
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sẽ là quốc gia đầu tiên sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để soạn thảo và rà soát luật pháp.
Trong khuôn khổ kế hoạch chuyển đổi số toàn diện của quốc gia vùng Vịnh này, UAE đã thông báo rằng các luật liên bang và địa phương sẽ được soạn thảo bằng máy tính, bên cạnh các phán quyết tư pháp, thủ tục hành chính và dịch vụ công.
Tuần trước, UAE đã phê duyệt việc thành lập một đơn vị nội các mới mang tên Văn phòng Thông tin về Quy định để giám sát sáng kiến này, nhằm tinh giản quy trình lập pháp, Phó Tổng thống UAE cho biết.
Ông Sheikh Mohammed bin Rashid al-Maktoum, đồng thời là Tiểu vương Dubai, tuyên bố: “Hệ thống lập pháp mới này, được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo, sẽ thay đổi cách chúng ta xây dựng luật pháp, khiến quy trình nhanh hơn và chính xác hơn.”
Ông Abdulkhaleq Abdulla, một nhà bình luận chính trị người UAE, chia sẻ với tờ The Telegraph rằng AI là một dự án dài hạn đối với các quốc gia Ả Rập.
Ông nói: “UAE rất nghiêm túc với AI. Họ muốn trở thành trung tâm toàn cầu về AI và kinh tế số, giống như cách họ đã trở thành trung tâm tài chính và hậu cần toàn cầu. Họ đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng số để giữ vững vị thế dẫn đầu trong 50 năm tới, giống như cách họ đã đầu tư hào phóng vào hạ tầng vật chất trong 50 năm qua.”
Năm 2017, UAE đã bổ nhiệm Bộ trưởng AI đầu tiên trên thế giới, ông Omar Sultan al-Olama, chỉ vài ngày sau khi ra mắt Chiến lược Trí tuệ Nhân tạo UAE, một nỗ lực lớn trong các mục tiêu dài hạn nhiều thập kỷ của quốc gia này nhằm nâng cao hiệu quả chính phủ.
UAE ước tính rằng đến năm 2030, AI sẽ có giá trị thị trường toàn cầu khoảng 15,7 nghìn tỷ USD, giúp GDP của UAE tăng 35% và giảm chi phí chính phủ xuống 50%.
Ông Hesham Elrafei, một luật sư và chuyên gia soạn thảo luật tại UAE, nói với The Telegraph rằng UAE đang làm nhiều hơn là chỉ sử dụng AI để viết luật.
“UAE đang giới thiệu một cách tiếp cận mới để soạn thảo luật. Thay vì mô hình nghị viện truyền thống – nơi luật có thể bị mắc kẹt trong các cuộc tranh luận chính trị kéo dài và mất nhiều năm để thông qua – cách tiếp cận này nhanh hơn, rõ ràng hơn và tập trung vào giải quyết vấn đề thực tế,” ông nói.
“AI có thể phân tích các phán quyết của tòa án, phát hiện lỗ hổng và đề xuất các luật mới để khắc phục. Nó cũng có thể nghiên cứu các bộ luật tốt nhất từ khắp nơi trên thế giới và giúp soạn thảo những phiên bản phù hợp hơn với UAE.”
Đối với một quốc gia mà chỉ 10% dân số là người bản địa, việc xây dựng luật pháp rõ ràng tại nơi có khoảng 200 quốc tịch cùng sinh sống là rất quan trọng, ông cho biết.
“Điều này cũng có nghĩa là cần soạn thảo luật bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, bằng tiếng Ả Rập, tiếng Anh và các ngôn ngữ khác, để mọi người đều có thể nắm bắt được. Đây là điều thiết yếu ở một quốc gia mà phần lớn cư dân không phải là người nói tiếng Ả Rập bản địa.
Trong khi đó, ở nhiều nền dân chủ phương Tây, luật pháp thường quá phức tạp đến mức người dân thường không thể hiểu được nếu không thuê luật sư. Điều này tạo ra khoảng cách giữa người dân và pháp luật. UAE đang thu hẹp khoảng cách đó.”
Ông cũng cho biết đây có thể là bước đi định hình lại cách các chính phủ hiện đại xây dựng luật pháp. “Ở nhiều nền dân chủ, việc làm luật chủ yếu xoay quanh thỏa hiệp và chính trị. Nhưng ở đây, chúng ta đang chứng kiến sự dịch chuyển sang dữ liệu, logic và kết quả,” ông nói.
“Brazil đã thử nghiệm sử dụng AI để soạn thảo luật, và đã thành công. Nhưng UAE đang tiến xa hơn, biến quy trình lập pháp thành một quá trình nhanh chóng, thiết thực và lấy con người làm trung tâm. Đây là sự chuyển đổi khỏi hệ thống cũ dựa trên thỏa hiệp chính trị, hướng tới một hệ thống dựa trên công nghệ.”
Tuy nhiên, trên Financial Times, các chuyên gia đã cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn.
Ông Vincent Straub, một nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford, cho biết: “Chúng ta không thể hoàn toàn tin tưởng AI… chúng vẫn gặp vấn đề về độ tin cậy và độ chính xác.”
Ông Keegan McBride, giảng viên tại Viện Internet Oxford, cho rằng UAE có “lợi thế” hơn nhiều nền dân chủ trong việc nhanh chóng triển khai số hóa chính phủ.
“Họ có thể hành động nhanh chóng. Họ có thể thử nghiệm với nhiều thứ,” ông chia sẻ với Financial Times. “Về mức độ tham vọng, [UAE] đang ở gần đỉnh cao.”
Ông Ahmad al-Khalil, thành viên sáng lập tại hãng luật Crimson Legal, trả lời tờ Khaleej Times rằng việc sử dụng AI để soạn thảo luật vẫn cần sự giám sát của con người.
“Luật pháp về bản chất là một công việc mang tính con người, gắn liền với công lý, sự phán đoán và bối cảnh,” ông Al-Khalil nhấn mạnh.
“Mặc dù AI có thể xử lý lượng dữ liệu khổng lồ và phát hiện xu hướng, nhưng sự giám sát của con người vẫn rất cần thiết, đặc biệt liên quan đến quyền lợi, sự công bằng và cách diễn giải.”
Tiểu vương Dubai Sheikh Mohammed bin Rashid al-Maktoum (giữa) cho biết AI sẽ giúp quy trình soạn thảo luật nhanh hơn và chính xác hơn. Ảnh: Bloomberg