Một thỏa thuận nhằm bán tài sản của TikTok tại Mỹ đã bị hoãn lại sau khi Trung Quốc cho biết sẽ không phê duyệt thỏa thuận này sau tuyên bố áp thuế của Tổng thống Donald Trump.
Hôm thứ Sáu, ông Trump đã gia hạn thêm 75 ngày cho thời hạn yêu cầu công ty mẹ ByteDance bán tài sản TikTok tại Mỹ cho một bên không thuộc Trung Quốc, nếu không sẽ đối mặt với lệnh cấm vốn đã được lên kế hoạch có hiệu lực từ 19-1-2025 theo luật năm 2024.
Theo nguồn tin, cấu trúc của thỏa thuận về cơ bản đã được hoàn tất vào thứ Tư. Theo đó, hoạt động của TikTok tại Mỹ sẽ được tách thành một công ty mới có trụ sở tại Mỹ, do các nhà đầu tư Mỹ nắm giữ đa số cổ phần và điều hành. ByteDance sẽ chỉ còn nắm giữ chưa đến 20% cổ phần.
Nguồn tin cho biết thỏa thuận đã được phê duyệt bởi các nhà đầu tư hiện tại, nhà đầu tư mới, ByteDance và chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, ByteDance cho biết vào sáng sớm thứ Bảy rằng vẫn còn những bất đồng xoay quanh thỏa thuận.
“(Chúng tôi) vẫn đang đàm phán với chính phủ Mỹ, nhưng chưa đạt được thỏa thuận nào, và hai bên vẫn còn khác biệt trong nhiều vấn đề then chốt,” công ty viết trong tuyên bố đăng trên tài khoản chính thức trên nền tảng mạng xã hội WeChat của Trung Quốc.
“Theo quy định pháp luật Trung Quốc, bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải trải qua các thủ tục rà soát liên quan,” công ty nói thêm.
Khi được hỏi về tình trạng của thỏa thuận TikTok, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết trong một tuyên bố: “Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ quan điểm của mình về TikTok. Trung Quốc luôn tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, đồng thời phản đối các hành động vi phạm các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường.”
Associated Press là đơn vị đầu tiên đưa tin về việc Trung Quốc không đồng ý với thỏa thuận.
“Thỏa thuận này cần được hoàn thiện hơn để đảm bảo có đủ tất cả các phê duyệt cần thiết,” ông Trump viết trên mạng xã hội, giải thích lý do ông gia hạn thời hạn ban đầu đưa ra hồi tháng 1, vốn lẽ ra sẽ hết hạn vào thứ Bảy. “Chúng tôi hy vọng có thể tiếp tục làm việc thiện chí với Trung Quốc, dù tôi hiểu rằng họ không hài lòng lắm với mức thuế đáp trả của chúng tôi.”
Hiện tại, Trung Quốc đang đối mặt với mức thuế 54% đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ sau khi ông Trump tuyên bố tăng thuế thêm 34% trong tuần này, khiến Trung Quốc đáp trả vào ngày thứ Sáu. Ông Trump nói rằng ông sẵn sàng giảm thuế cho Trung Quốc nếu có thể đạt được thỏa thuận bán TikTok – ứng dụng hiện có 170 triệu người dùng Mỹ.
Ông Trump cho biết chính quyền của ông đang liên lạc với bốn nhóm khác nhau về một thỏa thuận tiềm năng liên quan đến TikTok, nhưng không nêu tên cụ thể.
Một rào cản lớn đối với bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến hoạt động TikTok tại Mỹ chính là sự phê duyệt của chính phủ Trung Quốc. Trung Quốc chưa từng công khai cam kết sẽ cho phép thương vụ diễn ra và phát biểu của ông Trump cho thấy có sự phản đối mới từ phía Bắc Kinh.
“Chúng tôi mong muốn được hợp tác với TikTok và Trung Quốc để hoàn tất thỏa thuận,” ông Trump viết hôm thứ Sáu.
“Chúng tôi không muốn TikTok ‘biến mất’,” ông Trump nói thêm.
Quốc hội đã thông qua đạo luật về TikTok vào năm ngoái với sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả hai đảng, khi các nhà lập pháp lo ngại chính phủ Trung Quốc có thể lợi dụng TikTok để do thám người Mỹ và thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng ngầm. Khi đó, Tổng thống Dân chủ Joe Biden đã ký ban hành luật.
Một số nhà lập pháp cho rằng ông Trump buộc phải thực thi luật, vốn yêu cầu TikTok ngừng hoạt động tại Mỹ trước ngày 19 tháng 1 nếu ByteDance chưa hoàn tất việc thoái vốn. Ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai vào ngày 20-1 và đã chọn không thi hành luật này.
Bộ Tư pháp Mỹ vào tháng 1 đã thông báo cho Apple và Google rằng họ sẽ không thực thi đạo luật, điều này khiến hai công ty khôi phục ứng dụng để người dùng mới có thể tải về.
Lệnh mới của ông Trump sẽ đặt ra hạn chót vào giữa tháng 6 cho một thỏa thuận.
Các cuộc đàm phán do Nhà Trắng dẫn dắt về tương lai của TikTok đang tập trung vào một kế hoạch cho phép các nhà đầu tư không thuộc Trung Quốc trong công ty mẹ ByteDance tăng cổ phần và mua lại hoạt động của ứng dụng tại Mỹ.
Kế hoạch này bao gồm việc tách TikTok thành một pháp nhân mới tại Mỹ và giảm tỷ lệ sở hữu của Trung Quốc xuống dưới ngưỡng 20% theo quy định của pháp luật Mỹ, qua đó giúp ứng dụng tránh khỏi lệnh cấm đang cận kề.
Susquehanna International Group của Jeff Yass và General Atlantic của Bill Ford – hai tổ chức đều có đại diện trong hội đồng quản trị của ByteDance – đang dẫn đầu các cuộc đàm phán với Nhà Trắng.
Walmart phủ nhận thông tin từ ABC News rằng họ đang cân nhắc tham gia cùng nhóm các nhà đầu tư trong thỏa thuận TikTok.
Một phụ nữ quay video bằng điện thoại di động để đăng lên TikTok khi đang đứng tại quảng trường Times Square ở thành phố New York, Mỹ, ngày 13 tháng 3 năm 2024. Ảnh: Reuters