
OpenAI đã rút lại một kế hoạch tái cấu trúc quan trọng, theo đó công ty mẹ của OpenAI là tổ chức phi lợi nhuận sẽ tiếp tục nắm quyền kiểm soát, động thái có khả năng hạn chế quyền lực của CEO Sam Altman đối với đơn vị tiên phong đã tạo ra ChatGPT.
Thông báo này được đưa ra sau làn sóng chỉ trích và các thách thức pháp lý, bao gồm vụ kiện nổi bật của Elon Musk – đối thủ đồng thời là đồng sáng lập OpenAI – cáo buộc công ty này đã đi chệch khỏi sứ mệnh ban đầu là phát triển trí tuệ nhân tạo vì lợi ích của nhân loại.
“OpenAI được thành lập như một tổ chức phi lợi nhuận, hiện nay là một tổ chức phi lợi nhuận giám sát và kiểm soát mảng vì lợi nhuận, và trong tương lai sẽ tiếp tục là một tổ chức phi lợi nhuận giữ quyền giám sát và kiểm soát mảng vì lợi nhuận. Điều này sẽ không thay đổi,” Altman viết trong một bài đăng trên blog hôm thứ Hai.
Tuy nhiên, thông báo mới không cho biết cụ thể kế hoạch mới là gì.
Vào tháng 12 năm ngoái, OpenAI đã đề xuất kế hoạch chuyển đổi đơn vị vì lợi nhuận của mình thành một công ty phục vụ lợi ích cộng đồng (PBC), một cấu trúc nhằm cân bằng lợi nhuận cổ đông với mục tiêu xã hội – khác với tổ chức phi lợi nhuận vốn chỉ tập trung vào lợi ích công. Theo đề xuất khi đó, tổ chức mẹ phi lợi nhuận sẽ là cổ đông lớn trong công ty mới nhưng sẽ từ bỏ quyền kiểm soát.
Tuy nhiên, trong thông báo hôm thứ Hai, OpenAI cho biết tổ chức mẹ phi lợi nhuận sẽ tiếp tục kiểm soát PBC và trở thành một cổ đông lớn trong đó. Công ty vẫn sẽ theo đuổi kế hoạch điều chỉnh cấu trúc đơn vị vì lợi nhuận để huy động thêm vốn, nhằm cạnh tranh trong cuộc đua AI.
Việc chuyển sang mô hình hoàn toàn vì lợi nhuận được đề xuất nhằm giúp OpenAI huy động nhiều vốn hơn và giảm bớt các hạn chế liên quan đến cấu trúc phi lợi nhuận. Tuy nhiên, điều này đã làm dấy lên lo ngại liệu công ty có phân bổ tài sản một cách công bằng cho tổ chức phi lợi nhuận hay không và làm sao cân bằng giữa lợi nhuận với sứ mệnh phục vụ lợi ích công cộng.
“Chúng tôi đưa ra quyết định để tổ chức phi lợi nhuận tiếp tục nắm quyền kiểm soát sau khi lắng nghe ý kiến từ các nhà lãnh đạo dân sự và thảo luận với văn phòng Tổng Chưởng lý bang California và Delaware,” ông Bret Taylor, Chủ tịch Hội đồng Quản trị OpenAI, cho biết trong một bài blog, đồng thời nói thêm rằng thông báo mới đồng nghĩa với việc công ty khởi nghiệp sẽ tiếp tục duy trì cấu trúc “rất gần” với hiện tại.
Altman gọi động thái này là một sự thỏa hiệp “đủ làm các nhà đầu tư hài lòng để tiếp tục rót vốn ở mức độ mà chúng tôi nghĩ là cần thiết.” Ông cho biết OpenAI sẽ làm việc với đối tác lớn là Microsoft, các cơ quan quản lý và các ủy viên mới của tổ chức phi lợi nhuận để hoàn tất kế hoạch mới và quyết định số cổ phần mà mỗi bên sẽ nhận trong đơn vị vì lợi nhuận.
“Chúng tôi tin rằng điều này đáp ứng đủ điều kiện để huy động vốn,” Altman nói, đồng thời cho biết “không có thay đổi nào trong các mối quan hệ với nhà đầu tư hiện tại” và công ty vẫn sẽ tiếp tục kế hoạch trước đó nhằm gỡ bỏ giới hạn lợi nhuận mà nhà đầu tư có thể thu được.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều câu hỏi xoay quanh chi tiết cụ thể của sự thay đổi này và mức độ kiểm soát thực sự mà tổ chức phi lợi nhuận sẽ có theo đề xuất mới – hiện vẫn thiếu thông tin cụ thể. Hiện tại, tổ chức phi lợi nhuận sở hữu hoàn toàn đơn vị vì lợi nhuận, và hội đồng quản trị của tổ chức này có sứ mệnh đảm bảo rằng “trí tuệ nhân tạo cấp độ tổng quát mang lại lợi ích cho toàn nhân loại” thay vì phục vụ lợi ích cổ đông.
“Chúng tôi vui vì OpenAI lắng nghe những lo ngại từ các nhà lãnh đạo xã hội dân sự… nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi cốt lõi,” Page Hedley – cựu cố vấn chính sách và đạo đức của OpenAI, đồng thời là trưởng nhóm vận động Not For Private Gain – cho biết.
“Liệu các mục tiêu thương mại của OpenAI có tiếp tục bị ràng buộc về mặt pháp lý bởi sứ mệnh từ thiện hay không? Ai sẽ sở hữu công nghệ mà OpenAI phát triển? Thông báo tái cấu trúc năm 2019 từng làm rõ ưu tiên tuyệt đối của sứ mệnh, nhưng những tuyên bố hiện nay thì chưa,” ông nói. Ông cũng bày tỏ lo ngại rằng trong cấu trúc PBC, hội đồng quản trị sẽ có nghĩa vụ tối đa hóa giá trị cho cổ đông.
Vụ kiện của Musk vẫn tiếp diễn
Khi cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo cấp độ tổng quát (AGI) ngày càng tốn kém, OpenAI đã tìm cách điều chỉnh cấu trúc để thu hút thêm đầu tư.
Vào tháng 3, công ty thông báo sẽ huy động tới 40 tỷ USD trong vòng gọi vốn mới do SoftBank dẫn đầu, định giá công ty ở mức 300 tỷ USD. Vòng gọi vốn này phụ thuộc vào việc OpenAI chuyển sang mô hình vì lợi nhuận vào cuối năm – cấu trúc từng thu hút sự chú ý vào tháng 11-2023 khi xảy ra một trong những cuộc khủng hoảng hội đồng quản trị lớn nhất Thung lũng Silicon, khi các thành viên hội đồng phi lợi nhuận sa thải Altman do mất lòng tin và “đứt gãy” giao tiếp. Ông được khôi phục sau 5 ngày nhờ sự ủng hộ từ nhân viên và nhà đầu tư.
Altman cho biết OpenAI vẫn có thể nhận vốn từ nhà đầu tư Nhật Bản sau thông báo hôm thứ Hai. SoftBank không phản hồi ngay yêu cầu bình luận, trong khi Microsoft từ chối bình luận.
Thông báo được đưa ra giữa lúc OpenAI đang vướng vào một cuộc chiến pháp lý gay gắt với Elon Musk – người đồng sáng lập công ty – nhằm ngăn chặn việc rời bỏ quyền kiểm soát từ phía tổ chức phi lợi nhuận, cùng các cáo buộc khác. Một phiên xét xử có bồi thẩm đoàn đã được ấn định vào tháng 3 năm 2026.
Luật sư của Musk cho biết không có kế hoạch rút lại vụ kiện sau thông báo hôm thứ Hai.
“Thông báo đã che giấu các chi tiết then chốt về cái gọi là ‘quyền kiểm soát bởi tổ chức phi lợi nhuận’, đặc biệt là phần cổ phần bị giảm mạnh mà tổ chức phi lợi nhuận sẽ nhận được trong doanh nghiệp vì lợi nhuận của Altman – nơi mà hiện tại tổ chức phi lợi nhuận đang nắm đa số cổ phần,” luật sư Marc Toberoff của Musk phát biểu hôm thứ Hai.
Một liên danh do Musk dẫn đầu trước đó cũng đã đưa ra đề nghị mua lại OpenAI với giá 97,4 tỷ USD hồi đầu năm nay nhưng bị Altman thẳng thừng từ chối một cách ngắn gọn: “Không, cảm ơn.”
“Việc Elon tiếp tục theo đuổi vụ kiện vô căn cứ này chỉ chứng minh rằng đó luôn là một nỗ lực thiếu thiện chí nhằm làm chậm bước tiến của chúng tôi,” người phát ngôn của OpenAI tuyên bố.
Ảnh minh họa Logo của OpenAI. Ảnh: Reuters