
Thỉnh thoảng, một startup từ Thung lũng Silicon ra đời với sứ mệnh được mô tả “quá mức phi lý” đến mức khiến người ta khó phân biệt đó là ý tưởng nghiêm túc hay chỉ là châm biếm.
Đó là trường hợp của Mechanize, một startup mà người sáng lập – cùng với Viện nghiên cứu AI phi lợi nhuận do ông lập ra có tên Epoch – đang bị chỉ trích dữ dội trên mạng xã hội X sau khi công bố dự án.
Các lời chỉ trích tập trung cả vào sứ mệnh của startup này lẫn việc cho rằng nó đang làm hoen ố danh tiếng của viện nghiên cứu được đánh giá cao. (Một giám đốc của viện nghiên cứu này còn đăng trên X rằng: “Quà sinh nhật tuyệt quá: một cuộc khủng hoảng truyền thông.”)
Mechanize được công bố ra mắt hôm thứ Năm qua một bài đăng trên X của người sáng lập là nhà nghiên cứu AI nổi tiếng Tamay Besiroglu. Mục tiêu của startup này, theo lời ông viết, là “tự động hóa toàn bộ lao động” và “tự động hóa hoàn toàn nền kinh tế.”
Phải chăng điều đó có nghĩa là Mechanize đang tìm cách thay thế mọi lao động con người bằng AI? Về cơ bản là đúng. Startup này muốn cung cấp dữ liệu, các tiêu chuẩn đánh giá và môi trường kỹ thuật số để làm cho việc tự động hóa công việc trở nên khả thi ở mọi lĩnh vực.
Besiroglu thậm chí đã tính toán thị trường tiềm năng của Mechanize bằng cách cộng tổng mức lương mà con người đang nhận. “Tiềm năng thị trường ở đây lớn đến mức phi lý: riêng tại Mỹ, người lao động nhận khoảng 18 nghìn tỷ USD mỗi năm. Trên toàn cầu, con số này lớn gấp ba lần – khoảng 60 nghìn tỷ USD mỗi năm,” ông viết.
Tuy nhiên, ông cũng nói rõ với TechCrunch rằng trọng tâm trước mắt của Mechanize là công việc trí óc (white-collar) chứ không phải các việc tay chân cần robot.
Phản ứng đối với startup này khá dữ dội. Một người dùng X tên Anthony Aguirre bình luận: “Rất tôn trọng công trình của các nhà sáng lập tại Epoch, nhưng thật buồn khi thấy điều này. Việc tự động hóa phần lớn lao động con người thực sự là giải thưởng lớn cho các công ty, và đó là lý do tại sao nhiều công ty lớn nhất hành tinh đang theo đuổi nó. Tôi nghĩ đây sẽ là mất mát lớn cho đa số con người.”
Nhưng điểm gây tranh cãi không chỉ nằm ở mục tiêu của startup. Viện nghiên cứu AI Epoch của Besiroglu chuyên phân tích tác động kinh tế của AI và đưa ra các chuẩn đánh giá hiệu suất AI – vốn được coi là nơi trung lập để kiểm tra các tuyên bố từ các hãng phát triển AI hàng đầu.
Đây không phải lần đầu Epoch dính vào tranh cãi. Tháng 12 năm ngoái, Epoch tiết lộ rằng OpenAI đã hỗ trợ xây dựng một trong các tiêu chuẩn đánh giá AI của họ – và sau đó sử dụng nó để ra mắt model mới o3. Nhiều người dùng mạng xã hội cho rằng Epoch lẽ ra nên công khai hơn về mối quan hệ này.
Besiroglu nói rằng Mechanize được hậu thuẫn bởi nhiều tên tuổi lớn: Nat Friedman, Daniel Gross, Patrick Collison, Dwarkesh Patel, Jeff Dean, Sholto Douglas và Marcus Abramovitch. Ba người đầu tiên không phản hồi yêu cầu bình luận từ TechCrunch.
Marcus Abramovitch xác nhận rằng ông đã đầu tư. Abramovitch là đối tác điều hành tại quỹ phòng hộ tiền mã hóa AltX. Ông nói với TechCrunch rằng ông đầu tư vì: “Đội ngũ này xuất sắc ở nhiều khía cạnh và họ suy nghĩ sâu sắc về AI hơn bất kỳ ai tôi biết.”
Có tốt cho con người không?
Besiroglu vẫn lập luận rằng việc để các AI đảm nhận toàn bộ công việc sẽ giúp con người giàu hơn chứ không nghèo đi, nhờ vào “tăng trưởng kinh tế bùng nổ.” Ông dẫn chứng một bài nghiên cứu mình đã xuất bản về chủ đề này.
“Việc tự động hóa hoàn toàn lao động có thể tạo ra sự dư dả khổng lồ, mức sống cao hơn nhiều, và những sản phẩm, dịch vụ mới mà chúng ta hiện nay chưa thể tưởng tượng được,” ông nói với TechCrunch.
Tuy nhiên, điều này có thể chỉ đúng với những người sở hữu các tác nhân AI. Tức là, nếu các công ty mua chúng thay vì tự phát triển (bằng cách sử dụng các tác nhân khác chăng?).
Mặt khác, quan điểm lạc quan này lại bỏ qua một thực tế cơ bản: nếu con người không có việc làm, họ sẽ không có thu nhập để mua tất cả những thứ mà AI tạo ra.
Dù vậy, Besiroglu nói rằng tiền lương của con người trong thế giới tự động hóa AI vẫn sẽ tăng, bởi con người trở nên “có giá trị hơn trong các vai trò mà AI không thể đảm nhận.”
Nhưng cần nhớ rằng mục tiêu vẫn là để AI làm toàn bộ công việc. Khi bị hỏi về điều này, ông giải thích: “Ngay cả trong những kịch bản mà tiền lương giảm, thì phúc lợi kinh tế không chỉ phụ thuộc vào lương. Con người thường có thu nhập từ các nguồn khác – như cho thuê tài sản, cổ tức, và phúc lợi từ chính phủ.”
Nghĩa là có thể ta sẽ sống bằng tiền đầu tư hoặc bất động sản. Nếu không, vẫn còn trợ cấp xã hội – với điều kiện là các tác nhân AI phải chịu đóng thuế.
Dù tầm nhìn và sứ mệnh của Besiroglu rõ ràng là cực đoan, nhưng vấn đề kỹ thuật mà ông muốn giải quyết thì lại rất thực tế. Nếu mỗi lao động con người có một đội ngũ AI hỗ trợ riêng, năng suất có thể tăng vọt và dẫn đến sự dư dả kinh tế. Và Besiroglu hoàn toàn đúng ở một điểm: sau một năm kể từ kỷ nguyên AI agent bắt đầu, các tác nhân này vẫn hoạt động rất kém.
Ông lưu ý rằng chúng thiếu tin cậy, không nhớ thông tin, không thể tự hoàn thành nhiệm vụ như được yêu cầu, và không thể thực hiện các kế hoạch dài hạn mà không bị trệch hướng.
Tuy nhiên, ông không phải là người duy nhất đang tìm cách khắc phục. Các công ty lớn như Salesforce và Microsoft đang xây dựng nền tảng cho AI agent. OpenAI cũng vậy. Và hàng loạt startup khác đang mọc lên: từ các công ty chuyên về từng loại tác vụ (bán hàng, phân tích tài chính), đến các công ty cung cấp dữ liệu huấn luyện hay tối ưu chi phí cho tác nhân AI.
Trong lúc đó, Besiroglu muốn bạn biết rằng: Mechanize đang tuyển người.
Ảnh minh họa về tự động hóa hoàn toàn nền kinh tế. Ảnh: West Island
Tamay Besiroglu