Taiwan Semiconductor Manufacturing (TSMC), công ty sản xuất chip lớn nhất thế giới của Đài Loan, có thể phải chịu một khoản phạt từ 1 tỷ USD trở lên để dàn xếp một cuộc điều tra kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ liên quan đến một con chip mà hãng này sản xuất được tìm thấy trong bộ xử lý AI cao cấp của Huawei.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang điều tra hoạt động của nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới đối với Sophgo – một công ty thiết kế có trụ sở tại Trung Quốc, các nguồn tin cho biết. Con chip do TSMC sản xuất theo đơn đặt hàng của Sophgo được cho là trùng khớp với chip được tìm thấy trong bộ xử lý AI cao cấp Ascend 910B của Huawei, theo những nguồn tin yêu cầu giấu tên vì không được phép phát ngôn công khai về vấn đề này.
Huawei – một công ty với vai trò trung tâm trong tham vọng chip AI của Trung Quốc và từng bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt cũng như đánh cắp bí mật thương mại – hiện nằm trong danh sách đen thương mại của Hoa Kỳ, và bị hạn chế tiếp cận các sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ của Mỹ.
TSMC trong những năm gần đây đã sản xuất gần ba triệu con chip tương đồng với thiết kế mà Sophgo đặt hàng, và nhiều khả năng các chip này đã đến tay Huawei, theo Lennart Heim – một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách và An ninh Công nghệ của RAND ở Arlington, Virginia – người đang theo dõi các diễn biến liên quan đến AI của Trung Quốc.
Khoản phạt tiềm năng hơn 1 tỷ USD xuất phát từ các quy định kiểm soát xuất khẩu cho phép phạt tới gấp đôi giá trị của các giao dịch vi phạm, các nguồn tin cho biết.
Do thiết bị sản xuất chip của TSMC có sử dụng công nghệ của Mỹ, các nhà máy của công ty tại Đài Loan vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ – điều này cấmTSMC sản xuất chip cho Huawei hoặc sản xuất một số loại chip tiên tiến cho bất kỳ khách hàng nào ở Trung Quốc mà không có giấy phép từ Mỹ.
Heim cho rằng, dựa trên thiết kế dùng cho ứng dụng AI, TSMC lẽ ra không nên sản xuất con chip đó cho một công ty có trụ sở tại Trung Quốc, đặc biệt là khi có rủi ro nó bị chuyển giao cho một thực thể nằm trong danh sách hạn chế như Huawei.
Việc trừng phạt TSMC diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Đài Loan đang nhạy cảm, khi hai bên bắt đầu tái đàm phán mối quan hệ thương mại sau khi ông Trump tuần trước áp thuế 32% lên hàng nhập khẩu từ Đài Bắc. Mức thuế này không áp dụng cho chip, nhưng ông Trump tuyên bố chính quyền của ông đang xem xét áp thuế cả với chất bán dẫn.
Vào tháng 3, TSMC thông báo tại Nhà Trắng rằng họ có kế hoạch đầu tư thêm 100 tỷ USD vào Hoa Kỳ, bao gồm việc xây dựng thêm năm nhà máy chip trong những năm tới.
Reuters không thể xác định chính quyền ông Trump sẽ xử lý vụ việc với TSMC như thế nào hoặc khi nào sẽ có kết luận. Các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết họ có kế hoạch áp dụng các mức phạt cao hơn đối với những vi phạm xuất khẩu.
Một người phát ngôn của Bộ Thương mại Hoa Kỳ từ chối bình luận. Bà Nina Kao – người phát ngôn của TSMC – nói trong một tuyên bố rằng công ty cam kết tuân thủ pháp luật. Bà nói thêm rằng TSMC đã không cung cấp sản phẩm cho Huawei kể từ giữa tháng 9 năm 2020 và hiện đang hợp tác với Bộ Thương mại.
Hiện tại chưa có hành động công khai nào được đưa ra chống lại TSMC. Tuy nhiên, thông thường Bộ Thương mại sẽ gửi “thư cáo buộc sơ bộ” đến công ty bị nghi vi phạm. Bức thư này thường nêu rõ các ngày xảy ra vi phạm, giá trị các giao dịch và công thức tính mức phạt dân sự, đồng thời cho công ty 30 ngày để phản hồi.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Howard Lutnick phát biểu bên cạnh Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch kiêm CEO của TSMC – ông C.C. Wei, khi ông công bố khoản đầu tư từ Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) tại Phòng Roosevelt của Nhà Trắng ở Washington, D.C., Hoa Kỳ, ngày 3 tháng 3 năm 2025. Ảnh: Reuters