Công ty sản xuất hệ thống đẩy vệ tinh của Ấn Độ, Bellatrix Aerospace, đã công bố kế hoạch mở một cơ sở sản xuất tại Hoa Kỳ trong vài tháng tới để tìm kiếm cơ hội trong thị trường không gian rộng lớn của Mỹ.
Bellatrix đã tuyển dụng Chris MacDonald, cựu giám đốc phát triển kinh doanh tại công ty phát triển tên lửa Astra và nhà cung cấp vệ tinh Terran Orbital, để lãnh đạo chi nhánh mới thành lập tại Mỹ, có trụ sở chính tại Delaware.
MacDonald cho biết qua email rằng cơ sở sản xuất mới sẽ hỗ trợ sản xuất tại chỗ, kiểm tra và giao hàng các hệ thống đẩy, nhằm rút ngắn thời gian thực hiện và tạo điều kiện hợp tác chặt chẽ hơn với các khách hàng tại Mỹ.
Được thành lập vào năm 2015, Bellatrix đã phát triển thành công động cơ đẩy Hiệu ứng Hall, được sử dụng trong một số sứ mệnh của cơ quan không gian Ấn Độ trong những năm gần đây, cùng với hệ thống đẩy sử dụng nhiên liệu thay thế ít độc hại hơn hydrazine.
Sau khi khẳng định được công nghệ trong nước, công ty hiện đang hướng đến các cơ hội quốc tế, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, nơi nhu cầu về hạ tầng không gian tiếp tục thu hút lượng đầu tư tư nhân đáng kể.
Theo báo cáo được công bố ngày 9-4 bởi công ty đầu tư mạo hiểm Space Capital, Hoa Kỳ đã thu hút 72% tổng đầu tư toàn cầu vào hạ tầng không gian trong ba năm qua.
Chỉ trong ba tháng đầu năm 2025, các công ty Mỹ chiếm phần lớn trong số 1,7 tỷ USD được đầu tư vào hạ tầng không gian — bao gồm phần cứng và phần mềm phục vụ việc xây dựng, phóng và vận hành vệ tinh, tên lửa và các thiết bị khác.
Tuy nhiên, con số này giảm 31% so với quý trước và là tổng đầu tư quý thấp thứ hai mà Space Capital ghi nhận trong ba năm qua, do bất ổn kinh tế vĩ mô và điều kiện tài chính thắt chặt.
Dù vậy, báo cáo vẫn chỉ ra nhu cầu ổn định đối với các dịch vụ như hệ thống đẩy, sản xuất vệ tinh và phóng, đặc biệt từ các công ty hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, khi chính quyền Mỹ tiếp tục coi không gian là ưu tiên an ninh quốc gia.
Mở rộng ra quốc tế
“Chúng tôi hiện đang trong giai đoạn đàm phán nâng cao với hơn sáu nhà sản xuất và khai thác vệ tinh có trụ sở tại Hoa Kỳ, và nhiều đối tác tiềm năng khác đang ở giai đoạn đầu trao đổi,” MacDonald cho biết.
“Chúng tôi cũng đã ký một Biên bản ghi nhớ (MoU) với một nhà sản xuất vệ tinh lớn của Mỹ, trở thành đối tác ưu tiên về hệ thống đẩy. Những quan hệ hợp tác này đang mở đường cho sự hiện diện vững chắc của chúng tôi tại Mỹ và khả năng tiếp nhận sản phẩm rộng rãi hơn.”
Trước đó trong tuần, công ty linh kiện vệ tinh của Anh Olsen cũng công bố kế hoạch mở rộng tương tự, nhắm đến bang Florida, trong khi GITAI, công ty chuyên về robot không gian có trụ sở tại California nhưng phần lớn do Nhật Bản sở hữu, gần đây đã thành lập một chi nhánh thuộc quyền một quỹ ủy quyền biểu quyết (voting trust) của Mỹ nhằm đủ điều kiện tham gia các hợp đồng quốc phòng với tư cách nhà thầu chính.
Rohan M Ganapathy (trái), đồng sáng lập kiêm CEO của Bellatrix Aerospace, đứng cạnh Yashas Karanam, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành. Ảnh: Bellatrix Aerospace.