Đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất đối với an ninh phương Tây kể từ sau Thế chiến thứ Hai, và nó sẽ còn kéo dài. Như một chuyên gia nhận định: “Chủ nghĩa Trump sẽ tồn tại lâu hơn nhiệm kỳ tổng thống của ông ấy (outlast his presidency).” Nhưng những quốc gia nào có đủ khả năng vươn lên khi Mỹ đứng sang một bên?
Vào lúc 9 giờ sáng một ngày tháng Hai năm 1947, Đại sứ Anh tại Washington, Lord Inverchapel, bước vào Bộ Ngoại giao Mỹ để trao cho Ngoại trưởng George Marshall hai bức điện ngoại giao, được in trên giấy xanh để nhấn mạnh tầm quan trọng của chúng: một về Hy Lạp, một về Thổ Nhĩ Kỳ.
Mệt mỏi, khánh kiệt và ngập trong nợ với Mỹ, Anh thông báo rằng họ không còn có thể tiếp tục hỗ trợ lực lượng chính phủ Hy Lạp trong cuộc chiến chống lại quân nổi dậy có vũ trang. Trước đó, Anh đã công bố kế hoạch rút khỏi Palestine và Ấn Độ, đồng thời thu hẹp hiện diện tại Ai Cập.
Mỹ ngay lập tức nhận ra nguy cơ thực sự: nếu Hy Lạp thất thủ, nước này có thể rơi vào vòng kiểm soát của Liên Xô. Và nếu Hy Lạp sụp đổ, Mỹ lo sợ rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là mục tiêu tiếp theo, cho phép Moscow kiểm soát toàn bộ khu vực Đông Địa Trung Hải, bao gồm cả kênh đào Suez – một tuyến thương mại toàn cầu quan trọng.
Gần như ngay lập tức, Mỹ đã lấp vào khoảng trống mà Anh để lại.
“Từ nay, chính sách của Hoa Kỳ phải là hỗ trợ các dân tộc tự do đang chống lại sự tấn công của các lực lượng thiểu số có vũ trang hoặc áp lực từ bên ngoài,” Tổng thống Harry Truman tuyên bố.
Đó là khởi đầu của cái gọi là Học thuyết Truman. Cốt lõi của nó là quan điểm rằng việc bảo vệ nền dân chủ ở nước ngoài là điều thiết yếu đối với lợi ích quốc gia của Mỹ.
Tiếp theo đó là hai sáng kiến lớn của Mỹ: Kế hoạch Marshall – một gói hỗ trợ khổng lồ nhằm tái thiết các nền kinh tế châu Âu bị tàn phá, và sự ra đời của NATO vào năm 1949, với mục tiêu bảo vệ các nền dân chủ trước Liên Xô, vốn đã mở rộng quyền kiểm soát sang khu vực Đông Âu.
Dễ dàng nhìn nhận đây là thời điểm vai trò lãnh đạo thế giới phương Tây chuyển từ Anh sang Mỹ. Nhưng chính xác hơn, đây là khoảnh khắc hé lộ rằng điều đó đã xảy ra từ trước.
Mỹ, vốn có truyền thống theo chủ nghĩa biệt lập và được hai đại dương rộng lớn bảo vệ, đã bước ra khỏi Thế chiến thứ Hai với tư cách là người dẫn dắt thế giới tự do. Khi Mỹ mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, nước này đã dành nhiều thập kỷ hậu chiến để tái định hình thế giới theo hình mẫu của chính mình.
Thế hệ bùng nổ dân số (baby boomer) lớn lên trong một thế giới ngày càng mang dáng dấp của Mỹ hơn bao giờ hết, từ văn hóa, kinh tế đến quân sự. Mỹ trở thành bá chủ của phương Tây.
Tuy nhiên, những giả định nền tảng cho tham vọng địa chiến lược của Mỹ giờ đây dường như đang thay đổi.
Donald Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ Hai đặt câu hỏi về vai trò mà đất nước ông đã tự gán cho mình nhiều thập kỷ trước. Và ông đang làm điều đó theo cách khiến nhiều người tin rằng trật tự thế giới cũ đã kết thúc – trong khi trật tự mới vẫn chưa định hình (yet to take shape).
Câu hỏi đặt ra là: quốc gia nào sẽ bước lên thay thế? Và với an ninh châu Âu đang chịu sức ép lớn nhất trong gần như cả một thế hệ, liệu các nhà lãnh đạo của lục địa này, những người đang chật vật tìm lối thoát, có thể đưa ra một phản ứng đủ mạnh mẽ hay không?
Một thách thức đối với di sản Truman
Tổng thống Trump đã chỉ trích trật tự quốc tế sau năm 1945 từ nhiều thập kỷ trước. Gần 40 năm trước, ông đã đăng quảng cáo toàn trang trên ba tờ báo Mỹ để phản đối cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các nền dân chủ trên thế giới.
“Nhiều thập kỷ qua, Nhật Bản và các quốc gia khác đã lợi dụng Hoa Kỳ,” ông viết vào năm 1987. “Tại sao những quốc gia này không trả tiền cho Hoa Kỳ vì những sinh mạng con người và hàng tỷ đô la mà chúng ta đã mất để bảo vệ lợi ích của họ?
“Thế giới đang cười nhạo các chính trị gia Mỹ khi chúng ta bảo vệ những con tàu mà chúng ta không sở hữu, chở dầu mà chúng ta không cần, đến tay những đồng minh sẽ không giúp đỡ chúng ta.”
Đây là quan điểm mà ông tiếp tục lặp lại kể từ khi nhậm chức lần thứ hai.
Sự tức giận của một số quan chức trong chính quyền Trump đối với điều họ cho là sự phụ thuộc của châu Âu vào Mỹ dường như đã được thể hiện qua các tin nhắn rò rỉ liên quan đến các cuộc không kích nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen trong tuần này.
Trong các tin nhắn, một tài khoản có tên Phó Tổng thống JD Vance viết rằng các nước châu Âu có thể hưởng lợi từ các cuộc không kích. Tin nhắn có đoạn: “Tôi chỉ ghét phải giải cứu châu Âu một lần nữa.”
Ba phút sau, một tài khoản được xác định là Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth trả lời: “VP: Tôi hoàn toàn chia sẻ sự ghê tởm của ông đối với việc châu Âu ăn bám (free loading). Thật là THẢM HẠI.”
Lập trường của Trump dường như không chỉ dừng lại ở việc chỉ trích những quốc gia mà ông cho rằng đang lợi dụng lòng hào phóng của Mỹ. Ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, ông đã thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, tuyên bố rằng Ukraine sẽ không được kết nạp vào NATO và không nên mong đợi sẽ giành lại các vùng lãnh thổ đã mất vào tay Nga.
Nhiều người coi đây là việc từ bỏ hai con bài mặc cả quan trọng ngay cả trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu. Dường như Trump đã không yêu cầu Nga nhượng bộ bất cứ điều gì để đổi lại.
Mặt khác, một số người ủng hộ Trump coi Putin là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, đại diện cho nhiều giá trị bảo thủ mà họ chia sẻ.
Đối với một số người, Putin là đồng minh trong “cuộc chiến chống lại phe thiên tả (war on woke)”.
Chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay, ít nhất một phần, bị chi phối bởi những mệnh lệnh xuất phát từ các cuộc chiến văn hóa trong nước. An ninh của châu Âu đã trở thành một phần trong cuộc đối đầu giữa hai phe có quan điểm đối lập về ý nghĩa của nước Mỹ.
Một số người cho rằng sự chia rẽ này không chỉ đơn thuần là về Trump, và châu Âu không thể chỉ ngồi yên chờ đợi nhiệm kỳ của ông kết thúc.
“Mỹ đang ngày càng tách rời khỏi các giá trị của châu Âu (divorced from European values),” Ed Arnold, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh (RUSI) ở London, nhận định. “Đây là điều khó chấp nhận đối với châu Âu, bởi vì nó cho thấy đây là một vấn đề mang tính cấu trúc, văn hóa và có khả năng kéo dài.”
“Tôi nghĩ rằng xu hướng hiện tại của Mỹ sẽ tồn tại lâu hơn Trump với tư cách cá nhân. Tôi nghĩ rằng chủ nghĩa Trump sẽ tồn tại lâu hơn nhiệm kỳ của ông ấy.”
Điều 5 của NATO ‘đang hấp hối’ (on life support)
Nhà Trắng dưới thời Trump đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ không còn là bên bảo đảm an ninh chính cho châu Âu và rằng các quốc gia châu Âu nên tự chịu trách nhiệm về quốc phòng của mình và chi trả cho điều đó.
“Nếu [các nước NATO] không trả tiền, tôi sẽ không bảo vệ họ. Không, tôi sẽ không bảo vệ họ,” Tổng thống nói vào đầu tháng này.
Trong gần 80 năm qua, nền tảng của an ninh châu Âu dựa vào Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, quy định rằng một cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên được xem là một cuộc tấn công vào tất cả.
Tại Phố Downing tháng trước, ngay trước chuyến thăm Nhà Trắng, Thủ tướng Sir Keir Starmer nói với BBC trong một cuộc phỏng vấn rằng ông tin tưởng Mỹ vẫn là thành viên dẫn đầu của NATO và rằng Trump vẫn cam kết với Điều 5.
Nhưng không phải ai cũng chắc chắn như vậy.
Ben Wallace, cựu Bộ trưởng Quốc phòng của chính phủ Bảo thủ trước đây, nói với BBC vào đầu tháng này: “Tôi nghĩ Điều 5 đang hấp hối.
“Nếu châu Âu, bao gồm cả Vương quốc Anh, không đứng lên, đầu tư mạnh mẽ vào quốc phòng và xem đó là vấn đề nghiêm túc, thì NATO mà chúng ta biết có thể sẽ chấm dứt, và Điều 5 cũng sẽ không còn nữa. Ngay lúc này, tôi sẽ không đặt cược cả căn nhà của mình vào việc Điều 5 sẽ được kích hoạt nếu Nga tấn công… Và tôi chắc chắn sẽ không coi đó là điều hiển nhiên rằng Mỹ sẽ lao vào giải cứu,” ông Wallace nói.
Theo một cuộc khảo sát của công ty Pháp Institut Elabe, gần ba phần tư người dân Pháp hiện cho rằng Mỹ không còn là đồng minh của Pháp. Đa số người dân Anh và một tỷ lệ rất lớn người Đan Mạch, vốn là những nước ủng hộ Mỹ truyền thống, cũng có cái nhìn không thiện cảm về Mỹ.
“Những tổn hại mà Trump gây ra cho NATO có lẽ là không thể cứu vãn,” Robert Kagan, một nhà bình luận bảo thủ, tác giả và thành viên cấp cao tại Viện Brookings ở Washington DC, nhận định. Ông là người lâu nay vẫn chỉ trích Trump.
“Liên minh này vốn phụ thuộc vào sự bảo đảm của Mỹ, nhưng giờ sự bảo đảm đó không còn đáng tin cậy nữa, ít nhất là vậy.”
Tuy nhiên, Trump không phải tổng thống Mỹ đầu tiên yêu cầu châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng. Năm 2016, Barack Obama cũng đã kêu gọi các đồng minh NATO làm điều tương tự, nói rằng: “Châu Âu đôi khi tự mãn về chính nền quốc phòng của mình.”
Liệu ‘sự phân rã của phương Tây’ đã bắt đầu?
Tất cả những điều này là tin vui đối với Putin. “Toàn bộ hệ thống an ninh Euro-Đại Tây Dương đang sụp đổ ngay trước mắt chúng ta,” ông tuyên bố năm ngoái. “Châu Âu đang bị gạt ra ngoài lề trong quá trình phát triển kinh tế toàn cầu, chìm trong hỗn loạn với các thách thức như di cư, và đánh mất vai trò cũng như bản sắc văn hóa quốc tế.”
Đầu tháng Ba, ba ngày sau cuộc gặp thất bại giữa Volodymyr Zelensky với Trump và Vance tại Nhà Trắng, một phát ngôn viên Điện Kremlin tuyên bố: “Sự phân rã của phương Tây đã bắt đầu.”
“Hãy nhìn vào các mục tiêu của Nga ở châu Âu,” Armida van Rij, trưởng nhóm nghiên cứu về châu Âu tại Chatham House, nói. “Mục tiêu của họ là gây bất ổn cho châu Âu. Là làm suy yếu NATO. Là khiến Mỹ rút quân khỏi khu vực này.
“Và vào lúc này, có thể đánh dấu tích vào cả ba mục tiêu đó. Bởi vì châu Âu đang bất ổn. NATO đang suy yếu. Mỹ chưa rút quân khỏi châu Âu, nhưng trong vài tháng tới, ai biết chuyện gì sẽ xảy ra?”
‘Chúng ta đã quên bài học từ lịch sử’
Một trong những thách thức lớn mà châu Âu phải đối mặt lúc này là làm thế nào để tự trang bị quốc phòng một cách đầy đủ. Tám mươi năm dựa vào sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ đã khiến nhiều nền dân chủ châu Âu trở nên dễ tổn thương.
Chẳng hạn, Anh đã cắt giảm chi tiêu quân sự gần 70% kể từ thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh. (Vào cuối Chiến tranh Lạnh, đầu những năm 1990, châu Âu đã tận dụng lợi ích từ hòa bình và bắt đầu một quá trình cắt giảm ngân sách quốc phòng kéo dài hàng thập kỷ.)
“Chúng ta từng có ngân sách lớn [trong Chiến tranh Lạnh] và chúng ta đã hưởng lợi từ hòa bình,” Wallace nói. “Có thể lập luận rằng điều đó là hợp lý.
“Vấn đề là chúng ta đã đi từ việc tận dụng hòa bình sang cắt giảm ngân sách một cách thái quá. Quốc phòng trở thành lĩnh vực dễ bị cắt giảm nhất. Và đó là lúc chúng ta quên đi bài học lịch sử.”
Tháng trước, Thủ tướng Anh nói trước Quốc hội rằng nước này sẽ tăng chi tiêu quốc phòng từ 2,3% GDP lên 2,5% vào năm 2027. Nhưng liệu như vậy có đủ không?
“Chỉ giữ nguyên mức hiện tại thôi là chưa đủ,” Wallace lập luận. “Điều đó sẽ không thể giúp chúng ta trở nên linh hoạt hơn, cũng như lấp đầy những khoảng trống nếu Mỹ rời đi.”
Bên cạnh đó là vấn đề lớn hơn về tuyển quân. “Phương Tây đang rơi vào khủng hoảng tuyển dụng quân đội, không chỉ riêng Anh,” Wallace nói.
“Hiện tại, giới trẻ không tham gia quân đội. Và đó là một vấn đề.”
Nhưng Thủ tướng Đức sắp nhậm chức, Friedrich Merz, tuyên bố rằng châu Âu phải độc lập khỏi Mỹ. Việc “châu Âu hóa” NATO sẽ đòi hỏi phải xây dựng một nền công nghiệp quân sự bản địa đủ mạnh để cung cấp các năng lực mà hiện tại chỉ có Mỹ sở hữu.
Nhiều người cũng cho rằng châu Âu cần tự chủ hơn về mặt quân sự – nhưng một số lo ngại rằng không phải tất cả các quốc gia đều sẵn sàng cho điều này.
“Vấn đề hiện nay là các nước Đông Âu về cơ bản không cần ai nhắc nhở về chuyện này,” Ian Bond, Phó Giám đốc Trung tâm Cải cách châu Âu, nói. “Nhưng càng đi về phía Tây, vấn đề càng trở nên khó khăn hơn, nhất là ở Tây Ban Nha và Ý.”
Ông Arnold đồng tình: “Quan điểm chung ở châu Âu bây giờ là chuyện này không còn là một cuộc tranh luận nữa, mà là tranh luận về cách thực hiện và tốc độ ra sao. Nhưng chúng ta cần làm ngay.”
Xây dựng một trật tự thế giới mới
Theo sử gia Timothy Garton Ash, Mỹ hiện đang cung cấp một danh sách “những năng lực chiến lược quan trọng” mà châu Âu chưa có.
“Đó là các vệ tinh, tình báo, hệ thống phòng không Patriot – những thứ duy nhất có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo của Nga. Và trong vòng ba đến năm năm tới, chúng ta [các quốc gia ngoài Mỹ] nên có phiên bản của riêng mình,” ông nói.
“Và trong quá trình chuyển đổi này, NATO sẽ trở nên ‘châu Âu hóa’ đến mức mà lực lượng của nó, cùng với quân đội quốc gia và năng lực của EU, có thể bảo vệ châu Âu – ngay cả khi một tổng thống Mỹ nói ‘chúng tôi sẽ không tham gia’.”
Nhưng làm thế nào để đạt được điều đó?
Bà van Rij nhấn mạnh rằng châu Âu cần xây dựng một ngành công nghiệp quốc phòng của riêng mình – nhưng điều này sẽ không dễ dàng.
“Điều thực sự khó khăn là những chia rẽ nội bộ trong châu Âu về cách thức thực hiện và liệu có nên thực hiện hay không.”
Ủy ban châu Âu và các chuyên gia đã tìm cách giải quyết vấn đề này trong nhiều thập kỷ. “Đây luôn là một nhiệm vụ khó khăn vì các lợi ích quốc gia khác nhau… Vậy nên điều này sẽ không dễ dàng.”
Trong khi đó, Trump dường như sẵn sàng gạt bỏ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ được thiết lập sau Chiến tranh Lạnh – nơi các quốc gia có chủ quyền được tự do lựa chọn con đường và liên minh của mình.
Điều ông ta có vẻ đồng tình với Vladimir Putin là mong muốn một thế giới mà các cường quốc không bị ràng buộc bởi luật pháp quốc tế, có thể áp đặt ý chí lên các quốc gia nhỏ hơn và yếu hơn – như cách Nga từng làm trong các đế chế Sa hoàng và Liên Xô. Điều đó đồng nghĩa với việc quay trở lại hệ thống “phạm vi ảnh hưởng (spheres of interest)” từng tồn tại trong 40 năm sau Thế chiến II.
Chúng ta không biết chính xác Donald Trump sẽ làm gì nếu một quốc gia NATO bị tấn công. Nhưng điều rõ ràng là không thể coi sự bảo đảm của Mỹ là điều hiển nhiên nữa.
Điều đó có nghĩa là châu Âu phải hành động. Thách thức của châu Âu giờ đây là giữ vững sự đoàn kết, thực sự đầu tư vào quốc phòng của chính mình và tránh bị kéo vào phạm vi ảnh hưởng của bất kỳ cường quốc nào.
Trump nói với Nga rằng Ukraine sẽ không được gia nhập NATO và không nên kỳ vọng giành lại các vùng lãnh thổ đã mất
Tổng thống Trump tuyên bố hồi đầu tháng rằng ông sẽ không bảo vệ các quốc gia NATO nếu họ không đáp ứng nghĩa vụ tài chính của mình. Trong ảnh: Trump cùng Tổng Thư ký NATO Mark Rutte
Cựu Tổng thống Mỹ Harry S. Truman (1884–1972) ký Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, chính thức thành lập NATO.