
Google (thuộc Alphabet) và X (nền tảng của Elon Musk) có thể là hai cái tên tiếp theo đối mặt với các khoản phạt từ các cơ quan quản lý châu Âu, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) vẫn giữ lập trường cứng rắn với các ông lớn công nghệ bất chấp lo ngại về khả năng Mỹ sẽ trả đũa bằng thuế quan.
Hôm thứ Tư, các nhà chức trách chống độc quyền của EU đã lần đầu tiên áp dụng hình phạt theo luật mới nhằm hạn chế quyền lực của các công ty công nghệ lớn, với tổng mức phạt lên tới 700 triệu euro (gần 800 triệu USD) đối với Apple và Meta vì vi phạm Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) và không chấm dứt các hành vi phản cạnh tranh.
Ủy ban châu Âu đã phạt Apple 500 triệu euro (tương đương 571 triệu USD) vì ngăn cản các nhà phát triển ứng dụng hướng người dùng đến những lựa chọn rẻ hơn bên ngoài App Store.
Cơ quan này, vốn là nhánh hành pháp của EU, cũng phạt Meta Platforms 200 triệu euro vì ép người dùng Facebook và Instagram phải chọn giữa việc xem quảng cáo cá nhân hóa hoặc trả tiền để không bị quảng cáo.
Các hình phạt này nhỏ hơn nhiều so với những án phạt hàng tỷ euro mà ủy ban trước đây từng áp đặt đối với các công ty công nghệ lớn trong các vụ chống độc quyền.
Apple và Meta phải tuân thủ các quyết định trong vòng 60 ngày, nếu không sẽ phải đối mặt với các khoản “phạt định kỳ” chưa xác định, theo Ủy ban.
Các quyết định này dự kiến công bố vào tháng 3, nhưng bị trì hoãn do căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương leo thang với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người liên tục phàn nàn về các quy định từ Brussels ảnh hưởng đến các công ty Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích các quy định mới này của DMA, cho rằng chúng tương đương với việc áp thuế lên các công ty Mỹ. Tuy nhiên, bà Teresa Ribera – Ủy viên phụ trách chống độc quyền của EU – đã bác bỏ lo ngại rằng bà có thể nhượng bộ và mềm mỏng hơn do áp lực từ Mỹ.
“Apple và Meta đã không tuân thủ đúng DMA khi thực hiện các biện pháp khiến người dùng và doanh nghiệp ngày càng phụ thuộc vào nền tảng của họ,” bà Ribera phát biểu hôm thứ Tư. “Tất cả các công ty hoạt động tại EU đều phải tuân thủ luật pháp của chúng tôi và tôn trọng các giá trị châu Âu,” bà nhấn mạnh.
Việc EU kiên quyết đưa ra các mức phạt làm dấy lên câu hỏi về khả năng Mỹ sẽ có hành động trả đũa, theo Hiệp hội Quốc tế về Quyền riêng tư (IAPP). “Chính quyền Mỹ đã tuyên bố sẽ cân nhắc các biện pháp đáp trả như áp thuế nhằm đối phó với một số chính sách của nước ngoài gây bất lợi cho các công ty Mỹ,” ông Joe Jones, Giám đốc nghiên cứu của IAPP, cho biết.
DMA, đạo luật từng được ông Trump đề cập trong một Sắc lệnh Hành pháp hồi tháng 2, đưa ra danh sách các điều được phép và bị cấm (a list of dos and don’ts) đối với các tập đoàn công nghệ, nhằm giúp người dùng dễ dàng chuyển đổi giữa các dịch vụ trực tuyến và tạo điều kiện cạnh tranh cho các đối thủ nhỏ hơn.
Việc áp dụng các mức phạt cho thấy Ủy ban châu Âu thực sự không “cả nể”, bất chấp đe dọa từ ông Trump về khả năng áp thuế lên các quốc gia EU phạt doanh nghiệp Mỹ, một quan chức cao cấp của Ủy ban cho biết với điều kiện giấu tên.
Tập trung vào tuân thủ hơn là trừng phạt
Dù vậy, mức phạt lần này vẫn khá khiêm tốn so với những án phạt khổng lồ mà người tiền nhiệm của Ribera, bà Margrethe Vestager, từng đưa ra. Các nguồn tin cho biết nguyên nhân là do vi phạm diễn ra trong thời gian ngắn, EU muốn tập trung vào việc buộc tuân thủ hơn là trừng phạt, và còn chịu ảnh hưởng từ chính sách đối ngoại Mỹ.
Điều này đặt dấu hỏi về việc liệu trong tương lai, cách tiếp cận của châu Âu với các đại gia công nghệ có bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị hay không.
Thử thách lớn nhất với bà Ribera sẽ là quyết định trong vài tháng tới có yêu cầu Google phải bán một phần mảng quảng cáo kỹ thuật số để giải quyết lo ngại rằng công ty đang thiên vị dịch vụ quảng cáo của chính mình hay không. Đây là vụ việc bắt nguồn từ năm 2021.
Nếu diễn ra, đây sẽ là lần đầu tiên EU ra lệnh bắt buộc một công ty công nghệ bán tài sản trong một vụ điều tra chống độc quyền – một dấu hiệu cho thấy mức độ lo ngại sâu sắc của Ủy ban về quyền lực thị trường của Google. Ngay cả Microsoft trong cuộc chiến pháp lý kéo dài hai thập kỷ cũng chưa từng bị yêu cầu bán bộ phận nào.
Một phán quyết của tòa án Mỹ hồi đầu tháng này, kết luận rằng Google chiếm lĩnh bất hợp pháp hai thị trường quảng cáo trực tuyến, có thể tạo tiền đề để Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu tách mảng quảng cáo của Google – điều có thể củng cố quyết tâm cho Ribera, theo các nguồn tin từ Ủy ban châu Âu.
“Không có chỗ cho sự nhân nhượng”
“Sẽ khó để EU biện minh cho việc rút lại cuộc điều tra của mình nếu Mỹ không có động thái tương tự, trừ khi chính quyền Mỹ áp dụng các biện pháp đủ sức giải quyết mối lo của EU,” ông Zach Meyers – Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Điều tiết châu Âu (CERRE) – nhận định.
Nghị sĩ Nghị viện châu Âu Andreas Schwab, người dẫn đầu đàm phán về DMA, kêu gọi bà Ribera giữ vững lập trường và không trì hoãn các quyết định liên quan đến Google và X.
“Không được có sự nương tay trong thực thi luật, vì điều này có thể ảnh hưởng đến vai trò của chính sách cạnh tranh nói chung,” ông nói.
Ông Meyers cũng cho rằng mức phạt thấp không đồng nghĩa với việc chính sách cạnh tranh của EU bị suy yếu, bởi điều quan trọng hơn là các công ty phải thay đổi hành vi kinh doanh của mình.
“Thước đo thực sự của DMA không phải là việc Ủy ban có sẵn sàng phạt nặng hay không, mà là liệu chúng ta có thấy sự thay đổi đáng kể trong mức độ cạnh tranh hay không,” ông nói.
Ủy ban châu Âu cũng đang điều tra mạng xã hội X, và điều này đã khiến Elon Musk tức giận. Năm ngoái, EU đã cáo buộc X vi phạm Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA).
Logo Google tại trụ sở công ty ở Mountain View, California, Mỹ. Ảnh: Reuters