
Dua Lipa, Sir Elton John, Sir Ian McKellen và Florence Welch nằm trong danh sách hơn 400 nhạc sĩ, nhà văn và nghệ sĩ người Anh ký tên vào một bức thư gửi Thủ tướng Keir Starmer, kêu gọi cập nhật luật bản quyền để bảo vệ họ trước trí tuệ nhân tạo (AI).
Bức thư cảnh báo rằng nếu không có sự bảo vệ cần thiết, họ sẽ bị buộc phải “từ bỏ” tác phẩm của mình cho các công ty công nghệ. Các nghệ sĩ cũng cho rằng vị thế của Vương quốc Anh như một cường quốc sáng tạo đang bị đe dọa.
Họ kêu gọi Thủ tướng ủng hộ một sửa đổi trong Dự luật Dữ liệu, yêu cầu các nhà phát triển AI minh bạch với chủ sở hữu bản quyền khi sử dụng tác phẩm của họ để huấn luyện mô hình AI.
Người phát ngôn chính phủ cho biết: “Chúng tôi muốn cả ngành công nghiệp sáng tạo lẫn các công ty AI phát triển mạnh, đó là lý do chúng tôi đang tham vấn về một gói biện pháp nhằm mang lại lợi ích cho cả hai bên.” Họ khẳng định sẽ không có thay đổi nào được thực hiện nếu không đảm bảo được quyền lợi của người sáng tạo.
Các nghệ sĩ ký tên bao gồm nhà văn Kazuo Ishiguro, nhà viết kịch David Hare, ca sĩ Kate Bush và Robbie Williams, cùng với ban nhạc Coldplay, nhà viết kịch Tom Stoppard và đạo diễn Richard Curtis. Sir Paul McCartney – người từng bày tỏ quan ngại về việc AI sao chép trái phép tác phẩm của nghệ sĩ – cũng đã ký tên.
Bức thư viết: “Chúng tôi là những người tạo ra giá trị, phản ánh và truyền tải những câu chuyện quốc gia, là người dẫn đầu đổi mới trong tương lai. AI cần chúng tôi giống như nó cần năng lượng và kỹ năng công nghệ vậy.”
Họ cho biết những lo ngại có thể được giải quyết nếu chính phủ ủng hộ sửa đổi do Nữ Nam tước Beeban Kidron đề xuất, trước cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Thượng viện vào thứ Hai tới, 12-5. Sửa đổi này sẽ “cho phép cả các nhà phát triển AI và người sáng tạo xây dựng các cơ chế cấp phép, đảm bảo nội dung do con người tạo ra vẫn có chỗ đứng trong tương lai”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với quan điểm của các nghệ sĩ. Julia Willemyns, đồng sáng lập tổ chức tư duy Centre for British Progress, cho rằng đề xuất này có thể kìm hãm tăng trưởng của Anh.
Bà nói với BBC: “Biện pháp này không thể ngăn các công ty nước ngoài sử dụng nội dung từ ngành sáng tạo của Anh. Một chế độ bản quyền quá nghiêm ngặt sẽ khiến việc phát triển AI bị chuyển ra nước ngoài, kìm hãm đổi mới trong nước và gây hại trực tiếp cho nền kinh tế Anh.”
Bức thư được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều nghệ sĩ lo ngại về việc tác phẩm của họ – trong đó có cả những nội dung có bản quyền – bị đưa vào dữ liệu đào tạo các hệ thống AI tạo sinh.
Hồi tháng 2, các nghệ sĩ như Annie Lennox và Damon Albarn đã phát hành một album không có tiếng để phản đối các đề xuất thay đổi luật bản quyền của chính phủ.
Chính phủ từng đề xuất cho phép các nhà phát triển AI sử dụng nội dung trên Internet để huấn luyện mô hình, trừ khi chủ sở hữu bản quyền chọn cách “từ chối tham gia”. Tuy nhiên, theo tờ The Guardian, chính phủ đang xem xét lại đề xuất này sau làn sóng phản đối từ giới sáng tạo.
Ông Ishiguro dẫn lại tuyên bố trước đó với BBC rằng: “Làm sao có thể công bằng và hợp lý khi thay đổi luật bản quyền lâu đời chỉ để có lợi cho các tập đoàn khổng lồ, trong khi làm thiệt hại cho những nhà văn, nhạc sĩ, nhà làm phim và nghệ sĩ độc lập?”
Nhà văn đoạt giải Nobel cho biết, cho đến nay, chỉ có một tiến triển nhỏ là chính phủ dường như đã nhận ra phương án “từ chối tham gia” là không khả thi. Ông tin rằng có thể sẽ có một cuộc tham vấn mới để tìm giải pháp công bằng hơn, dù chưa rõ mức độ hiệu quả ra sao.
Trước đó, Hạ viện đã bác bỏ một sửa đổi khác do Nữ Nam tước Kidron đề xuất, nhằm buộc các nhà phát triển AI phải tuân theo luật bản quyền của Anh.
Hiện nay, bà cho rằng việc đưa ra nghĩa vụ minh bạch đối với các công ty công nghệ trong đề xuất sửa đổi mới có thể hỗ trợ quá trình xây dựng các thỏa thuận cấp phép giữa các nghệ sĩ và doanh nghiệp.
Chính phủ khẳng định: “Điều quan trọng là chúng ta cần thời gian để xem xét toàn diện các phản hồi từ cuộc tham vấn, đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng cho các bước tiếp theo. Đó là lý do chúng tôi cam kết sẽ công bố báo cáo và đánh giá tác động kinh tế – để xem xét tất cả các vấn đề và phương án trong cuộc tranh luận này.”
Giới văn nghệ sĩ Anh lo ngại việc các công ty trí tuệ nhân tạo xâm phạm bản quyền. Ảnh: Getty