
Hồng y Robert Prevost đã được bầu chọn một cách bất ngờ làm lãnh đạo mới của Giáo hội Công giáo vào thứ Năm, lấy tông hiệu Leo XIV, trở thành Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên trong lịch sử.
Tân Giáo hoàng Leo XIV xuất hiện trên ban công của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô tại Vatican, ngày 8 tháng 5. Ảnh: Reuters
Giáo hoàng Leo xuất hiện trên ban công trung tâm của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô sau khi khói trắng bốc lên từ ống khói trên mái Nhà nguyện Sistine, báo hiệu 133 hồng y cử tri đã chọn được người kế nhiệm để lãnh đạo 1,4 tỷ tín hữu Công giáo trên toàn thế giới.
“Bình an cho tất cả anh chị em,” vị giáo hoàng mới nói với đám đông hân hoan bằng tiếng Ý trôi chảy. Ông cũng phát biểu bằng tiếng Tây Ban Nha trong bài phát biểu ngắn gọn, nhưng không nói gì bằng tiếng Anh.
Prevost, 69 tuổi, sinh ra tại Chicago, đã dành phần lớn sự nghiệp làm nhà truyền giáo tại Peru và chỉ mới được phong hồng y vào năm 2023. Ông rất ít khi xuất hiện trước truyền thông và hiếm khi phát biểu trước công chúng.
Tổng thống Donald Trump nhanh chóng chúc mừng Prevost đã trở thành Giáo hoàng Mỹ đầu tiên. “Thật tuyệt vời, và là một vinh dự to lớn cho đất nước chúng ta. Tôi mong được gặp Giáo hoàng Leo XIV. Đó sẽ là một khoảnh khắc vô cùng ý nghĩa!”
Prevost trở thành Giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội Công giáo sau khi Giáo hoàng Francis – vị giáo hoàng Mỹ Latin đầu tiên – qua đời vào tháng trước, kết thúc 12 năm lãnh đạo Giáo hội và là người đã nỗ lực hiện đại hóa một thể chế vốn lâu đời và truyền thống.
Trong bài phát biểu, Giáo hoàng Leo bày tỏ lòng biết ơn đối với Giáo hoàng Francis và lặp lại lời kêu gọi của người tiền nhiệm về một Giáo hội gắn kết với thế giới hiện đại, “luôn tìm kiếm hòa bình, lòng bác ái và gần gũi với mọi người, đặc biệt là những ai đang đau khổ”.
“Hãy ghi nhớ trong tai chúng ta giọng nói yếu ớt của Giáo hoàng Francis chúc phúc cho Roma. Vị Giáo hoàng đã chúc lành cho Roma, và buổi sáng Phục Sinh đó, đã chúc lành cho toàn thế giới. Xin cho tôi được tiếp nối lời chúc lành ấy. Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người. Cái ác sẽ không thắng thế,” vị Tân Giáo hoàng phát biểu bằng tiếng Ý.
Trước khi diễn ra Mật nghị Hồng y, một số hồng y kêu gọi tiếp tục con đường cải cách của Francis, trong khi một số khác lại muốn quay về với truyền thống cũ.
Khác với Giáo hoàng Francis – người từng từ chối nhiều nghi thức xa hoa của giáo hoàng – Prevost mặc trang phục đỏ truyền thống phủ ngoài áo dòng trắng khi xuất hiện lần đầu.
Giáo hoàng cuối cùng mang tông hiệu Leo là Leo XIII (1878–1903), nổi tiếng với việc đề cao công bằng xã hội và được xem là người đặt nền móng cho học thuyết xã hội hiện đại của Giáo hội Công giáo.
Hồng y Prevost đã thu hút sự chú ý từ các hồng y đồng cấp nhờ phong cách điềm đạm và sự ủng hộ đối với các nỗ lực cải cách của Giáo hoàng Francis, đặc biệt là trong các vấn đề xã hội.
Ông từng là giám mục tại Chiclayo, tây bắc Peru từ 2015 đến 2023. Năm đó, Giáo hoàng Francis đã đưa ông về Vatican để đứng đầu văn phòng phụ trách bổ nhiệm giám mục trên toàn thế giới – có nghĩa là Prevost đã góp phần vào việc đề cử nhiều giám mục toàn cầu.
Trong một cuộc họp báo tại Vatican năm 2023, Hồng y Prevost nói: “Sứ mệnh của chúng tôi là mở rộng lều trại và để mọi người đều biết rằng họ được chào đón trong Giáo hội.”
Nhà truyền giáo
Là một nhà lãnh đạo với kinh nghiệm toàn cầu, Hồng y Prevost đã dành phần lớn sự nghiệp của mình làm nhà truyền giáo ở Nam Mỹ và gần đây nhất là người đứng đầu một văn phòng có ảnh hưởng lớn tại Vatican chuyên phụ trách bổ nhiệm các giám mục.
Ông từng làm việc suốt một thập kỷ ở Trujillo, Peru, và sau đó được bổ nhiệm làm giám mục Chiclayo, một thành phố khác của Peru, nơi ông phục vụ từ 2014 đến 2023. Prevost còn có hộ chiếu Peru và đã trở thành công dân Peru từ năm 2015.
Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News ngay sau khi trở thành người đứng đầu Bộ Giám mục, Prevost nói: “Tôi vẫn xem mình là một nhà truyền giáo. Ơn gọi của tôi, cũng như mọi Kitô hữu, là trở thành người truyền giáo, rao giảng Tin Mừng ở bất cứ nơi đâu.”
Giáo hoàng Leo XIV đã phác họa tầm nhìn của mình về một Giáo hội Công giáo là “Giáo hội xây dựng cầu nối” và luôn sẵn sàng đối thoại.
“Chúng ta cần cùng nhau phấn đấu để trở thành một Giáo hội truyền giáo, một Giáo hội biết xây dựng cầu nối và đối thoại,” ông phát biểu từ ban công Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.
Vị Tân Giáo hoàng cũng kêu gọi mọi người “thể hiện lòng bác ái” với tha nhân và “đối thoại bằng tình yêu thương”.
Giáo hoàng Leo XIV sinh ra tại Chicago, Illinois vào năm 1955.
Vị Tân Giáo hoàng cũng kêu gọi mọi người “thể hiện lòng bác ái” với tha nhân và “đối thoại bằng tình yêu thương”.Giáo hoàng Leo XIV sinh ra tại Chicago, Illinois vào năm 1955.
Ông lấy bằng Cử nhân Toán học tại Đại học Villanova ở Pennsylvania, sau đó nhận bằng Thần học từ Liên hiệp Thần học Công giáo Chicago. Ông được gửi sang Roma học giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Thánh Tôma Aquinô, và được phong chức linh mục vào tháng 6 năm 1982. Sau đó trong sự nghiệp, ông từng giảng dạy giáo luật tại chủng viện ở Trujillo, Peru.
John Allen, một nhà quan sát Vatican kỳ cựu, nói rằng vị Tân Giáo hoàng Prevost được xem là một lãnh đạo phù hợp tại Vatican, bởi vì “ông có khả năng đạt được kết quả mà không cần dùng đến quyền uy hoặc áp đặt.”
“Ông được đánh giá là một nhà lãnh đạo xuất sắc. Từ khi còn rất trẻ, ông đã được bổ nhiệm vào những vai trò lãnh đạo,” Allen nói. “Ông là người điềm đạm, cân bằng, công bằng, và rất rõ ràng về điều gì cần được thực hiện… nhưng ông không hề cưỡng ép để đạt được điều đó.”
Christopher Lamb, phóng viên của CNN tại Vatican, nói rằng khi ông gặp Hồng y Prevost, ông thấy đó là “một người rất sâu sắc, rất chín chắn.”
Lamb nói rằng Giáo hoàng Leo XIV có vẻ rất suy nghĩ cẩn trọng về những gì ông sẽ phát biểu và thông điệp đầu tiên của mình gửi đến thế giới sẽ là gì – khác với Giáo hoàng Francis, người thường “nói ứng khẩu nhiều hơn.”
“Ông ấy là người muốn chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi nói, nhưng những gì ông nói ra luôn có tác động rất mạnh mẽ,” Lamb nhận xét.
Hồng y Robert Francis Prevost, Trưởng Bộ Giám mục, bên phải, nhận mũ đỏ từ Giáo hoàng Francis khi được phong hồng y tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican vào ngày 30-9-2023. Ảnh: AP