh – vượt xa khả năng của các bot tự động theo kịch bản hoặc trợ lý ảo hiện nay.
Gartner dự đoán ít nhất 15% các quyết định trong công việc hằng ngày sẽ được thực hiện một cách tự chủ thông qua tác nhân AI vào năm 2028, so với mức 0% vào năm 2024. Ngoài ra, 33% các ứng dụng phần mềm doanh nghiệp sẽ tích hợp tác nhân AI vào năm 2028, so với chưa đến 1% vào năm 2024.
Ở giai đoạn ban đầu này, Gartner khuyến nghị chỉ nên triển khai tác nhân AI khi có thể chứng minh rõ ràng giá trị hoặc lợi tức đầu tư. Việc tích hợp các tác nhân AI vào hệ thống kế thừa thường rất phức tạp về mặt kỹ thuật, có thể làm gián đoạn quy trình làm việc và đòi hỏi những điều chỉnh tốn kém. Trong nhiều trường hợp, việc tái thiết kế quy trình ngay từ đầu với tư duy lấy tác nhân AI làm trung tâm sẽ mang lại hiệu quả triển khai cao hơn.
“Để thực sự khai thác giá trị từ tác nhân AI, các tổ chức cần tập trung vào năng suất toàn doanh nghiệp, chứ không chỉ là tăng cường cho các nhiệm vụ cá nhân,” bà Verma cho biết. “Họ có thể bắt đầu bằng cách sử dụng tác nhân AI cho các tình huống ra quyết định, dùng tự động hóa cho quy trình lặp lại và dùng trợ lý AI cho các truy vấn đơn giản. Mục tiêu là tạo ra giá trị kinh doanh thông qua tối ưu chi phí, chất lượng, tốc độ và quy mô.”
Hình minh họa cho thấy các mô hình người nhỏ đặt trước máy tính và điện thoại thông minh, phía sau là dòng chữ “Trí tuệ nhân tạo “. Ảnh: Reuters