Trung Quốc đã phóng vệ tinh bí mật mới TJS-16 vào thứ Bảy bằng tên lửa Trường Chinh 7A, tiếp tục chuỗi nhiệm vụ thử nghiệm ít được công bố.
Tên lửa Trường Chinh 7A cất cánh lúc 12:05 trưa giờ miền Đông ngày 29-3 từ Trung tâm Phóng vệ tinh Wenchang, Đảo Hải Nam. Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) thông báo vụ phóng thành công khoảng một giờ sau đó, tiết lộ rằng tải trọng là vệ tinh thử nghiệm công nghệ thông tin liên lạc-16, hay còn gọi là Tongxin Jishu Shiyan-16 (TJS-16).
CASC mô tả TJS-16 chủ yếu được sử dụng để kiểm chứng công nghệ thông tin liên lạc vệ tinh đa băng tần và tốc độ cao. Tập đoàn này không công bố hình ảnh hay chi tiết kỹ thuật nào về vệ tinh. Vệ tinh này do Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ Thượng Hải (SAST), một nhánh quan trọng của CASC, phát triển. SAST cũng chỉ lặp lại mô tả ngắn gọn về TJS-16 và đính kèm phù hiệu nhiệm vụ trong thông báo của mình.
Dòng vệ tinh TJS chủ yếu hoạt động trên quỹ đạo địa tĩnh (GEO). Các nhà phân tích phương Tây nhận định rằng chúng có thể thực hiện các nhiệm vụ bí mật như tình báo tín hiệu, cảnh báo sớm và giám sát vệ tinh nhằm hỗ trợ Quân đội Trung Quốc. Hiện tại, Trung Quốc có 15 vệ tinh chính thuộc dòng TJS trên quỹ đạo.
Vật thể đồng hành bí ẩn của TJS-15
Vụ phóng TJS-16 diễn ra sau vụ phóng TJS-15 vào ngày 9-3 từ Wenchang, tây nam Trung Quốc, bằng tên lửa Trường Chinh 3B. Nhiệm vụ này cũng chỉ đưa ra một mô tả ngắn gọn về mục đích hoạt động của vệ tinh.
TJS-15 hiện đang hoạt động trong vành đai địa tĩnh. Lực lượng Không gian Hoa Kỳ đã ghi nhận một vật thể AKM (động cơ đẩy apogee) liên quan đến vụ phóng, là động cơ thường được sử dụng để cung cấp xung lực cuối cùng đưa vệ tinh vào quỹ đạo GEO. Tuy nhiên, vật thể này hiện đang ở quỹ đạo cao hơn vành đai GEO vài trăm km.
Vụ phóng hôm thứ Bảy là lần phóng thứ chín của Trường Chinh 7A. Biến thể 7A là phiên bản ba tầng của Trường Chinh 7, loại tên lửa thường được sử dụng để phóng các sứ mệnh hàng tiếp tế lên trạm vũ trụ Thiên Cung trên quỹ đạo thấp của Trái Đất.
Tên lửa Trường Chinh 7A mang theo vệ tinh bí mật TJS-16 cất cánh lên quỹ đạo ngày 29-3-2025. Ảnh: Ourspace