
Hội đồng Bộ trưởng Tây Ban Nha đã phê duyệt một thỏa thuận cho vay, theo đó nhà điều hành vệ tinh quốc gia Hisdesat sẽ nhận được khoản tài trợ trị giá 1,011 tỷ euro trong vòng tám năm để phát triển hai vệ tinh PAZ 2.
Vệ tinh thế hệ trước PAZ-1 sử dụng công nghệ radar khẩu độ tổng hợp (SAR) đã được phóng lên bằng tên lửa Falcon 9 của SpaceX vào tháng 2-2018. Vệ tinh này cung cấp hình ảnh quan sát Trái đất có độ phân giải cao, phục vụ nhiều mục đích như kiểm soát biên giới, tình báo, giám sát môi trường và ứng phó khủng hoảng. Với dự án PAZ-2, chính phủ Tây Ban Nha thông qua nhà điều hành thương mại Hisdesat kỳ vọng sẽ nâng cao đáng kể năng lực của hệ thống này.
Trong cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng ngày 15-4, các đại diện từ Bộ Quốc phòng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì năng lực quan sát radar từ không gian của Tây Ban Nha sau khi PAZ-1 hết thời hạn hoạt động.
Theo chính phủ, Hisdesat không đủ khả năng tài chính để tự phát triển các vệ tinh PAZ thế hệ tiếp theo, và cũng không thể huy động vốn từ các nguồn khác. Điều này dẫn đến quyết định của Bộ Công nghiệp và Du lịch cấp khoản vay trị giá 1.011.850.000 euro, được giải ngân theo từng đợt từ năm 2025 đến 2032.
Hisdesat dự kiến sẽ nhận được 76 triệu euro đầu tiên vào năm 2025. Trong các năm 2026 và 2027, khoản vay sẽ tăng lên lần lượt là 179 triệu euro và 182 triệu euro. Hai đợt giải ngân lớn nhất sẽ diễn ra vào năm 2028 và 2029, với số tiền tương ứng là 213 triệu euro và 272 triệu euro. Từ năm 2030 đến 2032, khi các vệ tinh PAZ 2 dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động, khoản vay sẽ giảm xuống dưới 100 triệu euro mỗi năm.
Thỏa thuận vay với Hisdesat vượt qua mức tài trợ nhà nước thông thường dành cho các chương trình được chính phủ hậu thuẫn ở Tây Ban Nha. Thực tế, các con số được nêu trong thỏa thuận vượt quá giới hạn về giá trị tổng cộng và thời hạn trả nợ được quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước của Tây Ban Nha. Do đó, chính phủ đã phải xin phép và được Hội đồng Bộ trưởng cho phép vượt trần.
Tuy nhiên, chính phủ không chỉ đóng vai trò là bên tài trợ thụ động cho dự án, mà còn nắm giữ 30% cổ phần tại Hisdesat. Cổ đông lớn nhất của công ty này hiện nay là Hispasat với 43% cổ phần. Tuy nhiên, vào tháng 2-2025, nhà thầu hàng không vũ trụ và công nghệ thông tin Tây Ban Nha – Indra – đã đạt được thỏa thuận mua lại 89,68% cổ phần của Hispasat. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì chính phủ Tây Ban Nha đang sở hữu 28% cổ phần tại Indra thông qua tổ chức SEPI, trở thành cổ đông lớn nhất của Indra. Vì vậy, thương vụ mua lại Hispasat của Indra sẽ làm gia tăng ảnh hưởng gián tiếp của chính phủ đối với Hisdesat.
Vệ tinh PAZ-1 trước khi phóng vào năm 2018. Ảnh: Hisdesat