Một liên danh do công ty khởi nghiệp Spaceo của Bồ Đào Nha dẫn đầu đã giành được hợp đồng với Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) để thử nghiệm cánh buồm hãm bơm hơi nhằm hạ quỹ đạo các vệ tinh nhỏ.
Được thành lập vào năm 2023, Spaceo phát triển các hệ thống bơm hơi nhỏ gọn giúp đưa vệ tinh ra khỏi quỹ đạo, cải thiện việc quản lý sứ mệnh khi kết thúc vòng đời. Công ty đã huy động được 100.000 euro vốn tiền hạt giống từ Portugal Ventures và nhận hỗ trợ ban đầu từ Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp của ESA.
Vào ngày 18 tháng 3, liên danh do Spaceo dẫn đầu đã giành được hợp đồng trị giá 3 triệu euro của ESA để thử nghiệm hệ thống hạ quỹ đạo vệ tinh bằng buồm bơm hơi của công ty, với kế hoạch triển khai vào năm 2028. Ba công ty khác tham gia liên danh gồm GomSpace (Luxembourg), SpaceLocker (Pháp) và SolidFlow (Hà Lan).
Spaceo sẽ chịu trách nhiệm cung cấp cánh buồm cản khí bơm hơi, đồng thời giám sát các giai đoạn thử nghiệm trên mặt đất, khi phóng và trên quỹ đạo. GomSpace sẽ cung cấp nền tảng vệ tinh, SpaceLocker tối ưu hóa không gian và quản lý hệ thống trên vệ tinh, còn SolidFlow sẽ cung cấp bộ tạo khí để bơm căng hệ thống.
Theo Spaceo, sứ mệnh này sẽ được phóng vào năm 2027, với vệ tinh được đưa vào quỹ đạo thấp ở độ cao khoảng 500 km. Sau khi triển khai, cánh buồm cản khí sẽ được mở và bơm căng trong vòng năm giờ. Hệ thống này có kích thước chỉ 20 cm² khi gấp lại, nhưng sẽ mở rộng lên khoảng 1,5 m² khi hoạt động.
Trong vòng một năm sau khi triển khai, vệ tinh sẽ giảm độ cao khoảng 100 km. Quá trình hạ quỹ đạo hoàn toàn dự kiến diễn ra trong vòng 14 đến 16 tháng. Theo CEO của Spaceo, ông João Loureiro, nếu không có cánh buồm cản khí, vệ tinh có thể lưu lại trên quỹ đạo tới 10 năm.
Mặc dù hệ thống thử nghiệm này được thiết kế cho các vệ tinh có trọng lượng tối đa 20 kg, Spaceo cho biết có thể mở rộng để phù hợp với các vệ tinh lớn hơn.
Tiêu chí không mảnh vỡ
Hiến chương Không Mảnh Vỡ của ESA đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt về việc hạ quỹ đạo vệ tinh nhằm giảm thiểu rác vũ trụ và hướng tới mục tiêu trung hòa mảnh vỡ vào năm 2030. Các vệ tinh trong quỹ đạo thấp phải hoàn thành quá trình loại bỏ trong tối đa năm năm sau khi kết thúc nhiệm vụ, thay vì tiêu chuẩn 25 năm trước đây.
Mặc dù việc tuân thủ Hiến chương Không Mảnh Vỡ là tự nguyện, nhiều công ty và tổ chức đã cam kết thực hiện. Do đó, các hệ thống như của Spaceo có thể trở thành một phần không thể thiếu trong các sứ mệnh vệ tinh tương lai.
Hình minh họa vệ tinh với cánh buồm cản khí. Ảnh: Spaceo