
Người dân Mỹ đang cảm nhận được điều gì xảy ra khi sống dưới sự lãnh đạo của một tổng thống phớt lờ bất kỳ giới hạn nào đối với hành động của mình và dường như cũng không lo sợ phải trả giá cho những hành động đó.
Trong một loạt các chính sách, thách thức pháp lý, phát ngôn và phỏng vấn gần đây, Donald Trump đang cho thấy ông đang loại bỏ những giới hạn cuối cùng về thông lệ và sự hiểu biết lâu nay của công chúng về cách mà một tổng thống nên hành xử.
Trong buổi phỏng vấn phát sóng toàn bộ hôm Chủ nhật trên chương trình “Meet the Press with Kristen Welker” của NBC, Trump đã nói “Tôi không biết” khi được hỏi liệu ông có cần phải tuân thủ Hiến pháp hay không — cho dù ông đã tuyên thệ làm điều này chỉ ba tháng trước đó.
Như thường lệ, các đòn tấn công và sáng kiến chính sách táo bạo của Trump dường như nhằm phá vỡ sự bình thường, làm đối thủ lúng túng, đồng thời gieo rắc nỗi sợ và tạo ra ấn tượng về một quyền lực không thể ngăn cản trong mắt những người chỉ trích ông.
Trump cũng đang làm hài lòng những người ủng hộ vốn hân hoan với việc ông công kích các thể chế chính trị, pháp lý, giáo dục, truyền thông và quân sự mà họ cho là bị phe tự do (Dân chủ) thống trị. Các cố vấn hàng đầu lập luận rằng những hành động cực đoan của ông được biện minh bằng chiến thắng bầu cử và thành tựu — ví dụ như việc ông hạn chế người nhập cư trái phép tại biên giới phía Nam.
Tuy nhiên, hành vi của Trump cũng cho thấy những hệ quả đen tối hơn có thể xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai — được thúc đẩy bởi niềm tin rằng ông có quyền lực gần như không thể bị kiểm soát (near-uncheckable power) sau chiến thắng bầu cử lần hai, bất chấp các rắc rối pháp lý cá nhân và hai lần bị ám sát hụt.
Chính quyền hiện tại liên tục bất chấp các phán quyết của tòa án liên bang — trong một trường hợp thậm chí là cả Tòa án Tối cao, khi cơ quan này ra lệnh cho chính quyền phải “tạo điều kiện” đưa một người nhập cư trở lại Mỹ. Trong khi đó, Trump đang sử dụng quyền lực hành pháp to lớn để trấn áp các tổ chức mà ông muốn bịt miệng, bao gồm các hãng luật và trường đại học.
Và cảm giác về quyền lực tuyệt đối cá nhân đôi khi dường như đang dẫn đất nước đến con đường độc tài. Ông nói trên NBC rằng ông “không xem xét” khả năng tranh cử nhiệm kỳ ba vào năm 2028 — như thể việc tuân thủ Hiến pháp Hoa Kỳ, nền tảng của nền dân chủ Mỹ, là lựa chọn cá nhân.
Ngay cả sự hài hước của Trump cũng phản ánh khao khát quyền lực tuyệt đối
Tài năng chọc tức đối thủ của Trump cũng phản ánh sự tự cao và khát vọng quyền lực tối thượng của ông (pursuit of ultimate power).
Hình ảnh ghép ông mặc phẩm phục giáo hoàng mà ông chia sẻ trên Truth Social rõ ràng nhằm chọc giận những người chỉ trích — để rồi người ủng hộ có thể chế giễu họ là thiếu khiếu hài hước, một chiến lược quen thuộc của phong trào MAGA. Nhưng hình ảnh đó — gây xúc phạm với người Công giáo La Mã, vốn xem giáo hoàng là người giữ chìa khóa Thiên Đàng — là một sự ám chỉ rõ ràng đến tuyên bố không thể sai lầm của Trump. Đáng chú ý hơn, hình ảnh này còn được chia sẻ trên tài khoản X chính thức của Nhà Trắng — trở thành một trong những tài liệu chính thức kỳ lạ nhất từng được chính phủ Hoa Kỳ công bố.
Kế hoạch tổ chức một cuộc diễu binh quy mô lớn nhân dịp kỷ niệm 250 năm thành lập Quân đội Hoa Kỳ vào tháng 6 của Trump có thể là một dấu hiệu nữa cho thấy ông đang áp dụng phong cách độc tài khoe khoang (dictator kitsch).
Sự kiện này có khả năng bị soi xét không chỉ vì chi phí vận chuyển hàng tấn thiết bị và máy bay quân sự đắt đỏ, mà còn vì chính quyền hiện tại đang cắt giảm ngân sách liên bang để tiết kiệm. Trump đã muốn có một màn trình diễn như vậy kể từ khi tham dự lễ diễu binh mừng ngày Quốc khánh Pháp trong nhiệm kỳ đầu. Nhưng lần này, cuộc diễu hành dự kiến sẽ diễn ra đúng vào ngày sinh của tổng tư lệnh Trump.
Các vị vua thường có những lễ duyệt binh nhân dịp sinh nhật, nhưng các tổng thống Mỹ hiện đại thường tránh những màn thể hiện sùng bái cá nhân (displays of personal adulation) như vậy vì nó làm lu mờ khái niệm rằng quân đội trong một nền cộng hòa là để phục vụ nhân dân, không phải một nhà lãnh đạo toàn quyền.
Hoa Kỳ chưa bao giờ cảm thấy cần phải phô trương sức mạnh tại những buổi lễ tuyên truyền như các nhà lãnh đạo Liên Xô trước đây hay Triều Tiên vẫn làm. Nhưng Trump nói trên NBC rằng: “Chúng ta có tên lửa vĩ đại nhất thế giới. Chúng ta có tàu ngầm vĩ đại nhất thế giới. Chúng ta có xe tăng quân sự vĩ đại nhất thế giới.” Ông nói thêm: “Chúng ta có vũ khí vĩ đại nhất thế giới. Và chúng ta sẽ ăn mừng điều đó.”
Đây là một điển hình cho mô-típ ngày càng phổ biến trong chính quyền của ông — ám chỉ rằng những ai cảm thấy khó chịu trước những màn phô trương quyền lực tổng thống như vậy thì là người thiếu yêu nước, chống quân đội hoặc thiếu hài hước. Điều này giúp họ dễ dàng gạt bỏ mọi mối quan ngại về việc Trump không ngừng tìm kiếm mọi biểu tượng của chủ quyền.
Xa rời thực tế trong chính sách kinh tế
Tuy nhiên, việc Trump mở rộng quyền lực có thể cũng đang làm mất đi bản năng chính trị của ông.
Dù chính sách thuế quan của ông được thiết kế để mang việc làm và sản xuất trở lại Mỹ, nhằm hỗ trợ người lao động, ông lại ngày càng tỏ ra thờ ơ với những tác động thực tế của chính sách đó đối với người dân bình thường. Sự xa rời thực tế này – điều mà các tỷ phú khác trong nội các của ông cũng chia sẻ – có thể mang lại rủi ro cho chính vận mệnh chính trị của ông và của Đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, chưa kể đến những ảnh hưởng rộng hơn tới nền kinh tế.
Chẳng hạn, chỉ vài ngày sau khi cảnh báo rằng trẻ em Mỹ có thể phải chấp nhận chơi với ít búp bê hơn và giá cao hơn do cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Trump lại phát biểu trong cuộc phỏng vấn với NBC rằng nền kinh tế vẫn sẽ “ổn” ngay cả khi rơi vào suy thoái. Ông cũng bác bỏ những ảnh hưởng của tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng đang đến gần đối với người dân. “Họ không cần phải có 250 cây bút chì. Họ có thể có năm cái là được,” Trump nói.
Tác động của cuộc chiến thương mại với Trung Quốc không chỉ dừng lại ở bút chì và búp bê. Trừ khi sắp có một đột phá, người tiêu dùng Mỹ sẽ mất quyền tiếp cận nhiều mặt hàng giá rẻ và phong phú, như thiết bị thể thao, giày dép và quần áo. Điều này sẽ gây áp lực lớn lên ngân sách gia đình. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ phụ thuộc vào việc nhập khẩu các sản phẩm này có thể sẽ phá sản.
Đây không phải là lần đầu tiên Trump tỏ ra xa rời thực tế cuộc sống của các gia đình bình dân. Ông vẫn khăng khăng rằng mình đã làm giá thực phẩm giảm, dù chi phí sinh hoạt là một vấn đề lớn trong cuộc bầu cử năm 2024. Nhưng bất kỳ người Mỹ nào tự đi chợ đều biết điều đó không đúng.
Trump cũng khẳng định trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Time rằng “tôi đã ký 200 thỏa thuận” với các quốc gia muốn tránh thuế quan. Dù liên tục hứa hẹn về những hiệp định thương mại sắp được ký sẽ thay đổi cục diện kinh tế Mỹ, chính quyền của ông vẫn chưa công bố một hiệp định nào.
Câu hỏi về việc tổng thống có còn nắm bắt được thực tế hay không là rất quan trọng, đặc biệt nếu xét đến việc Trump từng tấn công cựu Tổng thống Joe Biden về tuổi tác và năng lực nhận thức.
Những lo ngại này không được xoa dịu khi ông đưa ra một câu trả lời kỳ quặc trong cuộc phỏng vấn với NBC. “Chúng ta mất 5 đến 6 tỷ đô mỗi ngày dưới thời Biden. 5 đến 6 tỷ,” ông nói với Kristen Welker, rồi sau đó giải thích về mức thuế 145% đánh lên Trung Quốc: “Chúng ta về cơ bản đã cắt đứt quan hệ thương mại bằng cách áp thuế cao như thế. Và điều đó không sao. Chúng ta đã ‘cai nghiện hoàn toàn’ (gone cold turkey). Nghĩa là chúng ta không còn thua thiệt nữa.” Nói cách khác, Trump cho rằng thâm hụt thương mại với Trung Quốc được giảm bằng cách dừng hẳn hoạt động thương mại — một lựa chọn mang tính thảm họa có thể gây tổn thương sâu sắc cho nền kinh tế Mỹ.
Tổng thống có thể hành xử tùy hứng như vậy là bởi ông đã rút kinh nghiệm từ nhiệm kỳ đầu, và bổ nhiệm những quan chức mới sẽ không dám thách thức ông. Trong một màn trình diễn tâng bốc (pageant of sycophancy) được phát sóng trên truyền hình tuần trước, các thành viên nội các của ông cho thấy họ hiểu rằng vai trò của họ là ca ngợi ông. Còn các nghị sĩ Cộng hòa thì đã từ bỏ quyền lực của mình trong việc kiềm chế ông.
“Tôi không muốn làm suy yếu vị thế của Tổng thống Trump bằng cách chỉ trích ông ấy, dù chỉ một chút,” Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ron Johnson của bang Wisconsin nói với Jake Tapper trên chương trình “State of the Union” của CNN hôm Chủ nhật. “Tổng thống Trump có một chiến lược và phong cách đàm phán riêng. Tôi nghĩ ông ấy đang làm cả thế giới chao đảo.”
Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner nói với Tapper rằng trong khi các nghị sĩ Cộng hòa sẵn sàng hô hào “hãy tin Trump” trước công chúng, thì thực ra họ ngày càng lo lắng hơn trong các cuộc trò chuyện riêng tư. Về việc tổng thống tìm cách làm suy yếu cộng đồng tình báo, thượng nghị sĩ bang Virginia cho biết: “Có một dân biểu nói với tôi, ‘Mark, anh nói giống như tiếng nói lương tâm của chúng tôi vậy.’ Tôi không muốn làm lương tâm cho các anh.”
Warner nói thêm: “Tôi nghĩ chúng ta đang tiến gần đến thời điểm họ sẽ hành động… Nhưng vấn đề là, sẽ có bao nhiêu thiệt hại mang tính hệ thống xảy ra trước khi các bạn Cộng hòa của tôi dám lên tiếng và nói công khai điều mà họ đã thì thầm riêng tư từ lâu?”
Trump cũng có tham vọng đế vương
Tổng thống Mỹ có quyền lực thậm chí lớn hơn trong chính sách đối ngoại so với trong nước.
Và Trump có kế hoạch sử dụng quyền lực đó.
Khi được hỏi liệu ông có dùng vũ lực để theo đuổi tham vọng mở rộng lãnh thổ với Greenland hay không, Trump nói với NBC: “Tôi không loại trừ điều đó. Tôi không nói là tôi sẽ làm, nhưng tôi cũng không loại trừ bất kỳ điều gì. Không, không có chuyện đó. Chúng ta rất cần Greenland.”
Vùng đất băng giá này là một lãnh thổ tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch. Vì vậy, việc Mỹ tấn công sẽ không chỉ là bất hợp pháp. Đó sẽ là hành động sáp nhập bằng vũ lực một vùng đất thuộc về một thành viên NATO – bởi một quốc gia từng là trụ cột của liên minh đó.
Người Canada – những người vừa tham gia một cuộc bầu cử bị ảnh hưởng bởi yêu cầu của Trump rằng họ hãy trở thành bang thứ 51 của Mỹ – hẳn sẽ thấy nhẹ nhõm khi biết họ không phải lo một cuộc tấn công chớp nhoáng. “Tôi không thấy điều đó xảy ra với Canada. Tôi phải nói thật lòng là như vậy,” Trump nói với NBC.
Giống như nhiều tham vọng kỳ quặc khác của Trump, những người ủng hộ ông cho rằng các nhà phê bình đã hiểu sai ngữ cảnh và bỏ qua thiên tài đàm phán khi xem xét các tuyên bố cực đoan của ông.
Việc Trump tuyên bố sẽ không dùng vũ lực với Canada đã trở thành một thông tin đáng chú ý. Chỉ riêng điều đó cũng cho thấy nhiệm kỳ hai của ông đã đảo ngược các chuẩn mực lâu đời trong luật pháp quốc tế, hiến pháp và các quan hệ ngoại giao.
Tổng thống Donald Trump chủ trì cuộc họp nội các tại Nhà Trắng, Washington DC. Ảnh: Reuters