
Thế giới có lẽ đã chẳng mấy quan tâm đến loài cầy hương châu Á nếu không có những người Hà Lan định cư trồng cà phê trên các đảo Java, Sumatra và Sulawesi cách đây khoảng 300 năm.
Trước thời điểm đó, loài động vật có thân dài, chân ngắn và giỏi leo trèo này chủ yếu ăn trái cây, quả mọng, động vật nhỏ và côn trùng trong rừng. Nhưng khi cây cà phê được trồng nhiều, những con vật có vẻ ngoài giống mèo này phát hiện ra một món mới để nếm thử.
Cầy hương (hay chồn hương) nếm thử những quả cà phê chín, thấy ngon, và khi những người chủ đồn điền phát hiện rằng hạt cà phê đi qua hệ tiêu hóa của cầy hương mà vẫn nguyên vẹn, họ đã yêu cầu công nhân thu gom phân của chúng để tách lấy hạt. “Đừng bỏ phí thì sẽ không thiếu thốn (Waste not, want not)” – đúng như câu nói xưa.
Rồi một điều kỳ lạ xảy ra. Mọi người thử uống loại cà phê làm từ những hạt cà phê tái chế ấy – và họ thích. Hương vị độc đáo được miêu tả là có vị socola, hơi sánh như siro, có mùi đất và mùi rừng đặc trưng. Và thế là, cà phê chồn với thương hiệu Kopi Luwak ra đời.
Dù loài cầy hương vẫn sống tại Nam và Đông Nam Á, loại cà phê độc đáo này giờ đã được xuất khẩu khắp thế giới. Nhờ nguồn gốc kỳ lạ, Kopi Luwak trở thành một trong những loại cà phê đắt nhất mà bạn có thể mua.
Một tách cà phê Kopi Luwak từ cầy hương sống hoang dã có giá từ 20 đến 100 USD. Nhưng liệu nó có xứng đáng không?
Trong tự nhiên, cầy hương được cho là chỉ chọn những quả cà phê chín và hoàn hảo nhất – một quá trình chọn lọc giúp cải thiện hương vị cà phê. Sau đó, khi hạt đi qua đường tiêu hóa của chúng, các enzym và dịch dạ dày phá vỡ lớp ngoài của quả và phân hủy protein bên trong.
Quá trình này giúp tinh chế thêm hương vị và mùi thơm của hạt cà phê – rất tốt cho người uống, nhưng lại chẳng tốt chút nào cho cầy hương.
Cầy hương châu Á là loài sống đơn độc, chỉ tụ tập để giao phối. Chúng có tập tính lãnh thổ cao và giao tiếp bằng mùi – từ phân, nước tiểu đến chất sáp hăng mùi tiết ra từ tuyến đặc biệt gần hậu môn.
Chúng có mặt màu tối với chiếc “mặt nạ” trắng trên trán, bộ lông lốm đốm giúp chúng ngụy trang giữa bóng râm trong rừng. Và như mọi loài động vật hoang dã khác, điều chúng muốn nhất là được sống cuộc đời tự do.
Tuy nhiên, nhu cầu tăng cao với cà phê Kopi Luwak đang thúc đẩy sự phát triển của các trang trại nuôi cầy hương. Loài động vật hoang dã này bị bắt nhốt trong những chiếc lồng chật chội, nơi chúng bị ép ăn quả cà phê mà không có thực phẩm khác.
Bị tước đi chế độ ăn hợp lý, không gian vận động và cuộc sống hoang dã, phần lớn cầy hương không sống được lâu. Trong khi đó, người giàu vẫn nhấm nháp ly Kopi Luwak, còn quần thể cầy hương hoang dã tại Indonesia đang suy giảm.
Dù Indonesia có quy định hạn ngạch số lượng cầy vòi được phép bắt từ tự nhiên, luật này gần như bị phớt lờ bởi thợ săn và không được cơ quan chức năng thực thi. Tất cả chỉ vì một tách cà phê chồn.
Cầy hương trong tự nhiên ở Indonesia. Ảnh: Alamy
Một tách cà phê chồn – làm từ hạt cà phê được cầy hương ăn và thải ra – là một trong những loại cà phê đắt đỏ nhất thế giới. Ảnh: Getty