Tổng thống Donald Trump hôm thứ Tư dự đoán rằng các mức thuế mà ông sắp áp đặt sẽ khiến các hãng xe chuyển dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng của họ sang các nhà máy ở Mỹ. Nhưng điều đó không hề đơn giản.
Một loạt các mức thuế đã hoặc sắp có hiệu lực đối với ngành công nghiệp ô tô, có thể làm tăng thêm hàng nghìn đô la vào chi phí sản xuất và mua một chiếc xe mới. Mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu đã có hiệu lực, đẩy giá hai kim loại này lên cao, ngay cả khi chúng được sản xuất tại các nhà máy ở Mỹ.
Hôm thứ Tư, Trump công bố các mức thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 3-4 đối với ô tô và linh kiện ô tô nhập khẩu từ châu Á và châu Âu, cũng như từ Canada và Mexico.
Thuế quan đối với Canada và Mexico sẽ gây tổn hại nhất đối với hầu hết các hãng xe, vốn phụ thuộc không chỉ vào sản xuất tại hai nước láng giềng này mà còn vào nguồn cung cấp linh kiện quan trọng để lắp ráp xe.
“Nếu bạn sản xuất xe ở Mỹ, sẽ không có thuế quan,” Trump nói với các nhà báo tại Phòng Bầu dục. Nhưng thực tế, sắc lệnh hành pháp mà ông ký đã áp thuế lên hơn một nửa số linh kiện dùng để sản xuất ô tô tại các nhà máy ở Mỹ.
“Nhiều công ty sẽ có lợi thế vì họ đã xây dựng nhà máy, nhưng các nhà máy đó đang hoạt động dưới công suất,” Trump nói. “Vì vậy, họ có thể mở rộng sản xuất với chi phí thấp và nhanh chóng. Các công ty khác sẽ đến Mỹ để xây dựng nhà máy, và họ đã bắt đầu tìm kiếm địa điểm. Sắc lệnh hành pháp sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô.”
Những phát biểu của Trump dễ gây ngộ nhận quá trình chuyển đổi có thể diễn ra nhanh chóng mà không gặp trở ngại. Nhưng thực tế thì không phải vậy.
‘Nhiều chi phí và nhiều hỗn loạn’
Trong khi các hãng xe đang phải đối mặt với “nhiều chi phí và nhiều hỗn loạn” từ các đe dọa thuế quan của Trump, như CEO Ford Jim Farley cho biết trong một hội nghị nhà đầu tư tháng trước, họ vẫn không vội vàng xây dựng các nhà máy mới. Ít nhất là chưa phải bây giờ.
Một phần lý do là vì các chính sách thuế “sáng nằng chiều mưa” của Trump không mang lại sự chắc chắn để các hãng xe có thể đầu tư hàng tỷ đô la vào các nhà máy mới.
“Nếu các mức thuế này được thiết lập chắc chắn, thì sẽ có rất nhiều yếu tố cần xem xét, chẳng hạn như phân bổ nhà máy ở đâu, có nên di dời nhà máy không, v.v.,” Giám đốc tài chính của General Motors, Paul Jacobson, nói với các nhà đầu tư tháng trước.
Tuy nhiên, ông cho biết công ty vẫn có quá nhiều câu hỏi chưa có lời giải về chính sách thương mại để có thể đưa ra quyết định vào lúc này.
“Đó là những câu hỏi mà hiện tại không có câu trả lời,” ông nói. “Hãy thử nghĩ đến việc chúng tôi chi hàng tỷ đô la vốn, rồi sau đó mọi thứ thay đổi. Chúng tôi không thể liên tục điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo kiểu đó.”
Trump tuyên bố rằng các mức thuế ô tô này sẽ được duy trì ít nhất trong suốt nhiệm kỳ hiện tại của ông.
“Chuyện này là vĩnh viễn,” ông nói. “100%.”
Nhưng sau khi chứng kiến các mức thuế đối với Canada và Mexico liên tục bị công bố rồi tạm hoãn vài lần trong năm nay, các hãng xe không chắc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Và ngay cả khi họ tin rằng các mức thuế sẽ tồn tại trong suốt thời gian Trump tại vị, họ vẫn cho rằng không có cách nào để nhanh chóng xoay chuyển để giảm đáng kể chi phí thuế quan mà cuối cùng sẽ bị chuyển sang người mua xe.
Khó khăn trong việc chuyển dịch sản xuất
“Chúng tôi không có nhiều lựa chọn có thể thực hiện trong ngắn hạn,” một giám đốc ngành ô tô giấu tên nói với CNN hôm thứ Tư, trước khi Trump đưa ra thông báo. “Đây là một ngành công nghiệp đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Chúng tôi chắc chắn đang cân nhắc những kịch bản khác nhau mà mình có thể thực hiện.”
Các hãng xe đã thiết lập chuỗi cung ứng và phân bố địa lý nhà máy dựa trên giả định rằng các thỏa thuận thương mại trước đây, bao gồm Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) mà Trump đàm phán trong nhiệm kỳ đầu, cho phép họ hoạt động như thể Bắc Mỹ là một thị trường thống nhất.
Họ vận chuyển linh kiện qua lại giữa các biên giới trong quá trình lắp ráp. Giờ đây, họ bị yêu cầu trả một khoản chi phí cao nếu tiếp tục làm như vậy.
Khi được hỏi liệu sản xuất có thể được chuyển về Mỹ như Trump đề xuất hay không, vị giám đốc này cho biết cách tiếp cận đó có quá nhiều khó khăn.
“Nếu bạn từng cải tạo nhà cửa, bạn sẽ biết rằng mọi thứ đều có thể thực hiện được nếu bạn chi đủ tiền, đúng không? Nhưng khả thi về mặt kinh tế lại là một câu chuyện khác,” ông nói. “Nó cần có thời gian, đặc biệt khi hầu hết các cơ sở vẫn đang hoạt động gần công suất tối đa sau cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng. Vì vậy, nếu muốn mở rộng công suất sản xuất tại Mỹ, bạn đang nói đến một khoản đầu tư lớn với thời gian thực hiện kéo dài.”
Nhưng ngay cả khi các mức thuế này được duy trì trong suốt nhiệm kỳ của Trump và không phải là một chiến lược đàm phán để thay đổi USMCA, các hãng xe vẫn cho rằng thật khó để xây dựng nhà máy chỉ dựa vào chính sách thuế quan của một nhiệm kỳ chính quyền.
“Mất ít nhất ba năm để có một cơ sở sản xuất ô tô mới, và khoảng thời gian đó có thể kéo dài sang một nhiệm kỳ tổng thống khác với các quy định thay đổi,” vị giám đốc nói. “Vì vậy, khi nhà máy mới bắt đầu hoạt động, có thể bạn sẽ nhận ra rằng vị trí đó không còn tối ưu nữa.”
Các hãng xe cũng không chắc chắn mức thuế nào là vĩnh viễn và mức nào chỉ là “chiến thuật đàm phán,” cựu CEO Ford, Mark Fields, nói trong một cuộc phỏng vấn với CNBC.
“Hầu hết các hội đồng quản trị sẽ chờ mọi thứ rõ ràng hơn,” Fields nói. “Họ sẽ chờ đợi trước khi di dời nhà máy về Mỹ.”
Ngay cả việc chuyển đổi một nhà máy để sản xuất một mẫu xe khác cũng có thể khiến nhà máy đó ngừng hoạt động trong một năm hoặc lâu hơn. Và quá trình từ khi công bố một nhà máy mới đến khi chiếc xe đầu tiên xuất xưởng mất nhiều năm. Điều đó vẫn đúng ngay cả khi đó là một nhà máy cũ được mở lại.
Stellantis, hãng sản xuất xe Jeep, Ram, Dodge và Chrysler tại Bắc Mỹ, đã đồng ý mở lại một nhà máy bị đóng cửa ở Belvidere, Illinois, như một phần của thỏa thuận chấm dứt cuộc đình công năm 2023 của Liên đoàn Công nhân Ô tô Mỹ (UAW).
Công ty một lần nữa nhắc lại kế hoạch này vào tháng 1, ngay sau khi Trump nhậm chức, để đảm bảo với ông rằng họ sẽ tăng cường sản xuất ô tô tại Mỹ. Nhưng nhà máy đó sẽ không thể kịp mở cửa trở lại trước năm 2027.
Không có chiếc xe nào hoàn toàn “sản xuất tại Mỹ”
Ngay cả những chiếc xe được sản xuất tại Mỹ cũng sẽ phải chịu mức thuế hàng nghìn đô la đối với tất cả các linh kiện nhập khẩu từ Mexico, Canada và các nước khác, vốn chiếm phần lớn chi phí lắp ráp xe.
Theo Anderson Economic Group, một tổ chức nghiên cứu kinh tế tại Michigan, các mức thuế này có thể làm tăng chi phí từ 3.500 đến 12.000 USD mỗi chiếc xe.
Nhưng việc thay đổi chuỗi cung ứng cũng khó khăn không kém việc xây dựng nhà máy mới, vị giám đốc nói với CNN.
“Chúng tôi đã đặt ra những câu hỏi này trong suốt cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, và điều đó cần có thời gian cũng như nguồn vốn để tìm nhà cung cấp mới,” ông nói. Các linh kiện được sản xuất tại các nhà máy mới ở Mỹ cần được kiểm định để đảm bảo chúng hoạt động đúng thiết kế.
“Vậy thì, liệu điều đó có thể thực hiện được không? Có, nhưng nó không thể xảy ra chỉ bằng một nút bấm trong ngắn hạn,” vị giám đốc nói.
Các mức thuế này cũng có thể đẩy giá mà các nhà cung cấp tính cho linh kiện và nguyên liệu thô như thép, nhôm và đồng lên cao hơn — vì các nhà sản xuất trong nước biết rằng các đối thủ nước ngoài của họ không còn có thể bán rẻ hơn cho khách hàng Mỹ.
Mặc dù thuế quan đối với thép và nhôm sẽ không làm tăng chi phí ngay lập tức của các hãng xe do họ có hợp đồng dài hạn với nhà cung cấp, nhưng chi phí trong tương lai chắc chắn sẽ tăng, ngay cả khi họ mua từ các nhà sản xuất Mỹ, vì những nhà cung cấp đó cũng sẽ tăng giá.
Cả General Motors và Ford đều ước tính rằng chi phí hàng hóa tăng sau khi Mỹ áp thuế thép và nhôm Canada vào năm 2018 đã khiến họ tốn hơn 1 tỷ USD mỗi năm.
Giá thép tại Mỹ đã tăng hơn 30% trong hai tháng qua, theo Phil Gibbs, nhà phân tích ngành thép của KeyBanc. Giá nhôm cũng đã tăng khoảng 15%.
Chưa có kế hoạch xây dựng nhà máy mới do thuế quan
Trump khẳng định rằng các hãng xe đang lên kế hoạch mở thêm nhà máy ô tô mới tại Mỹ.
“Chúng ta sẽ chứng kiến sự tăng trưởng của ngành công nghiệp ô tô chưa từng có – các nhà máy đang mọc lên khắp nơi,” ông nói trong bài phát biểu gần đây trước Quốc hội.
“Chúng ta đã lập kỷ lục về số lượng nhà máy mới,” Trump nói. “Chỉ trong vài tuần, con số đã rất lớn. Tôi nghĩ ngành ô tô của chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.”
Một nhà máy mà Trump nhắc đến trong bài phát biểu trước Quốc hội cũng như trong phát biểu hôm thứ Tư là nhà máy Honda mới ở Indiana, mà ông tuyên bố sẽ là một trong những nhà máy lớn nhất thế giới. Ông nói rằng Honda đã bắt đầu xây dựng, nhưng chỉ vài giờ sau, Honda xác nhận rằng họ chưa công bố bất kỳ kế hoạch nào như vậy.
Hầu hết các nhà máy ô tô và linh kiện đang được xây dựng hiện nay đều nhận một phần tài trợ từ Đạo luật Giảm Lạm Phát, chương trình năng lượng xanh được thông qua dưới thời chính quyền Biden. Các nhà máy này dự kiến sẽ sản xuất xe điện và pin. Tuy nhiên, Trump cho biết ông muốn bãi bỏ chương trình hỗ trợ này của chính phủ.
Điều rõ ràng là nếu các mức thuế gây xáo trộn ngành công nghiệp ô tô, các hãng xe sẽ có ít nguồn lực hơn để xây dựng bất kỳ cơ sở mới nào.
“Hãy thành thật: Về lâu dài, một mức thuế 25% đối với hàng hóa qua biên giới Mexico và Canada sẽ tạo ra một cú sốc chưa từng có đối với ngành công nghiệp ô tô Mỹ,” CEO Ford, Jim Farley, nói trong cuộc trao đổi gần đây với các nhà đầu tư.
Một nhân viên đi bên ngoài Nhà máy Dập và Lắp ráp Ford Hermosillo ở Hermosillo, Mexico, hôm thứ Tư. Ảnh: Reuters.