
Hoa Kỳ không cần phải cấm ngặt xuất khẩu các loại chip và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý rủi ro an ninh quốc gia, một quan chức Nhà Trắng cho biết hôm thứ Ba, phát tín hiệu về lập trường cởi mở hơn đối với việc xuất khẩu sang các đồng minh tin cậy như Ả Rập Xê Út.
David Sacks, lãnh đạo phụ trách AI và tiền mã hóa của Nhà Trắng, đưa ra bình luận trong chuyến thăm Riyadh, chỉ vài ngày sau khi Washington công bố kế hoạch hủy bỏ và điều chỉnh một quy định thời ông Biden, vốn giới hạn quyền tiếp cận toàn cầu đối với chip trí tuệ nhân tạo.
“Chính quyền Trump vừa thông báo rằng chúng tôi sẽ hủy bỏ cái gọi là ‘quy tắc khuếch tán công nghệ’ của ông Biden… quy định này đã giới hạn việc khuếch tán hay phổ biến công nghệ Mỹ ra toàn thế giới,” ông Sacks nói tại Diễn đàn Đầu tư Mỹ – Ả Rập Xê Út, mở đầu chuyến công du các quốc gia vùng Vịnh của Tổng thống Donald Trump.
“(Việc khuếch tán) không phải là rủi ro khi đối tác là một người bạn như Ả Rập Xê Út. Nhưng tôi nghĩ nói chung, có rất nhiều hiểu lầm về vấn đề chuyển hướng GPU,” ông Sacks cho biết, đề cập đến các bộ xử lý đồ họa – loại vi xử lý chuyên dụng ban đầu được thiết kế để tăng tốc quá trình dựng hình đồ họa, và được dùng cho phát triển các mô hình AI.
Những bình luận này đánh dấu một sự thay đổi so với các biện pháp hạn chế gần đây liên quan đến chuyển giao công nghệ trung tâm dữ liệu, và phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng của Mỹ trong việc tăng cường quan hệ công nghệ với các đối tác Trung Đông – những nước đang đầu tư hàng tỷ USD vào hạ tầng AI và mong muốn trở thành trung tâm công nghệ mới ngoài nước Mỹ.
“Lý do ban đầu của quy tắc khuếch tán này là do chúng tôi có chính sách không muốn các loại bán dẫn tiên tiến lọt vào tay các ‘quốc gia đáng lo ngại’,” ông Sacks nói, và cho biết quy tắc này chưa bao giờ có ý định áp dụng đối với bạn bè, đồng minh và các đối tác chiến lược.
Quy định Khung Khuếch Tán Công Nghệ Trí Tuệ Nhân Tạo được ban hành vào tháng 1, chỉ một tuần trước khi kết thúc nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Joe Biden. Đây là thành quả của bốn năm nỗ lực nhằm làm suy giảm khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với các loại chip tiên tiến có thể nâng cao năng lực quân sự, đồng thời duy trì vị thế dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực AI.
Ông Trump đã bổ nhiệm ông Sacks vào tháng 12, nhằm định hình lại chính sách của Mỹ liên quan đến tài sản số và trí tuệ nhân tạo.
Chính quyền mới cùng các nhà đầu tư công nghệ nói chung đều ủng hộ việc giảm thiểu quy định liên quan đến AI và tiền mã hóa như bitcoin, với lý do rằng Washington có thể bóp nghẹt các lĩnh vực đổi mới đang phát triển nếu áp đặt quá nhiều luật lệ.
Ngành công nghiệp công nghệ cho rằng nếu Mỹ hạn chế tiếp cận chip AI, các quốc gia khác sẽ tìm đến công nghệ từ Trung Quốc.
David Sacks – người đứng đầu về AI và tiền mã hóa – phát biểu trong Phòng Roosevelt tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters
Nvidia sẽ gửi 18.000 chip AI tới Ả Rập Xê Út Hãng sản xuất chip của Mỹ Nvidia sẽ hợp tác với startup AI Humain, thuộc sở hữu của quỹ đầu tư quốc gia Ả Rập Xê Út, và sẽ chuyển 18.000 chip đến quốc gia Trung Đông này nhằm hỗ trợ một dự án trung tâm dữ liệu mới. Thỏa thuận hợp tác được công bố vào thứ Ba, trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Ả Rập Xê Út, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Ả Rập Xê Út đang nỗ lực phát triển năng lực trí tuệ nhân tạo và củng cố hạ tầng điện toán đám mây với sự hỗ trợ từ đầu tư nước ngoài. “AI, giống như điện và internet, là hạ tầng thiết yếu của mọi quốc gia,” ông Jensen Huang, nhà sáng lập Nvidia, phát biểu. “Cùng với Humain, chúng tôi đang xây dựng hạ tầng AI cho người dân và doanh nghiệp Ả Rập Xê Út để hiện thực hóa tầm nhìn táo bạo của Vương quốc này.” Các chip Blackwell tiên tiến sẽ được sử dụng tại trung tâm dữ liệu công suất 500 megawatt ở Ả Rập Xê Út, theo thông tin tại Diễn đàn Đầu tư Mỹ – Ả Rập Xê Út diễn ra ở thủ đô Riyadh hôm thứ Ba. Công ty Nvidia có trụ sở tại bang California cho biết đợt triển khai đầu tiên sẽ sử dụng chip GB300 Blackwell, một trong những dòng chip AI tiên tiến nhất của Nvidia hiện nay, vừa được công bố chính thức hồi đầu năm.
(Hoàng Sơn, nguồnTheo AP) |