
Nam diễn viên Hàn Quốc Simon Lee đã sững sờ khi thấy hình ảnh của mình — đôi khi trong vai bác sĩ phụ khoa hoặc bác sĩ phẫu thuật — được dùng để quảng bá các phương pháp chữa bệnh đáng ngờ trên TikTok và Instagram.
Anh là một trong số nhiều người đã cấp phép sử dụng hình ảnh của mình cho các công ty tiếp thị dùng tr1i tuệ nhân tạo (AI), và sau đó phải ngỡ ngàng khi thấy bản sao kỹ thuật số của mình xuất hiện trong các video lừa đảo, quảng cáo mờ ám hoặc thậm chí là tuyên truyền chính trị.
“Nếu đó là một quảng cáo tử tế thì tôi cũng thấy ổn. Nhưng rõ ràng đây là một trò lừa đảo,” anh nói, đồng thời cho biết các điều khoản hợp đồng không cho phép anh gỡ các video đó xuống.
Kết quả là anh đành bất lực nhìn bản sao kỹ thuật số của mình giới thiệu trà chanh sả để giảm cân hay tắm nước đá để trị mụn.
Công nghệ AI — rẻ hơn việc quay phim với diễn viên thật nhưng chân thực hơn so với avatar tạo hoàn toàn bằng AI — cho phép các công ty xây dựng kho người mẫu kỹ thuật số để xuất hiện trong các video, chủ yếu quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ.
Solene Vasseur, một chuyên gia tư vấn truyền thông số và AI, cho biết hình thức quảng cáo mới này nhanh chóng và rẻ hơn nhiều so với sản xuất ngoài đời thực.
Việc sử dụng avatar cũng là cách để các thương hiệu “thể hiện rằng họ sẵn sàng đón nhận các công cụ mới”.
Phương pháp thực hiện khá đơn giản: nửa ngày quay hình, phông nền xanh và máy nhắc chữ. Diễn viên chỉ cần thể hiện các biểu cảm khác nhau để AI có thể tạo ra avatar nói đủ mọi điều, bằng vô số ngôn ngữ.
“Hiệu suất biểu cảm của con người thật — giọng nói, nét mặt, ngôn ngữ cơ thể… — vẫn vượt trội hơn bất kỳ thứ gì mà AI hiện tại có thể tạo ra,” theo ông Alexandru Voica, trưởng bộ phận đối ngoại của Synthesia, một công ty hàng đầu trong ngành có trụ sở tại Anh.
Để tạo video, khách hàng chỉ cần chọn gương mặt, ngôn ngữ, giọng điệu — như nghiêm túc hoặc vui nhộn — và chèn kịch bản. Toàn bộ quy trình này có giá khá rẻ: phiên bản cơ bản miễn phí, còn bản chuyên nghiệp chỉ vài trăm euro.
‘TÔI CÓ ĐANG VƯỢT GIỚI HẠN?’
Hợp đồng có thể mang lại vài ngàn euro, tùy theo thời hạn và mức độ nổi tiếng của người tham gia. Tuy nhiên, chúng thường chứa đầy thuật ngữ pháp lý và điều khoản có thể bị lạm dụng. Trong lúc muốn kiếm tiền nhanh, nhiều người đã không thực sự hiểu mình đang ký gì.
Đó là trường hợp của Adam Coy, một diễn viên kiêm đạo diễn 29 tuổi sống tại New York. Anh bán quyền sử dụng hình ảnh vì lý do tài chính.
Tháng 10 năm ngoái, anh đã ký thỏa thuận với công ty MCM với giá 1.000 đô la Mỹ, cho phép sử dụng gương mặt và giọng nói của mình trong một năm.
“Nếu tôi thành công hơn, có lẽ tôi đã có thể tự đặt ra câu hỏi đạo đức này,” anh nói. “Làm vậy có đúng không, hay tôi đang vượt ranh giới?”
Vài tháng sau, mẹ của bạn đời anh tình cờ thấy những video mà trong đó bản sao kỹ thuật số của anh tuyên bố đến từ tương lai và thông báo các thảm họa sắp tới.
Hợp đồng không cấm những điều này, mà chỉ không cho phép sử dụng cho mục đích khiêu dâm hoặc liên quan đến rượu và thuốc lá. Coy mô tả trải nghiệm xem avatar của mình là “phi thực” và nói rằng ban đầu anh nghĩ mình sẽ chỉ là một hình ảnh hoạt hình.
Nhưng “đây là số tiền khá tốt cho một công việc nhẹ,” anh nói thêm.
TUYÊN TRUYỀN
Nam diễn viên kiêm người mẫu người Anh Connor Yeates, người đã ký hợp đồng ba năm với Synthesia trị giá 5.235 đô la Mỹ, cũng gặp phải điều bất ngờ khó chịu vào năm 2022.
Thời điểm đó, anh đang ngủ trên ghế sofa của một người bạn, anh chia sẻ với một tờ báo Anh. “Tôi không có cha mẹ giàu có và cần tiền,” anh nói.
Đây có vẻ là một “cơ hội tốt”. Nhưng sau đó, anh phát hiện hình ảnh của mình đã được dùng để quảng bá cho Ibrahim Traoré, Tổng thống Burkina Faso, người lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2022.
Synthesia, đơn vị ký hợp đồng với Connor Yeates, giải thích: “Ba năm trước, một số video đã lọt qua hệ thống kiểm duyệt nội dung của chúng tôi, phần nào vì chúng tôi còn thiếu cơ chế kiểm soát đối với những nội dung tuy đúng về mặt sự thật nhưng mang tính phân cực hoặc mang tính tuyên truyền, ví dụ như vậy.”
Công ty cho biết họ đã áp dụng quy trình mới, nhưng hiện nay đã có thêm nhiều nền tảng khác ra đời, với các tiêu chuẩn lỏng lẻo hơn nhiều.
Một phóng viên của AFP đã có thể khiến một avatar trên một nền tảng như vậy nói ra những điều ngớ ngẩn.
“Các khách hàng tôi từng làm việc cùng không thực sự hiểu họ đang đồng ý điều gì vào lúc ký hợp đồng,” luật sư Alyssa Malchiodi, chuyên về luật thương mại, cho biết. “Một dấu hiệu cảnh báo lớn là ngôn ngữ hợp đồng quá rộng, vĩnh viễn và không thể hủy ngang, trao toàn quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng không giới hạn hình ảnh, giọng nói và diện mạo của người sáng tạo trên mọi nền tảng.”
Hợp đồng thường chứa các điều khoản bị coi là lạm dụng, cô nói thêm, như khai thác toàn cầu, không giới hạn, không thể thu hồi, và không có quyền rút lại.
“Công nghệ đang phát triển nhanh hơn cả tòa án hay cơ quan lập pháp có thể phản ứng,” cô cảnh báo.
“Đây không phải là những gương mặt hư cấu,” cô nhấn mạnh, kêu gọi cần thận trọng hơn.
Một mô hình khung dây màu xanh bao phủ phần dưới khuôn mặt của một diễn viên trong quá trình tạo video deepfake tại London vào năm 2019. Ảnh: Reuters