Các quốc gia Đông Nam Á, bị áp một số mức thuế cao nhất từ Tổng thống Donald Trump, đang tìm kiếm đối thoại với phía Mỹ để hạ mức thuế và giảm thiểu thiệt hại, trước khi các mức thuế này chính thức có hiệu lực từ 9-4.
Trump hôm 2-4 đã công bố các mức thuế quan mới trên phạm vi toàn cầu. Theo đó, từ ngày 5-4, tất cả hàng hóa từ mọi quốc gia vào Mỹ sẽ phải chịu mức thuế cơ sở là 10%, bất kể các quốc gia đó có áp thuế hàng nhập khẩu từ Mỹ hay không. Trong khi đó, khoảng 60 trong số 90 quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ đều chịu các mức thuế khắc nghiệt cao ngất ngưởng mà Trump gọi là thuế đối ứng, sẽ có hiệu lực từ ngày 9-4. Khoảng thời gian một tuần từ khi công bố mức thuế đến khi áp dụng là để các nước có liên quan tiến hành thương lượng với Mỹ.
Những mức thuế ngất ngưởng
“Đây là một trong những ngày quan trọng nhất, theo ý tôi, trong lịch sử Mỹ,” Trump nói vào hôm thứ Tư tại Vườn Hồng Nhà Trắng khi công bố mức thuế đối ứng. “Đây là tuyên ngôn về sự độc lập kinh tế của chúng ta.” Ông đã ca ngợi khoảnh khắc này là “Ngày Giải phóng”, nhưng các mức thuế này có thể sẽ gặp phải những cuộc phản đối mạnh mẽ từ một số nền kinh tế yếu nhất trên thế giới.
Điểm đáng lưu ý là hoàn toàn không có cơ sở khoa học hay thực tế nào để Mỹ tính toán và đưa ra các mức thuế, đặc biêt là đối với các quốc gia khu vực Đông Nam Á, nơi sẽ phải đối mặt với mức thuế khắc nghiệt nhất.
Campuchia, một nền kinh tế đang phát triển với 17,8% dân số sống dưới mức nghèo đói, là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực với mức thuế 49%. Hơn một nửa các nhà máy của quốc gia này được cho là thuộc sở hữu của Trung Quốc, với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là may mặc và giày dép.
Quốc gia tiếp theo bị ảnh hưởng nặng nề là Lào, một quốc gia không có biển ở Đông Nam Á, với mức thuế 48%. Theo ADB, Lào có tỷ lệ nghèo đói là 18,3%.
Không xa phía sau là Việt Nam với 46% và Myanmar, một quốc gia đang gồng mình sau trận động đất tàn khốc vào ngày thứ Sáu và nhiều năm nội chiến sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021, với mức thuế 44%.
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, phải đối mặt với mức thuế 32%, trong khi Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ hai, bị áp mức thuế 36% (sau đó được Nhà Trắng xác nhận lại là 37% căn cứ trên một phụ lục). Riêng Singapore chỉ phải đối mặt với mức thuế cơ sở là 10%.
Vấn đề là các mức thuế này hoàn toàn không mang tính chất “đối ứng”.
Theo báo cáo mới nhất của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, mức thuế nhập khẩu trung bình của Việt Nam là 9,4%; trong khi đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Mỹ sang Việt Nam thường chịu mức thuế 15% trở xuống. Vì vậy, trên thực tế, tỷ lệ đánh thuế đối với hàng hóa Mỹ thấp hơn rất nhiều so với các con số 90% hay 46% đang được đề cập, Bộ Tài chính Việt Nam cho biết.
Theo Bangkok Post, Thái Lan nằm trong danh sách “Dirty 15” cho dù lâu nay Mỹ chỉ áp thuế trung bình là 2% đối với hàng nhập khẩu từ Thái Lan, trong khi Thái Lan áp thuế trung bình 8% đối với hàng hóa Mỹ.
Thậm chí, mức thuế cơ sở 10% đối với Singapore, dù rất nhẹ so với các nước lân cận, cũng được xem là hoàn toàn vô căn cứ, vì Singapore và Mỹ có Hiệp định Thương mại Tự do (USSFTA), và lâu nay, thuế quan giữa hai nước bằng 0%. Hơn nữa, trong thương mại song phương, Mỹ đang hưởng thặng dư khá lớn với quốc đảo này.
Hy vọng vào đàm phán
Hiện tại, chưa có quốc gia Đông Nam Á nào tuyên bố sẽ áp thuế trả đũa, mà hầu hết đang tìm cách thương lượng với chính quyền Trump.
Việt Nam, nước bị áp mức thuế lên tới 46%, đã kêu gọi đối thoại với Washington nhằm xem xét lại mức thuế “thiếu công bằng” từ Mỹ, trong khi Thủ tướng Thái Lan cho biết sẽ theo đuổi đàm phán để tìm cách giảm mức thuế 37% mà nước này đang phải đối mặt – cao hơn rất nhiều so với mức 11% mà họ từng dự đoán.
Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 4-4 đã điện đám với Tổng thống Donald Trump, và cho biết sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% với hàng nhập từ Mỹ và đề nghị phía mỹ áp dụng mức thuế tương tự với hàng nhập từ Việt Nam.
Việt Nam cũng dự kiến cử một phái đoàn khác do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn đầu sang Mỹ trong tuần này.
Bộ trưởng Công Thương Việt Nam – ông Nguyễn Hồng Diên – hôm thứ Năm đã gửi công hàm ngoại giao tới Hoa Kỳ và cho biết đang tìm cách đối thoại với Đại diện Thương mại Mỹ nhằm xem xét lại quyết định mà ông cho là thiếu công bằng. Bộ Công Thương Việt Nam đã đề nghị chính quyền Tổng thống Trump tạm hoãn kế hoạch áp thuế 46% lên các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam và tiến hành đàm phán thêm.
Thông báo dẫn lời ông Tạ Hoàng Linh, Cục trưởng Cục Thị trường nước ngoài, cho biết vẫn còn “dư địa để trao đổi và đàm phán.” Ông Linh nói rằng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu cạnh tranh với hàng hóa từ các nước khác chứ không phải với sản phẩm của Mỹ.
Tại Thái Lan, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra nói: “Chúng ta phải đàm phán và đi vào chi tiết. Chúng ta không thể để tình hình dẫn đến việc hụt mục tiêu GDP.”
“Chúng tôi đã có kế hoạch rõ ràng,” bà Paetongtarn nói với các phóng viên. “Chúng tôi đã chuẩn bị nhiều bước, bao gồm cả việc cử tổng thư ký thường trực sang đàm phán với họ… Tôi nghĩ chúng tôi vẫn có thể thương lượng được.”
Bộ trưởng Thương mại Thái Lan – ông Pichai Naripthaphan – cho biết chính phủ nước này đã chuẩn bị cho việc đàm phán và kỳ vọng kết quả sẽ tích cực, dẫn chứng mối quan hệ tốt đẹp giữa Thái Lan và Mỹ.
Malaysia, quốc gia bị áp mức thuế 24%, tuyên bố sẽ không theo đuổi các biện pháp trả đũa và cho biết Bộ Thương mại nước này sẽ chủ động tiếp xúc với giới chức Mỹ “để tìm kiếm giải pháp duy trì tinh thần của thương mại tự do và công bằng.”
Trong khi đó, Singapore bày tỏ thất vọng vì bị áp thuế 10%, và cho biết sẽ tìm cách đàm phán với Mỹ. Bộ trưởng Thương mại Singapore cho biết nước này cảm thấy thất vọng khi Mỹ áp thuế 10% lên hàng xuất khẩu của Singapore, dù hai nước đã có hiệp định thương mại tự do và Singapore đang nhập siêu từ Mỹ.
Singapore có thể thực hiện các biện pháp đối phó theo hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực từ năm 2004, nhưng đã chọn không làm vậy, Bộ trưởng Thương mại Gan Kim Yong phát biểu trong cuộc họp báo hôm thứ Năm.
“Việc đáp trả bằng thuế nhập khẩu chỉ khiến chi phí hàng hóa nhập khẩu của chúng ta tăng thêm,” ông nói, đồng thời cho biết Singapore sẽ cố gắng trao đổi với Mỹ để hiểu rõ những mối quan ngại của Tổng thống Donald Trump và xem liệu có thể giải quyết được hay không.
Theo trang web của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, Mỹ đã có thặng dư thương mại hàng hóa với Singapore trị giá 2,8 tỷ USD trong năm ngoái, trong khi Singapore cho biết dữ liệu của họ cho thấy Mỹ đã đạt mức thặng dư thương mại “đáng kể” lên đến 30 tỷ USD với nước này trong năm 2024.
Campuchia phải đối mặt với mức thuế 49%, đe dọa trực tiếp ngành may mặc và giày dép, đồng thời phá tan kỳ vọng về việc thu hút dòng vốn đầu tư chuyển dịch khỏi các nước khác trong khu vực.
Đây là “một tình huống cực kỳ nghiêm trọng đối với nền kinh tế,” một chuyên gia tư vấn đầu tư tại Campuchia cho biết.
“Campuchia không có gì để đưa ra như một công cụ đàm phán, và sẽ bị xếp ở cuối một hàng dài chờ đợi,” ông nói thêm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm bản Báo cáo Ước tính Thương mại Quốc gia 2025 khi ông phát biểu trong sự kiện công bố thương mại “Làm Nước Mỹ Giàu Lại” tại Vườn Hồng Nhà Trắng vào ngày 2 tháng 4 năm 2025 tại Washington D.C. Ảnh: Getty Images