Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm thứ Năm đã chỉ trích gay gắt các mức thuế quan mới của Mỹ, gọi đó là “sai lầm cơ bản”, trong bối cảnh Berlin cảnh báo rằng Liên minh châu Âu có thể đáp trả bằng cách nhắm vào các tập đoàn công nghệ Mỹ.
“Đây là một đòn tấn công vào trật tự thương mại đã tạo ra sự thịnh vượng trên khắp thế giới, một trật tự thương mại vốn là kết quả từ những nỗ lực của chính nước Mỹ,” Scholz tuyên bố, chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế áp dụng cả với đồng minh lẫn đối thủ.
Lặp lại quan điểm của lãnh đạo EU, Scholz nói “chúng tôi sẵn sàng đàm phán với chính phủ Mỹ” để tìm ra giải pháp, nhưng nhấn mạnh rằng châu Âu sẽ “đáp trả một cách quyết liệt, mạnh mẽ và phù hợp” nếu các cuộc thương lượng thất bại.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck gợi ý rằng khối EU có thể nhắm vào các Big Tech, tức các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ, bằng việc đánh thuế họ, khẳng định “mọi phương án đều được đặt lên bàn” khi EU cân nhắc phản ứng của mình.
“Các công ty công nghệ lớn đang thống trị thị trường châu Âu một cách đáng kể và phần lớn được miễn trừ khỏi các loại thuế của châu Âu,” ông nói tại một cuộc họp báo.
Pháp trước đó cho biết EU có kế hoạch “tấn công các dịch vụ trực tuyến” để đáp trả thuế quan của Mỹ.
Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu – có thể chịu ảnh hưởng nặng nề từ các mức thuế mới, vì Mỹ là điểm đến xuất khẩu hàng đầu của nước này, với khối lượng lớn hàng hóa được chuyển sang nền kinh tế số một thế giới, từ ô tô cho đến hóa chất.
Ông Habeck cảnh báo rằng “cơn sốt thuế quan của Mỹ” có thể “kéo các quốc gia vào suy thoái và gây thiệt hại nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, với hậu quả tồi tệ cho rất nhiều người.”
“Đối với người tiêu dùng Mỹ, ngày hôm đó sẽ không phải là ‘Ngày Giải phóng’ mà là ‘Ngày Lạm phát,’” ông nói, ám chỉ cụm từ mà ông Trump sử dụng để mô tả các mức thuế mới.
Các hiệp hội doanh nghiệp hàng đầu của Đức cũng đồng loạt lên án các mức thuế, được áp dụng bổ sung lên các loại thuế khác đã được Mỹ công bố trước đó.
“Các mức thuế này là một cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ vào hệ thống thương mại thế giới, vào thương mại tự do và các chuỗi cung ứng toàn cầu,” Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) nhận định.
“Lập luận để biện minh cho sự leo thang bảo hộ này là không thể hiểu được,” ông Wolfgang Niedermark, thành viên hội đồng điều hành của BDI, nói thêm.
“Nó đe dọa các công ty xuất khẩu của chúng tôi và gây nguy hiểm cho sự thịnh vượng, ổn định, việc làm, đổi mới và đầu tư trên toàn cầu.”
Mức thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu của Mỹ cũng đã có hiệu lực vào thứ Năm, giáng đòn mạnh vào các hãng xe hàng đầu của Đức như Volkswagen, Mercedes và BMW – những thương hiệu mà Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ chốt.
Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Đức (VDA) kêu gọi EU phản ứng với các mức thuế bằng “sức mạnh cần thiết, đồng thời tiếp tục thể hiện thiện chí đàm phán.”
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã chỉ trích gay gắt các mức thuế quan mới của Mỹ, gọi đó là “sai lầm cơ bản”. Ảnh: AFP