Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc về kinh tế trong vài thập niên qua, và từng bước thiết lập được luật chơi trên thế giới. Cho dù nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn xếp sau Hoa Kỳ, nhưng với tốc độ phát triển nhanh và tầm ảnh hưởng ngày càng mở rộng, nước này sẽ, trong một chừng mực nhất định, trở thành người dẫn dắt cuộc chơi, và thậm chí tạo ra một “không gian Trung Quốc” trên phạm vị toàn cầu, nơi mà Hoa Kỳ không còn có được tiếng nói quyết định. VNFOCUS cung cấp một góc nhìn của Tạp chí Foreign Affairs về đề tài này.
Vào đầu tháng Hai, khi bay trên chiếc Không Lực Một qua vùng biển mà ông vừa đổi tên từ Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu. Hai tuần sau, ông ban hành một bản ghi nhớ đưa ra hướng dẫn mới về việc kiểm soát đầu tư từ các công ty Trung Quốc vào Mỹ và từ các công ty Mỹ vào Trung Quốc. Trong những tuần đầu tiên của chính quyền mình, Trump nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa ngành sản xuất trở về nước, yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tại Mỹ nếu muốn tránh thuế quan.
Các biện pháp áp thuế và bảo hộ, hạn chế đầu tư, thúc đẩy sản xuất trong nước—chính sách kinh tế của Washington bỗng nhiên trông rất giống chính sách của Bắc Kinh trong hơn một thập kỷ qua. Đó chính là
Chiến lược can dự của Mỹ khi tiếp cận Trung Quốc dựa trên giả định rằng, nếu Mỹ đưa Trung Quốc vào hệ thống toàn cầu dựa trên luật lệ, Trung Quốc sẽ ngày càng trở nên giống Mỹ. Trong nhiều thập kỷ, Washington đã lên lớp Bắc Kinh vì chủ nghĩa bảo hộ, các rào cản đầu tư nước ngoài và việc lạm dụng trợ cấp cùng chính sách công nghiệp—dù chỉ đạt được thành công khiêm tốn. Dù vậy, người ta vẫn kỳ vọng rằng sự hội nhập sẽ thúc đẩy sự hội tụ (integration would facilitate convergence).
Thực tế đã có một mức độ hội tụ đáng kể—nhưng không theo cách mà các nhà hoạch định chính sách Mỹ dự đoán. Thay vì Trung Quốc ngày càng giống Mỹ, thì Mỹ lại hành xử ngày càng giống Trung Quốc. Washington có thể đã xây dựng nên trật tự mở dựa trên luật lệ, nhưng chính Trung Quốc mới là bên định nghĩa giai đoạn tiếp theo của trật tự đó: bảo hộ, trợ cấp, hạn chế đầu tư nước ngoài và chính sách công nghiệp. Việc lập luận rằng Mỹ phải khôi phục vị thế lãnh đạo để bảo vệ hệ thống luật lệ do mình thiết lập là chưa phản ánh đúng thực tế. Chủ nghĩa tư bản nhà nước theo đường lối dân tộc của Trung Quốc hiện đang thống trị trật tự kinh tế quốc tế. Washington thực chất đang sống trong thế giới do Bắc Kinh định hình.
MỞ CỬA?
Vào những năm 1990 và đầu thế kỷ XXI, có mọi dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang trên hành trình không thể đảo ngược hướng tới tự do hóa kinh tế. Kể từ cuối những năm 1970 dưới thời Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã mở cửa với đầu tư nước ngoài. Sau đó, Chủ tịch Giang Trạch Dân và Thủ tướng Chu Dung Cơ tiếp tục đưa Trung Quốc vào một con đường cải cách kinh tế đầy ấn tượng, dù cũng đầy đau đớn. Họ tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và sa thải hàng chục triệu lao động, tạo thêm không gian cho khu vực tư nhân, cho phép doanh nghiệp tự điều chỉnh giá theo thị trường, và đưa Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ liên tục tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa hơn nữa. Nhiều người ở phương Tây thậm chí tin rằng sự tự do hóa kinh tế này sẽ dẫn đến tự do hóa chính trị, rằng một xã hội tư bản sẽ dần trở nên dân chủ hơn. Nhưng giả định đó đã sai. Lãnh đạo Trung Quốc chưa bao giờ thực sự cân nhắc cải cách chính trị, nhưng thành tựu kinh tế của họ vẫn rất ấn tượng. GDP của Trung Quốc đã tăng từ 347,77 tỷ USD năm 1989 lên 1,66 nghìn tỷ USD vào năm 2003, và đạt 17,79 nghìn tỷ USD vào năm 2023, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.
Niềm hy vọng rằng hội nhập Trung Quốc vào hệ thống thương mại toàn cầu sẽ tạo ra một thế giới hòa bình và thịnh vượng hơn đã thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa. Quả thực, toàn cầu hóa đã giúp hơn một tỷ người thoát khỏi đói nghèo, một thành tựu đáng kinh ngạc. Nhưng lợi ích từ tiến trình đó không được chia sẻ đồng đều, và nhiều lao động cũng như cộng đồng tại các quốc gia công nghiệp hóa đã phải trả giá cho sự trỗi dậy của phần còn lại.
Sau đó, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền, tiếp theo là Chủ tịch Tập Cận Bình. Đường hướng kinh tế của Trung Quốc hóa ra không đơn giản và tất yếu như kỳ vọng ban đầu. Dưới thời Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc tăng cường sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế bằng cách xây dựng các “quán quân quốc gia” trong các lĩnh vực chiến lược thông qua trợ cấp khổng lồ. Nói cách khác, thay vì tiếp tục tự do hóa, chính phủ mở rộng vai trò của mình. Đồng thời, làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc đã thúc đẩy quá trình phi công nghiệp hóa ở Mỹ nhanh hơn nhiều so với dự đoán. Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới (manufacturing floor), vượt qua các cường quốc sản xuất như Nhật Bản và Đức ngay trong thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. Năm 2004, Trung Quốc chiếm 9% giá trị gia tăng trong sản xuất toàn cầu, nhưng con số đó đã tăng lên 29% vào năm 2023, theo Ngân hàng Thế giới.
TRUNG QUỐC ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO
Trong suốt thời gian đó, Washington liên tục gây áp lực buộc Bắc Kinh thực hiện cải cách: mở cửa thị trường, giảm thuế quan và các rào cản thương mại, cho phép doanh nghiệp Mỹ đầu tư mà không bị bắt buộc chuyển giao công nghệ hay hợp tác với doanh nghiệp địa phương, và chấm dứt trợ cấp làm méo mó thị trường toàn cầu. Nhưng những yêu cầu này phần lớn bị phớt lờ (fell largely on deaf ears).
Năm 2009, chính quyền Obama đã dẫn đầu nỗ lực chấm dứt Vòng đàm phán Doha của WTO, vì thỏa thuận này có thể giúp Trung Quốc duy trì quy chế “quốc gia đang phát triển” một cách vĩnh viễn. Điều đó sẽ cho phép Trung Quốc tiếp tục hưởng những ưu đãi đặc biệt mà không phải tuân thủ cùng mức nghĩa vụ như Mỹ và các nước công nghiệp hóa khác về mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ, và những vấn đề khác. Khi đó, Washington bị chỉ trích nặng nề vì phá vỡ nền tảng đàm phán thương mại toàn cầu, nhưng rõ ràng nếu không có hành động quyết liệt, các thực tiễn kinh tế của Trung Quốc sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng hệ thống thương mại thế giới.
Những lo ngại tương tự cũng thúc đẩy chính quyền Obama theo đuổi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại tiêu chuẩn cao giữa 12 quốc gia xung quanh vành đai Thái Bình Dương. Sáng kiến này nhằm tạo ra một lựa chọn hấp dẫn hơn cho các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương thay vì mô hình kinh tế của Trung Quốc. Hiệp định này tập hợp các quốc gia cam kết bảo vệ quyền lao động và môi trường, hạn chế trợ cấp, kiểm soát doanh nghiệp nhà nước, và giải quyết các vấn đề liên quan đến Trung Quốc như bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, đến khi TPP hoàn tất đàm phán vào năm 2015, các thỏa thuận thương mại—kể cả những hiệp định nhằm kiềm chế Trung Quốc—đã trở thành vấn đề chính trị nhạy cảm tại Mỹ. Cuối cùng, Washington đã rút khỏi TPP, và cơ hội để thiết lập một đối trọng với Bắc Kinh đã bị bỏ lỡ.
MỸ ĐANG SỐNG TRONG THẾ GIỚI CỦA TRUNG QUỐC
Từ năm 2009 đến 2017, tôi lần lượt giữ chức Phó Cố vấn An ninh Quốc gia về các vấn đề kinh tế quốc tế và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ. Trong thời gian đó, tôi liên tục cảnh báo các đối tác Trung Quốc rằng môi trường quốc tế thuận lợi giúp Trung Quốc phát triển sẽ biến mất nếu Bắc Kinh không thay đổi các chính sách kinh tế mang tính săn mồi của mình (predatory economic policies). Thay vì điều chỉnh, Trung Quốc phần lớn vẫn giữ nguyên đường lối. Thậm chí, nước này còn tăng cường cách tiếp cận của mình.
Khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, ông đã chính thức kết thúc thời kỳ “cải cách và mở cửa” vốn đã chững lại dưới thời Hồ Cẩm Đào, đặt Trung Quốc vào con đường thống trị các công nghệ quan trọng, gia tăng sản xuất đến mức dư thừa công suất, và cam kết tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Hiện nay, như nhà kinh tế Brad Setser đã chỉ ra, khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc đang tăng với tốc độ gấp ba lần so với mức tăng thương mại toàn cầu. Trong ngành ô tô, Trung Quốc đang trên đà có đủ công suất để sản xuất hai phần ba nhu cầu ô tô của thế giới. Và sự thống trị của nước này không chỉ giới hạn ở ô tô; Trung Quốc còn sản xuất hơn một nửa nguồn cung thép, nhôm và tàu biển toàn cầu.
Cuối cùng, ngay cả các doanh nghiệp Mỹ—vốn luôn đóng vai trò như lực cân bằng trong quan hệ song phương—cũng mất thiện cảm với Trung Quốc khi quyền sở hữu trí tuệ của họ bị đánh cắp hoặc buộc phải chuyển giao, khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc bị hạn chế nghiêm trọng hoặc trì hoãn, và các khoản trợ cấp cùng ưu đãi của Trung Quốc dành cho doanh nghiệp nội địa làm suy giảm cơ hội của họ.
Khi không có sự đối xử tương hỗ, mối quan hệ song phương xấu đi. Các chính trị gia thuộc cả hai đảng và công chúng Mỹ trở nên cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Các nền kinh tế lớn khác, bao gồm châu Âu và nhiều nền kinh tế mới nổi, cũng ngày càng tỏ thái độ thù địch với các chính sách của Bắc Kinh. Nói ngắn gọn, môi trường quốc tế thuận lợi đã biến mất.
Washington, sau khi thất bại trong việc thuyết phục Bắc Kinh thay đổi các chính sách kinh tế mang tính săn mồi hoặc thúc đẩy một khối thương mại thay thế để đối trọng với Trung Quốc, chỉ còn một lựa chọn: Hoa Kỳ phải trở nên giống Trung Quốc hơn.
Sau nhiều thập kỷ chỉ trích Trung Quốc vì áp đặt thuế quan cao và các hạn chế khác đối với hàng xuất khẩu của Mỹ, giờ đây, chính Hoa Kỳ cũng dựng lên những rào cản tương tự. Theo tính toán của nhà kinh tế Chad Bown, Trump đã áp thuế khiến mức thuế trung bình đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng từ 3% lên 19% trong nhiệm kỳ đầu tiên, ảnh hưởng đến hai phần ba tổng số hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tổng thống Joe Biden duy trì các mức thuế này và bổ sung thuế quan đối với các sản phẩm Trung Quốc khác, bao gồm thiết bị bảo hộ cá nhân, xe điện, pin và thép, làm mức thuế trung bình tăng nhẹ. Chưa đầy hai tháng sau khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, Trump đã áp thêm 20% thuế đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc—một động thái lớn hơn so với cả hai chính quyền trước cộng lại.
Tương tự, Hoa Kỳ đã thay đổi cách tiếp cận từ việc phản đối các rào cản đối với dòng vốn đầu tư song phương sang việc hạn chế nghiêm ngặt đầu tư của Trung Quốc vào Hoa Kỳ và đầu tư của Hoa Kỳ vào các lĩnh vực nhạy cảm ở Trung Quốc. Lượng đầu tư hàng năm của Trung Quốc vào Hoa Kỳ đã giảm mạnh từ 46 tỷ USD năm 2016 xuống còn chưa đến 5 tỷ USD vào năm 2022, theo Rhodium Group. Và trong khi trước đây Washington từng kêu gọi Bắc Kinh từ bỏ trợ cấp và chính sách công nghiệp, thì chính phủ Biden đã hoàn toàn ủng hộ chính sách công nghiệp, với ít nhất 1,6 nghìn tỷ USD dành cho Đạo luật Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Việc làm năm 2021, Đạo luật CHIPS và Khoa học năm 2022, và Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022.
NẾU KHÔNG THỂ ĐÁNH BẠI HỌ, HÃY GIA NHẬP HỌ
Để tiến xa hơn theo cách tiếp cận của Trung Quốc có thể đồng nghĩa với việc áp dụng một công cụ quan trọng trong bộ công cụ của Bắc Kinh: yêu cầu các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài phải thành lập liên doanh với doanh nghiệp trong nước và chuyển giao công nghệ. Chiến lược này có thể không chỉ nâng cao khả năng cạnh tranh công nghiệp của Mỹ mà còn hỗ trợ các quốc gia khác bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc, bao gồm nhiều nước ở châu Âu.
Lĩnh vực năng lượng sạch là một ví dụ rõ ràng. Các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc đổi mới nhanh hơn và sản xuất xe chất lượng cao với giá rẻ hơn nhiều so với các doanh nghiệp Mỹ; một số mẫu xe của Trung Quốc có giá thấp hơn tới 50% so với các mẫu xe tương đương của Mỹ, và Trung Quốc chiếm gần 60% doanh số bán xe điện toàn cầu. Các nhà sản xuất pin, tấm pin mặt trời và thiết bị năng lượng sạch của Trung Quốc cũng có lợi thế tương tự.
Tại Hoa Kỳ, thị phần xe điện của Trung Quốc gần như không tồn tại. Các mức thuế quan và hạn chế hiện tại có thể ngăn chặn bất kỳ đợt nhập khẩu nào trong tương lai. Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô châu Âu, đặc biệt là ở Đức, đang chịu áp lực từ chính sách ưu tiên nội địa và sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa trên thị trường Trung Quốc, nơi họ đã phụ thuộc để tăng trưởng. Gần đây, Trung Quốc cũng đã có những bước tiến vào thị trường châu Âu. Thị phần xe điện của Trung Quốc tại châu Âu đã tăng từ gần 0% vào tháng 1-2019 lên hơn 11% vào tháng 6-2024.
Theo sau Hoa Kỳ, châu Âu đã áp thuế đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc vào cuối năm ngoái. Điều này đã làm chậm lại tốc độ gia tăng thị phần của Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ đơn thuần ngăn chặn sự gia tăng nhập khẩu có thể không giải quyết được vấn đề của ngành công nghiệp ô tô châu Âu. Để duy trì việc làm và năng lực sản xuất, châu Âu dường như sẵn sàng chấp nhận đầu tư của Trung Quốc vào sản xuất xe điện tại châu Âu. Nếu châu Âu muốn tránh trở thành điểm đến chỉ để lắp ráp cuối cùng các xe điện Trung Quốc, họ có thể phải học theo Bắc Kinh và yêu cầu các công ty Trung Quốc liên doanh với các doanh nghiệp châu Âu, chuyển giao công nghệ và bí quyết cho họ.
ĐỂ ĐÁNH BẠI TRUNG QUỐC TRÊN CHÍNH SÂN CHƠI CỦA HỌ
Hiện vẫn chưa rõ liệu Hoa Kỳ có thể vượt qua Trung Quốc bằng chính chiến lược của Bắc Kinh hay không. Trung Quốc dường như có khả năng gần như vô hạn trong việc huy động vốn và điều chỉnh chính sách thương mại, đầu tư để phục vụ các mục tiêu dài hạn của mình. Trong khi đó, Đạo luật Giảm Lạm phát và Đạo luật CHIPS và Khoa học của Washington có khả năng chỉ là những ngoại lệ lịch sử, thay vì là những bước đi đầu tiên trong một xu hướng chính sách công nghiệp rộng lớn hơn, đặc biệt khi nhiều nghị sĩ Cộng hòa tỏ ra không thoải mái với các đạo luật này. Thực tế, ngay cả khi tìm cách thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ, Trump vẫn kêu gọi bãi bỏ Đạo luật CHIPS và Khoa học, đạo luật cung cấp trợ cấp cho sản xuất chất bán dẫn. Các khoản trợ cấp trong Đạo luật Giảm Lạm phát cũng có thể đối mặt với thách thức chính trị.
Đang có một cuộc tranh luận sôi nổi về việc liệu chính quyền Biden có thu được hiệu quả xứng đáng từ chính sách công nghiệp của mình hay không, ngoài một số lĩnh vực trọng điểm. Đầu tư vào sản xuất tại Hoa Kỳ đã tăng vọt, và có thể lập luận rằng năng lực công nghiệp đã được mở rộng. Nhưng như nhà kinh tế Jason Furman đã chỉ ra trên Foreign Affairs đầu năm nay, “Tỷ lệ người làm việc trong ngành sản xuất đã giảm trong nhiều thập kỷ và vẫn chưa tăng trở lại, trong khi sản xuất công nghiệp nội địa nói chung vẫn trì trệ—một phần do chính sách tài khóa mà Biden thực hiện đã dẫn đến chi phí cao hơn, đồng USD mạnh hơn và lãi suất cao hơn, tất cả đều tạo ra trở ngại cho các ngành sản xuất không nhận được trợ cấp đặc biệt từ các đạo luật mà ông ủng hộ.” Dù quan điểm về vấn đề này ra sao, một điều rõ ràng là: ngay cả trong những lĩnh vực mà chính quyền Biden đã trợ cấp, như bán dẫn và năng lượng xanh, con đường để giành lại vị thế dẫn đầu toàn cầu vẫn còn dài và không chắc chắn.
Hoa Kỳ có thể chơi trò bảo hộ thương mại tốt như các quốc gia khác, nhưng sớm muộn gì, lạm phát, chi phí sinh hoạt cao hơn và tình trạng mất việc làm trong các ngành bị ảnh hưởng bởi sự trả đũa của các nước khác cũng sẽ gây ra tác động tiêu cực. Trump dường như tin rằng một bức tường thuế quan—cùng với sự không chắc chắn về việc liệu thuế quan sẽ được áp dụng hay dỡ bỏ vào bất kỳ thời điểm nào—sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ để các công ty đặt cơ sở sản xuất tại Hoa Kỳ, nơi họ có thể chắc chắn rằng hàng hóa của mình sẽ không bị đánh thuế. Nhưng nhìn chung, các doanh nghiệp đang cân nhắc đầu tư vốn để mở rộng sản xuất công nghiệp tại Hoa Kỳ thường tìm kiếm một môi trường chính sách ổn định, thay vì một hệ thống thuế quan có thể thay đổi theo ngày (imposed in the morning and withdrawn in the afternoon). Phần lớn có thể quyết định đứng ngoài cuộc, chờ đợi cho đến khi chính sách trở nên rõ ràng hơn về những thuế quan nào sẽ có hiệu lực, áp dụng với ai và kéo dài bao lâu.
Lịch sử lâu nay về việc thuế quan thúc đẩy sản xuất và việc làm trong ngành công nghiệp Hoa Kỳ vẫn chưa có kết luận rõ ràng. Lấy ví dụ, các mức thuế mà Trump áp đặt vào năm 2018 đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo một nghiên cứu năm 2024 của các nhà nghiên cứu thuộc Cục Dự trữ Liên bang, Aaron Flaaen và Justin Pierce, “Việc tăng thuế kể từ đầu năm 2018 có liên quan đến sự sụt giảm tương đối trong việc làm sản xuất tại Hoa Kỳ và sự gia tăng tương đối về giá đầu vào. Đối với việc làm trong ngành sản xuất, chi phí đầu vào tăng và thuế quan trả đũa là nguyên nhân chính gây ra tác động tiêu cực, và những yếu tố này đã vượt trội hơn so với lợi ích nhỏ từ việc bảo hộ nhập khẩu.”
Một số nghiên cứu ước tính có khoảng 75.000 việc làm trong ngành sản xuất bị mất trực tiếp do thuế quan, chưa kể đến những tổn thất bổ sung do các biện pháp trả đũa từ nước ngoài. Các chuyên gia kinh tế Benn Steil và Elisabeth Harding cũng phát hiện rằng năng suất của ngành công nghiệp thép Hoa Kỳ sụt giảm nghiêm trọng trong khi năng suất của các lĩnh vực khác lại tăng kể từ khi Trump áp thuế 25% đối với thép nhập khẩu vào tháng 3 năm 2018. Năng suất tính theo sản lượng mỗi giờ của ngành thép Hoa Kỳ đã giảm 32% kể từ năm 2017.
Có thể chiến lược đưa sản xuất quay trở lại Hoa Kỳ của Trump sẽ mang lại kết quả, nhưng để điều đó xảy ra, chính phủ Hoa Kỳ sẽ phải cho phép các công ty nước ngoài thực sự đầu tư vào nước này. Cả Biden và Trump đều phản đối việc công ty Nhật Bản Nippon Steel mua lại U.S. Steel, và thật lẩm cẩm là các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ vẫn đang tranh luận về việc liệu Quỹ Đầu tư Công của Ả Rập Xê Út có thể nắm quyền kiểm soát PGA Tour, tổ chức các giải đấu golf của Hoa Kỳ—một lĩnh vực khó có thể coi là trọng yếu.
Hoa Kỳ và các nước khác đang bắt chước Trung Quốc phần lớn vì Trung Quốc đã thành công theo một cách không ai ngờ tới. Thành công của Trung Quốc trong lĩnh vực xe điện và công nghệ sạch không đến từ việc tự do hóa kinh tế mà từ những biện pháp can thiệp của nhà nước vào thị trường vì các mục tiêu quốc gia.
Dù Hoa Kỳ có thể cạnh tranh với Trung Quốc trên chính sân chơi của Bắc Kinh hay không, điều quan trọng là phải nhận ra một thực tế cơ bản: Hoa Kỳ hiện đang hoạt động theo các tiêu chuẩn của Bắc Kinh, với một mô hình kinh tế mới được đặc trưng bởi chủ nghĩa bảo hộ, hạn chế đầu tư nước ngoài, trợ cấp và chính sách công nghiệp—một dạng chủ nghĩa tư bản nhà nước mang tính dân tộc. Trong cuộc chiến giành quyền xác lập luật chơi, trận chiến đã kết thúc, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Và Trung Quốc đã thắng.
(*) Michael B. G. Froman là Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Ông từng là Đại diện Thương mại Hoa Kỳ từ năm 2013 đến 2017 và Phó Cố vấn An ninh Quốc gia về Các vấn đề Kinh tế Quốc tế từ năm 2009 đến 2013.
Xe tải chở container bên ngoài Thượng Hải, tháng 2 năm 2025. Ảnh: Reuters
Làm việc trên dây chuyền sản xuất xe điện tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters