
Trung Quốc đã chấp thuận một số đơn xin mượn mẫu vật mặt trăng do sứ mệnh Chang’e-5 (Hằng Nga-5) thu thập được, bao gồm đơn của hai trường đại học Mỹ.
Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) đã công bố kết quả vòng xét duyệt quốc tế mới nhất về việc cho mượn mẫu vật tại Thượng Hải vào ngày 24-4, trong khuôn khổ hội nghị kỷ niệm Ngày Vũ trụ lần thứ 10 của Trung Quốc. Sự kiện này bao gồm lễ ký kết thỏa thuận cho mượn mẫu đá Mặt Trăng.
Theo tuyên bố của CNSA, bảy trường đại học từ sáu quốc gia — Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Vương quốc Anh và Pakistan — đã được chấp thuận đơn xin mượn mẫu vật sau quá trình xét duyệt tuân theo các quy định quản lý và hợp tác về mẫu vật. Hai trường đại học Mỹ được duyệt là Đại học Brown và Đại học Stony Brook, cả hai đều nhận tài trợ từ NASA.
Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung sau các đợt áp thuế từ chính quyền Trump, các rào cản đối với hợp tác song phương về không gian của Mỹ, và nỗ lực mở rộng ngoại giao không gian (space diplomacy) của Trung Quốc.
Cũng trong ngày 24-4, CNSA đã công bố lựa chọn một loạt dự án quốc tế tham gia sứ mệnh đổ bộ cực nam Mặt Trăng mang tên Hằng Nga-8 sắp tới. Các dự án được chọn có sự tham gia của những quốc gia tham gia vàoTrạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế (ILRS) — sáng kiến do Trung Quốc dẫn dắt nhằm thay thế khuôn khổ Artemis do Mỹ đứng đầu.
CNSA cũng cho biết tại Thượng Hải rằng sứ mệnh Tianwen-3 về việc mang mẫu vật sao Hỏa về Trái đất, dự kiến phóng cuối năm 2028, sẽ tiếp nhận đề xuất mang theo thiết bị quốc tế.
Sứ mệnh robot Hằng Nga-5 đã thu thập 1.731 gram vật liệu từ một khu vực trẻ về mặt địa chất tại Oceanus Procellarum ở phía gần Mặt Trăng, bằng cách sử dụng xẻng và máy khoan vào cuối năm 2020. Ban đầu, mẫu vật này chỉ được phân phối cho các nhà nghiên cứu và tổ chức trong nước Trung Quốc, trước khi CNSA tuyên bố vào tháng 8-2023 rằng sẽ chấp nhận đơn xin mượn mẫu từ quốc tế.
NASA đã tuyên bố vào tháng 11 năm đó rằng, theo ngoại lệ, các nhà nghiên cứu của họ sẽ được phép nộp đơn xin mượn mẫu vật Hằng Nga-5, mặc dù vẫn phải tuân theo các quy định chặt chẽ do Quốc hội Mỹ đặt ra từ lâu nhằm hạn chế hợp tác với các thực thể nhà nước Trung Quốc.
Luật Bổ sung Wolf, được thông qua năm 2011, là điều khoản trong các dự luật ngân sách thường niên của NASA, nghiêm ngặt hạn chế hợp tác song phương với các thực thể của Trung Quốc. Bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào nhận tài trợ từ NASA muốn tham gia hoạt động song phương đều phải gửi yêu cầu bằng văn bản trước cho Quốc hội và được chấp thuận, kèm theo chứng nhận từ FBI rằng hoạt động này không gây nguy cơ cho an ninh quốc gia.
Các phân tích mẫu vật Hằng Nga-5 đã dẫn tới những khám phá quan trọng như phát hiện khoáng vật mới Changesite-(Y), bằng chứng về hiện tượng địa từ kéo dài trên Mặt Trăng, và cung cấp những hiểu biết mới khi so sánh với các mẫu vật cũ hơn do chương trình Apollo thu thập.
Trung Quốc đã nối tiếp thành công Hằng Nga-5 bằng một sứ mệnh phức tạp hơn trong năm 2024: Hằng Nga-6, thu thập 1.935,3 gram vật liệu từ miệng hố Apollo, nằm trong lưu vực va chạm Cực Nam-Aitken rộng lớn — và cũng là lần đầu tiên lấy mẫu từ mặt khuất của Mặt Trăng.
Các mẫu vật Hằng Nga-6 đã cung cấp hiểu biết sâu sắc về sự khác biệt giữa hai phía của Mặt Trăng, xác nhận giả thuyết đại dương dung nham Mặt Trăng, và hỗ trợ hiệu chỉnh niên đại va chạm của miệng núi lửa, giúp nâng cao nghiên cứu so sánh bề mặt các hành tinh trong hệ Mặt trời.
Hiện tại, các mẫu Hằng Nga-6 chỉ mở cho các tổ chức Trung Quốc nộp đơn xin nghiên cứu, nhưng tương tự như Hằng Nga-5, sau này chúng cũng sẽ được mở rộng cho các đơn đăng ký quốc tế.
Việc Trung Quốc cho mượn mẫu vật Hằng Nga thể hiện chiến lược rộng lớn hơn nhằm sử dụng hợp tác không gian để xây dựng các mối quan hệ đối tác quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh với Mỹ về khám phá Mặt Trăng ngày càng gay gắt.
Ảnh toàn cảnh do tàu đổ bộ Hằng Nga-5 gửi về, cho thấy cánh tay robot lấy mẫu và vết dấu xẻng trên lớp đất đá Mặt Trăng. Ảnh: CNSA