
Công ty Nhật Bản ispace cho biết tàu đổ bộ Mặt trăng thứ hai của họ hiện đã vào quỹ đạo quanh Mặt trăng, chuẩn bị cho nỗ lực hạ cánh dự kiến diễn ra vào đầu tháng Sáu.
Trong thông báo ngày 6-5, công ty cho biết tàu đổ bộ Resilience đã đi vào quỹ đạo lúc 4:41 chiều theo giờ miền Đông (3:41 sáng ngày 7-5 giờ Việt Nam) sau khi thực hiện một lần kích hoạt động cơ chính kéo dài khoảng chín phút – thời gian dài nhất từ trước đến nay của tàu vũ trụ này. Tuy nhiên, công ty không công bố thông số cụ thể của quỹ đạo.
Việc vào được quỹ đạo Mặt trăng đánh dấu cột mốc thứ bảy trong tổng số mười mốc quan trọng của sứ mệnh HAKUTO-R M2. Sứ mệnh này bắt đầu từ khi hoàn tất công tác chuẩn bị trước khi phóng vào tháng 1 và sẽ kết thúc khi đạt được “trạng thái hệ thống ổn định” sau khi hạ cánh trên Mặt trăng. Việc hạ cánh hiện được lên lịch sớm nhất vào lúc 3:24 chiều ngày 5-6 theo giờ miền Đông.
Tàu Resilience được phóng vào ngày 15-1 bằng tên lửa Falcon 9, cùng với tàu đổ bộ Mặt trăng Blue Ghost 1 của Firefly Aerospace. Tàu chọn lộ trình bay tiết kiệm năng lượng nhằm giảm nhu cầu lực đẩy để tới Mặt trăng, và đã thực hiện một lần bay ngang qua Mặt trăng vào ngày 14-2 theo một lộ trình đưa nó ra xa Trái Đất tới 1,1 triệu km trước khi quay lại và đi vào quỹ đạo Mặt trăng.
Tàu vũ trụ dự kiến sẽ hạ cánh gần trung tâm vùng Mare Frigoris, ở khoảng vĩ độ 60 độ Bắc. Công ty cho biết đang cân nhắc ba địa điểm hạ cánh thay thế nếu cần, và tất cả đều cho phép hạ cánh trong khung thời gian đến hết ngày 8-6.
Tàu mang theo một số thiết bị trình diễn công nghệ và các tải trọng khác đến từ các công ty Nhật Bản và một trường đại học ở Đài Loan. Ngoài ra, còn có một mô hình ngôi nhà nhỏ gọi là Moonhouse, do nghệ sĩ Thụy Điển Mikael Genberg thiết kế.
Tàu cũng mang theo Tenacious, một “robot tự hành siêu nhỏ” do chi nhánh châu Âu của ispace phát triển. Tenacious sẽ khám phá khu vực xung quanh điểm hạ cánh và thu thập đất đá Mặt trăng để chuyển giao quyền sở hữu cho NASA theo một hợp đồng mà cơ quan này đã ký năm 2020 như một phần của sáng kiến chứng minh quyền khai thác tài nguyên Mặt trăng.
Resilience là sứ mệnh tàu đổ bộ Mặt trăng thứ hai của ispace. Sứ mệnh đầu tiên của công ty đã thất bại trong lúc hạ cánh vào tháng 4 năm 2023, do lỗi phần mềm mà công ty xác nhận sau đó.
“Chúng tôi đã thực hiện thành công các thao tác nhờ kinh nghiệm vận hành tích lũy từ Sứ mệnh 1, và tôi vô cùng tự hào về đội ngũ đã hoàn thành một trong những thao tác quan trọng nhất và đưa tàu vào quỹ đạo Mặt trăng,” ông Takeshi Hakamada, giám đốc điều hành của ispace, phát biểu.
Tàu đổ bộ tiếp theo của công ty hiện đang được chi nhánh ispace U.S. tại Mỹ chế tạo, theo hợp đồng với công ty Draper. Tàu này dự kiến sẽ được phóng vào năm 2026, trong khuôn khổ chương trình Dịch vụ Vận chuyển Thương mại Tải trọng Mặt trăng (CLPS) của NASA. Sau đó sẽ là một tàu đổ bộ do Nhật Bản chế tạo, dự kiến phóng vào năm 2027.
Ngày 30-4, công ty thông báo rằng họ là một phần trong nhóm được Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) lựa chọn để phát triển một vệ tinh quỹ đạo nhỏ nhằm lập bản đồ các mỏ băng nước trên Mặt trăng. Dự án này do Viện Khoa học Tokyo đứng đầu và được tài trợ từ Quỹ Chiến lược Không gian của Nhật Bản. Ispace cho biết họ sẽ đóng vai trò “nòng cốt” trong việc phát triển, phóng và vận hành vệ tinh.
Resilience, tàu đổ bộ Mặt trăng thứ hai của công ty ispace (Nhật Bản), trong quá trình chuẩn bị trước khi phóng. Ảnh: ispace