Liên Minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, đã có những phản ứng khác nhau trước động thái mới nhất của Tổng thống Donald Trump liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ. Tổng thống Trump trưa ngày thứ Tư, tức nửa đêm thứ Năm giờ Việt Nam, đã quyết định hoãn áp thuế đối ứng lên tất cả các nước ngoại trừ Trung Quốc trong thời hạn 90 ngày.
Cụ thể, tất cả hàng hóa từ các nước nhập khẩu vào Mỹ sẽ tạm thời chỉ chịu thuế suất cơ bản là 10% trong thời hạn 90 ngày trong khi chờ đàm phán thêm, nhưng hàng hóa nhập từ Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế lên đến 125%.
EU tạm dừng áp thuế trả đũa sau bước ngoặt của Trump
Liên minh châu Âu vừa tuyên bố sẽ tạm dừng các biện pháp trả đũa đối với Hoa Kỳ trong vòng 90 ngày.
“Chúng tôi muốn dành cơ hội cho đàm phán,” Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen viết trên mạng xã hội X. Động thái này diễn ra khi trước đó cùng ngày EU đã thông qua các biện pháp đối phó đầu tiên nhằm đáp trả việc Donald Trump áp thuế thép và nhôm vào tháng Ba.
Bà von der Leyen nói thêm: “Nếu các cuộc đàm phán không đạt kết quả, các biện pháp trả đũa của chúng tôi sẽ có hiệu lực.”
Khối 27 quốc gia thành viên EU đã phải đối mặt với ba đợt thuế từ Mỹ: thuế 25% với thép và nhôm, thuế 25% đối với ô tô, và thuế “có đi có lại” 20% với các mặt hàng còn lại.
Mặc dù Trump tạm ngưng áp thuế “có đi có lại,” ông cho biết các mức thuế theo ngành sẽ vẫn giữ nguyên – cũng như mức thuế tối thiểu cố định 10% đối với tất cả các quốc gia.
Dù bước ngoặt của Trump mang lại cảm giác nhẹ nhõm cho nhiều người ở châu Âu, giới đầu tư và phân tích cảnh báo rằng chính sách thương mại bất ổn và liên tục thay đổi này có thể làm giảm đầu tư và kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Mặc dù EU “vẫn cam kết đàm phán mang tính xây dựng” với Mỹ, khối này cũng đang nỗ lực “đa dạng hóa các quan hệ thương mại, tăng cường hợp tác với các quốc gia chiếm 87% thương mại toàn cầu,” bà cho biết.
Trung Quốc đã chuẩn bị từ lâu cho chiến tranh thương mại với Mỹ
Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ và “đã có sự chuẩn bị từ lâu,” theo giáo sư kinh tế Keyu Jin thuộc Trường Kinh tế London.
“Họ đang vận hành theo bản năng sinh tồn,” bà Jin chia sẻ với CNN hôm thứ Năm.
Bà Jin cho biết Bắc Kinh đã “hoàn toàn chuyển hướng sang kích thích kinh tế, mở rộng thị trường mới” và đang thúc đẩy “đổi mới công nghệ.”
“Các doanh nghiệp Trung Quốc đang bước vào một cơn sốt toàn cầu hóa,” bà nói. “Họ thay đổi mô hình kinh doanh, mở nhà máy mới và thâm nhập thị trường mới với tốc độ chưa từng có trước đây.”
“Quan điểm của Trung Quốc – chiến đấu đến cùng nếu cần thiết – phù hợp với tuyên bố rằng thỏa hiệp không phải là lựa chọn, vì điều đó chỉ dẫn đến thêm những yêu sách từ phía Trump.”
Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố vẫn mở cửa đàm phán thương mại với Trump, trên cơ sở Mỹ cần thể hiện sự tôn trọng
“Cánh cửa đối thoại vẫn rộng mở, nhưng đối thoại phải dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng,” người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc phát biểu hôm thứ Năm. “Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ gặp Trung Quốc trên cơ sở cùng nhượng bộ, cùng hướng đến giải pháp thông qua đối thoại và tham vấn.”
Tuy nhiên, người phát ngôn cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không nhượng bộ nếu Trump tiếp tục leo thang chiến tranh thương mại.
“Nếu Mỹ chọn đối đầu, Trung Quốc sẽ đáp trả tương xứng. Sức ép, đe dọa và cưỡng ép không phải là cách để đối phó với Trung Quốc.”
Tuyên bố được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Bắc Kinh áp thuế trả đũa 84% lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Khi được hỏi về phản ứng của Bắc Kinh trước việc Trump tạm hoãn áp thuế đối ứng với các quốc gia khác, ngoại trừ Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Liu Jian, né tránh trả lời trực tiếp và thay vào đó gọi việc Mỹ áp thuế là “một hành động trắng trợn, đi ngược lại sự đồng thuận quốc tế và chống lại cả thế giới.”
Dù chính phủ Trung Quốc thể hiện lập trường kiên quyết, ngành xuất khẩu – điểm sáng hiếm hoi trong nền kinh tế trì trệ – đang chuẩn bị đối mặt với cú sốc.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo thuế quan từ Mỹ sẽ “gây sức ép đáng kể” lên nền kinh tế và thị trường lao động Trung Quốc, và đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 và 2026 xuống còn lần lượt 4,0% và 3,5%, từ mức dự báo trước đó là 4,5% và 4,0%.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Zaozhuang, tình Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP