
Trợ lý trí tuệ nhân tạo (AI agent) được kỳ vọng sẽ làm được nhiều hơn chỉ là chatbot. Ngành công nghệ đã dành nhiều tháng qua để quảng bá các trợ lý cá nhân AI có thể hiểu nhu cầu của bạn và thực hiện công việc thay bạn.
Cho dù đến nay, các trợ lý (hay đại lý) AI vẫn chưa làm được nhiều điều, nhưng Visa hy vọng sẽ thay đổi điều đó bằng cách trao cho chúng quyền truy cập vào thẻ tín dụng của bạn. Bạn chỉ cần thiết lập mức chi ngân sách và một vài ưu tiên, các trợ lý AI này — thế hệ tiếp theo của ChatGPT và những chatbot tương tự — có thể giúp bạn tìm và mua một chiếc áo len, nhu yếu phẩm hàng tuần, hoặc đặt vé máy bay.
“Chúng tôi cho rằng điều này có thể cực kỳ quan trọng,” ông Jack Forestell, Giám đốc Sản phẩm và Chiến lược của Visa, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn. “(Điểu này) mang tính cách mạng, tương đương với sự ra đời của thương mại điện tử.”
Hôm thứ Tư, Visa thông báo họ đang hợp tác với một nhóm các nhà phát triển chatbot AI hàng đầu — bao gồm các công ty Mỹ như Anthropic, Microsoft, OpenAI và Perplexity, cùng công ty Mistral của Pháp — để kết nối hệ thống AI của họ với mạng thanh toán của Visa. Visa cũng đang làm việc với IBM, công ty thanh toán trực tuyến Stripe và hãng điện thoại Samsung trong sáng kiến này. Các dự án thử nghiệm bắt đầu từ thứ Tư, trước khi được triển khai rộng rãi vào năm sau.
Công ty xử lý thanh toán có trụ sở tại San Francisco đang đặt cược rằng điều hiện giờ có vẻ viển vông sẽ sớm trở thành lựa chọn tiện lợi cho những việc mua sắm nhàm chán hàng ngày. Trong sáu tháng qua, Visa đã làm việc với các nhà phát triển AI để giải quyết các rào cản kỹ thuật cần vượt qua trước khi người tiêu dùng phổ thông có thể sử dụng.
Đối với các công ty AI mới nổi, sự hậu thuẫn của Visa cũng có thể giúp họ cạnh tranh với những ông lớn công nghệ như Amazon và Google — những công ty đang thống trị thương mại số và phát triển các trợ lý AI riêng.
Ngành công nghệ hiện đã có rất nhiều màn trình diễn khả năng của cái gọi là AI mang tính “đại lý” (agentic AI), tuy nhiên chúng vẫn chưa xuất hiện nhiều trong thực tế. Phần lớn vẫn là các phiên bản biến thể của mô hình ngôn ngữ lớn — công nghệ đứng sau các chatbot có khả năng viết email, tóm tắt tài liệu hoặc hỗ trợ lập trình. Được huấn luyện trên lượng dữ liệu khổng lồ, chúng có thể lướt web và đưa ra các gợi ý mua sắm, nhưng gặp khó khăn trong việc thực hiện các bước tiếp theo.
“Những ứng dụng thương mại dựa trên trợ lý ở giai đoạn đầu đang làm rất tốt ở khâu tìm kiếm và khám phá sản phẩm, nhưng chúng gặp rất nhiều khó khăn ở khâu thanh toán,” ông Forestell cho biết. “Bạn sẽ thấy trợ lý AI quay lại và nói: ‘OK, giờ bạn tự đi mua đi’.”
Visa cho rằng họ sẽ đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp cho các trợ lý AI quyền truy cập dễ dàng và đáng tin cậy vào ví tiền để mua sắm.
“Vấn đề thanh toán không phải là điều mà các nền tảng AI có thể tự giải quyết,” Forestell nói. “Đó là lý do chúng tôi bắt đầu hợp tác với họ.”
Sáng kiến AI mới này được công bố gần một năm sau khi Visa giới thiệu các thay đổi lớn trong cách thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ hoạt động tại Mỹ — khiến cho thẻ vật lý và dãy số 16 chữ số ngày càng trở nên lạc hậu.
Nhiều người tiêu dùng đã quen với các hệ thống thanh toán số như Apple Pay, biến điện thoại thành thẻ tín dụng. Một quy trình xác minh tương tự sẽ cho phép các trợ lý AI thay mặt người dùng thực hiện giao dịch, theo một cách mà Forestell nói là cần đảm bảo với người mua, ngân hàng và người bán rằng giao dịch là hợp lệ và Visa sẽ xử lý các tranh chấp.
Forestell cho biết điều đó không có nghĩa là các trợ lý AI sẽ kiểm soát toàn bộ trải nghiệm mua sắm, nhưng chúng có thể hữu ích với những việc vặt khiến người ta chán nản — như mua nhu yếu phẩm, đồ sửa nhà hoặc lên danh sách quà Giáng sinh — hay những việc quá phức tạp, chẳng hạn đặt vé du lịch. Trong những tình huống đó, một số người có thể muốn có một trợ lý “chỉ cần hoàn thành công việc và tự động thực hiện mọi thứ cho chúng ta,” ông nói.
Với những trải nghiệm mua sắm mang tính giải trí, như mua hàng xa xỉ, nhiều người tiêu dùng vẫn muốn tự mình khám phá và so sánh. Trong trường hợp đó, Forestell hình dung các trợ lý AI vẫn hỗ trợ, nhưng đóng vai trò phía sau.
Vậy còn nợ thẻ tín dụng thì sao? Theo Cục Dự trữ Liên bang New York, tổng dư nợ thẻ tín dụng của người tiêu dùng Mỹ đã lên tới 1,21 nghìn tỷ USD vào cuối năm ngoái.
Forestell cho biết người tiêu dùng sẽ đặt ra giới hạn chi tiêu và điều kiện rõ ràng cho các trợ lý AI, giúp họ yên tâm rằng con người vẫn kiểm soát tình hình. Ban đầu, các trợ lý AI có thể sẽ quay lại hỏi người dùng để xác nhận mua vé máy bay cụ thể. Dần dần, chúng có thể được trao thêm quyền tự chủ, như “cứ tiêu đến 1.500 USD cho bất kỳ hãng bay nào để đưa tôi từ điểm A đến điểm B,” ông nói.
Một phần lý do khiến các công ty AI quan tâm đến việc hợp tác với Visa là vì, với sự đồng ý của khách hàng, trợ lý AI có thể truy cập vào dữ liệu chi tiêu trước đây qua thẻ tín dụng.
“Visa có thể cho phép người dùng chia sẻ lịch sử giao dịch của họ với chúng tôi,” ông Dmitry Shevelenko, Giám đốc Kinh doanh của Perplexity, cho biết. “Khi chúng tôi tạo ra một gợi ý — ví dụ bạn hỏi ‘Laptop nào tốt nhất?’ — chúng tôi sẽ biết các giao dịch trước đây và sở thích thể hiện qua đó.”
Logo Visa hiển thị trên thẻ tín dụng. Ảnh: AP