
Khi Elon Musk rút lui khỏi vai trò đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) sắp tới, nhiều chuyên gia về vận hành chính phủ cho rằng DOGE không hề cải thiện chất lượng các dịch vụ mà chính phủ cung cấp cho người dân Mỹ.
“DOGE không đưa ra bất kỳ bằng chứng vững chắc nào cho thấy họ đã cải thiện dịch vụ theo bất kỳ cách nào,” ông Donald Moynihan, giáo sư chính sách công tại Đại học Michigan, nhận định. “Ngược lại, họ còn làm cho chất lượng một số dịch vụ chính phủ trở nên tồi tệ hơn.”
Musk, người giàu nhất thế giới, được bổ nhiệm để lãnh đạo chiến dịch cải tổ hiệu quả chính phủ bởi Donald Trump vào tháng Một và, với tư cách là “nhân viên đặc biệt của chính phủ”, bị giới hạn làm việc không quá 180 ngày trong chính quyền. Đồng thời, ông cũng đang phải giải quyết những vấn đề riêng của doanh nghiệp mình.
Tuy vậy, khi rời Nhà Trắng, Musk vẫn tự hào tuyên bố rằng DOGE đã đạt được khoản tiết kiệm 150 tỷ USD – mặc dù nhiều chuyên gia ngân sách nghi ngờ tính chính xác của con số này. Musk nhiều lần đưa ra những tuyên bố phóng đại và sai lệch về khoản tiết kiệm, vốn chỉ là một phần nhỏ so với mục tiêu cắt giảm 1.000 tỷ USD mà ông đề ra.
Ông Moynihan và các chuyên gia chính sách công khác cho rằng thật đáng tiếc khi Musk và DOGE lại mang tư duy của các giám đốc doanh nghiệp theo đuổi lợi nhuận tối đa – tập trung mạnh vào việc cắt giảm nhân sự và tiền lương – thay vì áp dụng một cách tiếp cận rộng hơn nhằm nâng cao hiệu quả chính phủ đồng thời cải thiện dịch vụ.
Bà Martha Gimbel, giám đốc điều hành của Phòng thí nghiệm Ngân sách Yale, nhận xét rằng Musk rõ ràng không mấy quan tâm đến việc cải thiện dịch vụ. “Họ chẳng khác gì bộ đốn hạ và đốt phá (slash and burn),” Gimbel nói. “Mọi cải thiện trong dịch vụ công đều cần thời gian. Bạn phải đầu tư. Bạn phải xây dựng nó. Bạn phải tìm ra cách để sửa chữa nó.”
Khi được hỏi liệu Musk và DOGE có cải thiện được dịch vụ công nào hay không, bà Gimbel bật cười. “Không,” bà nói. “Rõ ràng là dịch vụ công đã xuống cấp.”
Các chuyên gia chính sách công và người dân đã chỉ ra nhiều cách mà dịch vụ chính phủ đã trở nên tồi tệ hơn do các đợt cắt giảm của DOGE. Thời gian chờ để có cuộc hẹn tại bệnh viện cựu chiến binh kéo dài hơn, cuộc gọi đến Cơ quan Thuế vụ (IRS) phải chờ lâu hơn, các văn phòng an sinh xã hội thì có hàng dài người xếp hàng. Việc nhiều nhân viên an sinh xã hội dày dạn kinh nghiệm nghỉ việc đã dẫn đến việc các nhân viên ít được đào tạo hơn đưa ra lời khuyên sai lệch về quyền lợi.
Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 1-5, Musk bảo vệ những thành quả của DOGE. “Xét trên tổng thể, tôi nghĩ chúng tôi đã đạt được hiệu quả. Không hiệu quả như tôi mong muốn. Tôi nghĩ chúng tôi có thể hiệu quả hơn,” Musk nói. “Nhưng chúng tôi đã đạt được một số tiến triển.”
Musk thừa nhận rằng mục tiêu 1.000 tỷ USD khó đạt hơn ông tưởng. “Vấn đề là nội các và Quốc hội sẵn sàng chịu đựng đến mức nào?” ông nói. “Chuyện này hoàn toàn có thể làm được, nhưng nó đòi hỏi phải đối mặt với rất nhiều lời phàn nàn.”
Nhà Trắng không phản hồi câu hỏi của The Guardian về tình trạng xuống cấp của một số dịch vụ chính phủ cũng như không đưa ra ví dụ nào cho thấy DOGE đã cải thiện được dịch vụ nào.
Gimbel cho biết người dân Mỹ không nhận ra rằng nhiều dịch vụ công sẽ tiếp tục tồi tệ hơn trong những tháng tới khi hàng chục ngàn lượt cắt giảm việc làm do DOGE đề xuất “phát tác”. “Mọi thứ chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ hơn,” bà nói.
Trong khi nhiều chuyên gia chính sách công cho rằng Trump và Musk đã thổi phồng quá mức về sự lãng phí, gian lận và lạm dụng trong chính phủ, bà Gimbel thừa nhận rằng quả thực chính phủ có lãng phí. “Có lãng phí, và bạn có thể xử lý nó,” bà nói. “Những người từng làm việc trong chính phủ biết rõ những tồn tại nằm ở đâu. Có rất nhiều công nghệ cần được hiện đại hóa. Nhưng DOGE có vẻ không quan tâm đến điều đó. Có rất nhiều trường hợp lạm thu trong Medicare và Medicaid. DOGE cũng không mặn mà với chuyện đó. Những gì bạn có chỉ là một cuộc đốt tiền đắt đỏ theo kiểu ‘đốn hạ rồi đốt phá’, mà trong tương lai sẽ tốn kém rất nhiều để khắc phục.”
Max Stier, Chủ tịch tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Partnership for Public Service, cho biết nhiều giám đốc điều hành doanh nghiệp – bao gồm cả Jack Welch, cựu CEO General Electric nổi tiếng với việc cắt giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận – sẽ không hài lòng với các đợt cắt giảm nhanh chóng và tàn bạo của Musk. Stier phàn nàn rằng Musk và đội ngũ kỹ sư công nghệ mới ngoài hai mươi của ông ta đã thực hiện các đợt cắt giảm mạnh tay trong khi hầu như không hiểu gì về hoạt động của các cơ quan hay về trình độ và trách nhiệm của những người họ sa thải hoặc buộc rời đi.
“Jack Welch sẽ phải kinh hoàng trước cách tiếp cận mà DOGE đã thực hiện,” Stier nói. “Đây thực chất không phải là cắt giảm chi phí – mà là phá hủy năng lực. Jack Welch sẽ không bao giờ, không bao giờ sa thải ai mà không thực sự hiểu cách tổ chức đó vận hành và phẩm chất của người bị sa thải. Đây là một hành động tùy tiện, loại bỏ những nhân viên vốn thường là người có trình độ cao nhất chứ không phải thấp nhất.”
Stier lưu ý rằng Trump từng mô tả DOGE là một nỗ lực cắt giảm chi phí và cải tổ tổ chức. “Điều đó hoàn toàn không đúng,” ông nói. “Thật khó để tìm thấy bất kỳ cơ sở hợp lý nào cho những quyết định đang được đưa ra. Và chắc chắn là không có cải thiện nào mà người dân Mỹ sẽ nhìn thấy.”
“Đây là phá hủy năng lực của chính phủ,” ông tiếp tục. “Không còn nghi ngờ gì nữa, họ đang sa thải người một cách bừa bãi và gây rối loạn các dịch vụ chính phủ mà không hề hiểu hậu quả hoặc quan tâm đến hậu quả. Đây là một kiểu tư duy ‘phá đi để sửa’. Không phải là một tư duy phổ biến ở thung lũng Silicon – mà là hành vi liều lĩnh trong khu vực công, nơi mà con người thật sự phải chịu tổn thương.”
Stier cho biết tuyên bố của Musk rằng đã tiết kiệm được 150 tỷ USD là một sự phóng đại lớn vì không tính đến các chi phí đáng kể phát sinh từ những hành động của DOGE. Nhóm của Stier ước tính rằng do việc sa thải, tuyển lại, chi trả thôi việc, nghỉ phép có lương và mất năng suất liên quan đến hơn 100.000 lao động, các hành động của DOGE sẽ khiến người nộp thuế thiệt hại 135 tỷ USD trong năm tài khóa này. Và theo nhiều chuyên gia chính sách công, thời gian chờ lâu hơn và rắc rối gia tăng đối với người dân do các đợt cắt giảm của DOGE cũng nên được trừ vào con số 150 tỷ USD đó.
Ông Moynihan nói rằng Musk có tầm nhìn hoàn toàn sai lệch đối với một người được giao nhiệm vụ làm cho chính phủ hiệu quả hơn. “Tầm nhìn của ông ấy là cho rằng nhân viên chính phủ không thể tạo ra bất kỳ giá trị nào,” Moynihan nói. “Vì thế ý tưởng về các công cụ nhằm cải thiện dịch vụ chính phủ là điều hoàn toàn xa lạ với tư duy của Musk.”
“Tôi nghĩ ông ấy tin rằng những gì công chức làm ra không có giá trị thực, rằng họ là những người kém năng lực, và do đó sa thải họ sẽ không gây tổn hại gì,” Moynihan nói thêm. “Đó là một tầm nhìn không hiểu gì về dịch vụ công, lý do chúng tồn tại, và cách chúng mang lại lợi ích cho người dân.”
Moynihan chỉ trích Musk vì đã phá bỏ một trong những nỗ lực chính của chính phủ nhằm sử dụng công nghệ để cải thiện dịch vụ và nâng cao hiệu quả. Ông cũng phê phán Musk vì góp phần giết chết chương trình Direct File – một công cụ miễn phí, thân thiện với người dùng để khai và nộp thuế.
Bà Liz Shuler, Chủ tịch AFL-CIO – liên đoàn công đoàn lớn nhất nước Mỹ – cho rằng các đợt cắt giảm của DOGE sẽ gây hại cho người lao động.
“Thực tế là DOGE đang gây tổn thương cho những cuộc sống thật và con người thật,” Shuler nói. “Họ đã đối xử với công chức liên bang bằng sự thiếu tôn trọng trắng trợn và chẳng khác gì hạ nhục, phi nhân hóa họ.”
Bà Gimbel thuộc Phòng thí nghiệm Ngân sách Yale cảnh báo về một tác động tiêu cực khác từ các đợt cắt giảm của DOGE. “Một phần vai trò của chính phủ là giảm thiểu rủi ro,” bà nói. “Lấy ví dụ về an toàn thực phẩm. Các thanh tra chính phủ giúp giảm nguy cơ bạn bị nhiễm khuẩn listeria hay salmonella. Nhưng nếu họ giảm số lượng thanh tra thực phẩm, liệu bạn có bị nhiễm listeria hay salmonella ngay ngày mai không? Không. Nhưng liệu nguy cơ nhiễm bệnh sẽ tăng lên trong vòng 5 năm tới không? Có.”
Elon Musk tham dự một cuộc họp nội các tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters