
Các nhà vận động tiền mã hoá đang tích cực kêu gọi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) mua bitcoin, cho rằng tình hình kinh tế toàn cầu bất ổn do các chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump càng làm tăng sự cần thiết phải đa dạng hoá dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương này.
Những người ủng hộ đã phát động một chiến dịch trưng cầu dân ý từ tháng 12 để sửa đổi Hiến pháp Thụy Sĩ, buộc SNB phải nắm giữ bitcoin như một phần dự trữ cùng với vàng.
“Việc nắm giữ bitcoin trở nên hợp lý hơn khi thế giới đang chuyển dịch sang một trật tự đa cực, trong đó đồng đô la và euro đang suy yếu,” ông Luzius Meisser, thành viên hội đồng quản trị của công ty môi giới tiền mã hoá Bitcoin Suisse, cho biết.
Ông Meisser, người dự kiến sẽ phát biểu tại đại hội cổ đông thường niên của SNB ở Bern vào thứ Sáu, nói rằng việc mua bitcoin sẽ giúp SNB tránh được sự chi phối chính trị lên giá trị các tài sản ngoại hối mà họ đang nắm giữ – với đô la và euro hiện chiếm tới ba phần tư.
“Các chính trị gia rồi cũng sẽ không cưỡng lại được cám dỗ in thêm tiền để chi tiêu cho các kế hoạch của họ, nhưng bitcoin là một đồng tiền không thể bị lạm phát thông qua chi tiêu thâm hụt,” ông nói.
Thụy Sĩ đã nổi lên như một trung tâm đổi mới về blockchain và tiền mã hoá, với các dự án như Ethereum được sáng lập tại thị trấn Zug – nơi được mệnh danh là “Thung lũng Crypto”.
Theo một nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học Ứng dụng và Nghệ thuật Lucerne, hiện có khoảng 11% dân số Thụy Sĩ đã đầu tư vào tài sản mã hoá.
Tuy nhiên, SNB vẫn tỏ ra thận trọng, viện dẫn lý do là sự biến động lớn về giá, các vấn đề thanh khoản và rủi ro bảo mật. SNB hiện không sở hữu bitcoin.
“Tiền mã hoá về cơ bản là phần mềm. Và ai cũng biết phần mềm có thể có lỗi và các lỗ hổng bảo mật,” Chủ tịch SNB Martin Schlegel nói với báo Tages-Anzeiger của Thụy Sĩ hồi tháng Ba.
Ông Yves Bennaim, người tổ chức Sáng kiến Bitcoin, cho rằng công nghệ đứng sau bitcoin là một trong những hệ thống CNTT đáng tin cậy và an toàn nhất từng được tạo ra, và liên tục được cải tiến.
Cả Bennaim và Meisser đều sở hữu bitcoin, song họ khẳng định không vận động vì lợi ích cá nhân.
Với giá trị vốn hóa thị trường gần 2.000 tỷ USD, thị trường bitcoin toàn cầu hiện là thị trường thanh khoản và ổn định nhất trong số các tài sản số, ông Bennaim cho biết, với hàng tỷ USD được giao dịch mỗi ngày.
“Chúng tôi không nói rằng hãy dốc toàn lực vào bitcoin, nhưng nếu bạn có gần 1.000 tỷ franc trong dự trữ, như SNB đang có, thì hợp lý khi dành 1–2% trong số đó cho một tài sản đang tăng giá trị, ngày càng an toàn hơn và được mọi người muốn sở hữu.”
Lá cờ quốc gia tung bay trên toà nhà Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) ở Bern, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters