Tập đoàn Airbus Defence and Space sẽ chế tạo bệ đáp cho xe thám hiểm tự hành ExoMars của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), thay thế một thành phần quan trọng ban đầu do Nga cung cấp.
Airbus thông báo vào tối ngày 28-3 (giờ miền Đông Mỹ) rằng công ty đã được ESA và Thales Alenia Space, nhà thầu chính của sứ mệnh, lựa chọn để chế tạo bệ đáp cho xe thám hiểm tự hành dự kiến phóng vào năm 2028.
Bệ đáp là bộ phận của tàu vũ trụ ExoMars để thực hiện các giai đoạn cuối cùng trong quá trình hạ cánh xuống bề mặt Sao Hỏa vào năm 2030, bao gồm việc đốt động cơ để hạ cánh chính xác. Sau khi đáp xuống, bệ này sẽ triển khai các đoạn dốc để xe thám hiểm tự hành ExoMars, có tên Rosalind Franklin, có thể di chuyển xuống bề mặt hành tinh.
Airbus không tiết lộ giá trị hợp đồng, nhưng chính phủ Anh cho biết hợp đồng này trị giá 150 triệu bảng Anh (194 triệu USD). Trước đó, ESA đã trao hợp đồng trị giá 522 triệu euro (565 triệu USD) cho Thales Alenia Space vào tháng 4 năm 2024 để tái khởi động sứ mệnh, sau khi dự án bị tạm dừng vào tháng 3 năm 2022, chỉ vài tuần sau khi Nga tấn công Ukraine. Nga ban đầu dự kiến cung cấp bệ đáp và phóng sứ mệnh này bằng tên lửa Proton.
“Đưa xe thám hiểm tự hành Rosalind Franklin lên bề mặt Sao Hỏa là một thách thức quốc tế lớn và là thành quả của hơn 20 năm làm việc,” Kata Escott, giám đốc điều hành Airbus Defence and Space U.K., cho biết trong tuyên bố về hợp đồng. Airbus sẽ chế tạo bệ đáp tại cơ sở của họ ở Stevenage, Anh, nơi trước đó cũng đã lắp ráp xe thám hiểm Rosalind Franklin.
“Chúng tôi tự hào đã chế tạo xe thám hiểm trong phòng sạch hiện đại tại Stevenage và rất vui mừng khi tiếp tục phát triển dự án để đảm bảo nó được đưa đến Sao Hỏa an toàn,” bà nói.
ExoMars cũng sẽ có sự đóng góp từ NASA. Theo một thỏa thuận được hoàn tất vào tháng 5 năm 2024, NASA sẽ cung cấp các động cơ phanh có thể điều chỉnh lực đẩy cho bệ đáp, cũng như các bộ sưởi đồng vị phóng xạ (RHU), trong đó chứa một lượng nhỏ plutonium-238 có khả năng phân rã để tạo nhiệt, giúp giữ ấm cho xe thám hiểm.
Do sử dụng bộ sưởi đồng vị phóng xạ, sứ mệnh ExoMars sẽ phải được phóng từ Hoa Kỳ, và NASA sẽ đảm nhận việc tìm kiếm phương tiện phóng sau đó.
Sau khi hạ cánh xuống Sao Hỏa, các thiết bị trên xe thám hiểm Rosalind Franklin sẽ tìm kiếm bằng chứng về sự sống trong quá khứ và hiện tại trên hành tinh này. Xe thám hiểm được trang bị một mũi khoan có khả năng đào sâu tới hai mét dưới bề mặt.
“Đây là một nghiên cứu mang tính quyết định đối với nhân loại và là cơ hội tốt nhất để tìm hiểu xem liệu sự sống từng tồn tại trên Sao Hỏa hay không,” Paul Bate, giám đốc điều hành Cơ quan Vũ trụ Anh, nhận xét về hợp đồng của Airbus.
Airbus Defence and Space sẽ chế tạo bệ đáp để đưa xe thám hiểm tự hành ExoMars xuống bề mặt Sao Hỏa. Ảnh: Airbus