
Vào đêm trước sinh nhật lần thứ 70, Don Pettit – nhà du hành lớn tuổi nhất còn hoạt động của NASA – cùng hai đồng nghiệp người Nga đã rời Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào thứ Bảy và chuẩn bị cho hành trình trở về Trái đất trong đêm với cú hạ cánh rực lửa, kết thúc chuyến thám hiểm kéo dài 220 ngày.
Pettit và chỉ huy tàu Soyuz MS-26/72S Alexey Ovchinin cùng kỹ sư bay Ivan Vagner đã rời cảng kết nối Rassvet của Nga trên ISS vào lúc 5:57 chiều giờ miền Đông Hoa Kỳ, tức gần 5g sáng Chủ Nhật giờ Việt Nam, hướng đến cú hạ cánh bằng dù trên thảo nguyên Kazakhstan gần thị trấn Dzhezkazgan vào lúc 9:20 tối cùng ngày – tức 6:20 sáng Chủ nhật theo giờ địa phương, đúng vào ngày sinh nhật của Pettit tại điểm hạ cánh.
Don Petti dành phần lớn thời gian rảnh tại ISS để chụp ảnh hiện tượng thiên văn, cực quang và cuộc sống trên trạm. Trong bức ảnh này, một bức phơi sáng dài ghi lại ánh đèn thành phố khắp Đông Nam Á cùng ánh sáng xanh lục từ thuyền đánh cá ngoài khơi. Ảnh: NASA
Các đội cứu hộ Nga và nhân viên NASA đã được điều động đến khu vực lân cận để hỗ trợ phi hành đoàn ra khỏi khoang hạ cánh Soyuz, thực hiện kiểm tra y tế ban đầu và liên lạc qua điện thoại vệ tinh với gia đình, bạn bè khi họ bắt đầu làm quen lại với trọng lực sau bảy tháng sống trong môi trường không trọng lực.
Nhiệm vụ lần này kéo dài tổng cộng 220 ngày và gần 9 giờ, với 3.520 vòng quay quanh Trái đất và hành trình dài khoảng 150 triệu km kể từ khi được phóng lên vào ngày 11 tháng 9 năm ngoái từ Sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan.
Tại thời điểm chạm đất, Ovchinin sẽ ghi nhận tổng cộng 595 ngày trong không gian qua bốn chuyến bay, theo sát là Pettit với 590 ngày qua bốn lần bay của riêng mình. Tổng thời gian của Vagner là 416 ngày trong hai chuyến thăm trạm ISS.
Kỷ lục thế giới về tổng thời gian ở trong không gian thuộc về nhà du hành vũ trụ người Nga Oleg Kononenko với gần 1.111 ngày trên quỹ đạo qua năm nhiệm vụ. Kỷ lục của Mỹ do nữ phi hành gia Peggy Whitson nắm giữ với 675 ngày trong không gian qua bốn chuyến bay.
Về độ tuổi, John Glenn – người Mỹ đầu tiên bay vào quỹ đạo – đã 77 tuổi khi ông bay cùng tàu con thoi vào năm 1998 với tư cách là hành khách tham gia chuyến bay vũ trụ của NASA. Ông vẫn giữ kỷ lục là người lớn tuổi nhất từng bay vào quỹ đạo.
Từ Kazakhstan, Ovchinin và Vagner sẽ trở về Thành phố Ngôi sao gần Moscow, trong khi Pettit sẽ được đưa đến Trung tâm Vũ trụ Johnson ở Houston để thực hiện các bài kiểm tra y tế chuyên sâu và bắt đầu quá trình phục hồi thể chất.
Phía Nga đã phóng phi hành đoàn thay thế cho nhóm của Pettit — gồm chỉ huy Soyuz Sergey Ryzhikov, Alexey Zubritsky và Jonny Kim của NASA — vào ngày 8 tháng 4, tạo điều kiện để Ovchinin, Vagner và Pettit trở về Trái đất vào thứ Bảy.
Trong một buổi lễ ngắn vào thứ Sáu, Ovchinin đã chính thức bàn giao quyền chỉ huy trạm cho Onishi.
“Đó là một vinh dự lớn đối với tôi khi nhận quyền chỉ huy ISS,” Onishi nói. “Tôi cảm thấy thật đặc biệt khi được nhận lại quyền chỉ huy từ anh, bởi đã gần chín năm kể từ khi chúng ta gặp nhau vào năm 2016 trong Sứ mệnh 48. Khi đó, cả hai chúng ta đều là người mới, còn bây giờ là hai cựu binh của ISS.”
“Bay vào vũ trụ là điều không hề dễ dàng. Chỉ có sự cống hiến liên tục từ thế hệ này sang thế hệ khác mới giúp loài người tiến xa đến vậy. Hôm nay, chúng ta có bốn người mới, trẻ trên trạm. Tôi tin rằng một ngày nào đó họ sẽ trở lại và trở thành chỉ huy… đó chính là cách mà chúng ta sẽ tiếp tục phát triển ngành du hành vũ trụ,” Onishi nói.
ISS đã có phi hành đoàn thường trực kể từ ngày 2 tháng 11 năm 2000. Dự kiến sẽ “nghỉ hưu” trong vòng năm năm tới, trạm hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề như rò rỉ không khí ở khu vực khoang Nga, thiếu kinh phí, phụ tùng khan hiếm và chậm trễ trong tiếp tế.
“Bay vào không gian rất khó và đầy rủi ro,” Rich Williams – thành viên Ban Cố vấn An toàn Hàng không Vũ trụ độc lập của NASA – phát biểu trong một cuộc họp hôm thứ Năm. “ISS hiện đang bước vào giai đoạn rủi ro cao nhất trong vòng đời của nó.”
“Bay vào vũ trụ là điều không hề dễ dàng. Chỉ có sự cống hiến liên tục từ thế hệ này sang thế hệ khác mới giúp loài người tiến xa đến vậy…. Đó chính là cách mà chúng ta sẽ tiếp tục phát triển ngành du hành vũ trụ”
Phi hành gia người Nhật Takuya Onishi
Các vết rò rỉ không khí tại khoang kết nối phía sau của module Zvezda được cho là do mỏi kim loại (metal fatigue) và chu kỳ áp suất lặp lại khi các tàu Soyuz và tàu chở hàng Progress đến và đi.
“Các biện pháp giảm rủi ro hiện tại bao gồm áp dụng vật liệu vá cho các vết nứt đã biết và hạn chế các chu kỳ áp suất để giảm căng thẳng và mỏi kim loại,” Williams nói. “Chương trình ISS đang theo dõi sát sao vấn đề này và Ủy ban coi đây là mối quan tâm hàng đầu.”
NASA đã thuê SpaceX xây dựng một phương tiện kéo trạm vũ trụ ra khỏi quỹ đạo (USDV) để đưa trạm có khối lượng khoảng 500 tấn trở lại bầu khí quyển vào năm 2030, đảm bảo trạm vỡ ra ở phía nam Thái Bình Dương, tránh xa tuyến hàng hải và khu dân cư. USDV dự kiến sẽ đến trạm vào năm 2029.
“Việc cung cấp và sử dụng phương tiện USDV là rất quan trọng để đảm bảo rủi ro từ mảnh vỡ ISS đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn công cộng do chính phủ đặt ra,” Williams nói. “Nếu ISS rời quỹ đạo trước khi USDV được đưa đến, rủi ro đối với cộng đồng từ mảnh vỡ ISS sẽ tăng lên hàng chục lần.”
Ông cho biết NASA và các quan chức Nga đang phối hợp để giải quyết những thách thức liên quan đến việc đảm bảo khả năng rời quỹ đạo an toàn, cả cho việc kết thúc vòng đời lẫn các tình huống khẩn cấp.
Trong buổi bàn giao chỉ huy hôm thứ Sáu, phi hành gia Nhật Bản Takuya Onishi (ngoài cùng bên phải) tiếp nhận quyền chỉ huy từ Alexey Ovchinin (ngoài cùng bên trái). Mặc áo đỏ, Ovchinin, Don Pettit (thứ hai từ trái sang) và Ivan Vagner dự kiến trở về Trái đất vào thứ Bảy (giờ Mỹ), hạ cánh tại Kazakhstan. Ảnh: NASA
Tàu Soyuz MS-26/72S chở chỉ huy Alexey Ovchinin, Ivan Vagner và Don Pettit của NASA tách khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế ngay sau khi rời khoang Rassvet của Nga vào thứ Bảy, khi hai tàu bay cách mặt đất gần 420km trên miền nam Mông Cổ. Ảnh: NASA
Don Pettit, nhà du hành lớn tuổi nhất còn hoạt động của NASA, sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 bằng cú hạ cánh tại Kazakhstan. Ảnh: NASA