Đề xuất của chính quyền Trump về việc kiểm tra tài khoản mạng xã hội của những người xin thẻ xanh đang cư trú hợp pháp tại Mỹ đã bị xem là một cuộc tấn công vào tự do ngôn luận, và bị phản đối trong những phản ứng công khai ban đầu.
Những người xin thị thực khi sống ở nước ngoài đã phải cung cấp tài khoản mạng xã hội cho Cơ quan Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) thuộc Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS). Tuy nhiên, đề xuất của Tổng thống Donald Trump sẽ mở rộng chính sách này đối với cả những người đã và đang ở hợp pháp ở Mỹ và đang nộp đơn xin cư trú vĩnh viễn hoặc tị nạn.
USCIS cho rằng việc kiểm tra tài khoản mạng xã hội là cần thiết để “tăng cường xác minh danh tính, sàng lọc và bảo đảm an ninh quốc gia.” Cơ quan này cũng cho biết yêu cầu này là để tuân thủ sắc lệnh hành pháp của Trump có tên “Bảo vệ Hoa Kỳ khỏi khủng bố nước ngoài và các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và an toàn công cộng.”
“Trong quá trình xem xét thông tin được thu thập để ra quyết định nhập cảnh và cấp quyền lợi, USCIS xác định cần thu thập danh tính mạng xã hội (tài khoản) và các nền tảng mạng xã hội liên quan từ người nộp đơn nhằm hỗ trợ xác minh danh tính, đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn công cộng và các cuộc kiểm tra liên quan,” cơ quan này thông báo ngày 5-3.
Các bước này diễn ra sau khi chính quyền Trump đưa ra cáo buộc mới chống lại Mahmoud Khalil, sinh viên cao học tại Đại học Columbia bị bắt giữ do hoạt động ủng hộ Palestine trong khuôn viên trường, đồng thời tìm cách bác bỏ khiếu nại của anh về việc vi phạm Tu chính án thứ nhất, gọi đó là một “chiêu đánh lạc hướng.”
Phản đối kiểm tra tài khoản mạng xã hội
USCIS đang tiếp nhận phản hồi công khai về đề xuất này cho đến ngày 5-5, và đa số phản hồi hiện tại đều phản đối.
“Mỹ đang hướng đến chế độ độc tài,” một bình luận ẩn danh viết. “Bất cứ điều gì chính quyền hiện tại không thích đều bị xem là xấu. Chủ nghĩa ý thức hệ thuần túy đồng nghĩa với sự hủy diệt hoàn toàn. Đây là sự vi phạm Tu chính án thứ nhất.”
“Tác động răn đe đối với tự do ngôn luận: Nỗi sợ bị chính phủ giám sát các hoạt động trực tuyến chắc chắn sẽ kìm hãm quyền tự do ngôn luận,” một ý kiến khác viết. “Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với những cá nhân đến từ các quốc gia có môi trường chính trị khác biệt, những người có thể lo sợ bị hiểu sai về hoạt động trực tuyến của họ.”
Trong số 143 bình luận, có 29 ý kiến đề cập đến sự vi phạm quyền tự do ngôn luận. “Chính sách này làm suy yếu các giá trị nền tảng khiến nước Mỹ trở thành biểu tượng của tự do, bao gồm quyền tự do ngôn luận, quyền riêng tư và nhân quyền,” một người khác viết.
Đề xuất này được đưa ra sau vụ giam giữ Mahmoud Khalil, một người có thẻ xanh bị chính quyền Trump gán nhãn “ủng hộ Hamas”, và vụ trục xuất Rasha Alawieh, một bác sĩ tại Đại học Brown có thị thực H-1B. Quan chức Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ đã kiểm tra điện thoại của nữ bác sĩ chuyên khoa thận này và xác định cô theo dõi các bài giảng tôn giáo của thủ lĩnh Hezbollah, Hassan Nasrallah. Họ cũng tuyên bố cô “thừa nhận công khai” việc tham dự lễ tang của ông khi ở Lebanon.
Các tổ chức nhân quyền bày tỏ lo ngại rằng chính sách đề xuất có thể ảnh hưởng không hợp lý đến những người chỉ trích Israel và cách chính quyền Mỹ xử lý xung đột.
“Chính sách này sẽ tác động tiêu cực đến các ứng viên người Hồi giáo và Ả Rập đang tìm kiếm quyền công dân Mỹ, những người đã lên tiếng ủng hộ nhân quyền của người Palestine,” ông Robert McCaw, giám đốc phụ trách quan hệ chính phủ tại Hội đồng Quan hệ Mỹ-Hồi giáo (CAIR), nói với The Intercept. “Việc thu thập danh tính mạng xã hội của bất kỳ người xin thẻ xanh hoặc quốc tịch nào là một cách để bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận hợp pháp của họ.”
McCaw cũng bày tỏ lo ngại rằng ngay cả khi đã trở thành công dân Mỹ, hoạt động trực tuyến của họ vẫn sẽ bị theo dõi liên tục.
Đề xuất này xuất hiện vào thời điểm Sở Thuế vụ (IRS) đang tiến gần đến một thỏa thuận với Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE), cho phép các quan chức nhập cư sử dụng dữ liệu thuế bí mật để xác nhận danh tính và địa chỉ của những người mà họ nghi ngờ đang cư trú bất hợp pháp tại Mỹ, theo tờ Washington Post.
ICE có thể gửi danh sách những người bị nghi ngờ nhập cư bất hợp pháp đến IRS để cơ quan này đối chiếu với cơ sở dữ liệu thuế bí mật, theo các nguồn tin nội bộ. Thỏa thuận này đã khiến nhiều quan chức IRS lo ngại vì nó có thể lạm dụng luật bảo vệ quyền riêng tư, vốn được thiết kế để phục vụ các cuộc điều tra hình sự, “chứ không phải để áp dụng các hình phạt hình sự,” tờ báo cho biết.
Chính quyền Trump gần đây tập trung vào những người giữ thẻ xanh và thị thực, sau các vụ trục xuất hàng loạt trước đó.
Đầu tháng này, Fabian Schmidt, một kỹ sư điện người Đức 34 tuổi, đã giữ thẻ xanh từ năm 2008, bị bắt giữ tại Sân bay Quốc tế Logan Boston.
Trong khi đó, một người mẹ ở Milwaukee, thường trú nhân Mỹ từ khi mới 8 tháng tuổi, đã bị trục xuất về Lào, một quốc gia cô chưa từng đặt chân đến trước đây, sau khi chấp nhận một thỏa thuận nhận tội liên quan đến tội danh về cần sa.
Mahmoud Khalil bị bắt giữ thế nào?
Chính quyền Trump bắt giữ Mahmoud Khalil, sinh viên cao học tại Đại học Columbia, do hoạt động ủng hộ Palestine trong khuôn viên trường.
Khalil, người gốc Syria và có quốc tịch Algeria, nhập cảnh vào Mỹ bằng thị thực sinh viên vào tháng 12-2022 và được cấp quy chế thường trú hợp pháp vào tháng 11-2024.
Trong một hồ sơ đệ trình vào Chủ nhật, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố rằng Khalil, người sở hữu thẻ xanh, đã che giấu thông tin về việc anh là thành viên của một số tổ chức và không khai báo về công việc tại Văn phòng Syria trong Đại sứ quán Anh ở Beirut, Lebanon, trong đơn xin cấp quy chế thường trú nhân.
Theo một tài liệu của Bộ An ninh Nội địa đề ngày 17-3, chính quyền cáo buộc rằng Khalil đã không khai báo việc anh từng là sĩ quan chính trị của Cơ quan Cứu trợ và Hành động của Liên Hợp Quốc cho Người tị nạn Palestine (UNRWA) hoặc là thành viên của phong trào Columbia University Apartheid Divest khi nộp đơn xin cấp thẻ xanh vào năm 2024.
Chính quyền cũng tuyên bố rằng Khalil không khai báo công việc của mình với tư cách là quản lý chương trình tại Văn phòng Syria trong Đại sứ quán Anh ở Beirut sau năm 2022. Tài liệu này đưa ra thêm các cơ sở bổ sung cho việc trục xuất Khalil, nhưng hiện chưa rõ liệu anh đã chấm dứt công việc tại đại sứ quán hay chưa.
Theo Cơ quan Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ, nếu một người nộp đơn xin cấp quy chế thường trú mà “cố tình trình bày sai sự thật” để “che giấu tư cách thành viên trong một tổ chức” có thể khiến họ không đủ điều kiện nhận thẻ xanh, thì đó được xem là hành vi gian lận và cố ý cung cấp thông tin sai lệch.
“Hành vi khai man trong bối cảnh này không phải là tự do ngôn luận được bảo vệ,” chính quyền tuyên bố trong hồ sơ đệ trình. “Do đó, cáo buộc vi phạm Tu chính án thứ nhất của Khalil chỉ là một chiêu đánh lạc hướng (red herring), và có đủ cơ sở độc lập để biện minh cho việc trục xuất anh ta mà không cần xét đến khiếu nại hiến pháp của Khalil.”
Tuy nhiên, chính quyền Mỹ vẫn phải chứng minh trước thẩm phán di trú rằng Khalil đã cố tình không khai báo thông tin này, cũng như liệu việc tiết lộ thông tin đó có ảnh hưởng đến khả năng được cấp quy chế thường trú của anh hay không.
Quan chức biên giới của Trump, Tom Homan, tuyên bố không quan tâm đến phán quyết của tòa án.
Luật sư Baher Azmy, người đại diện cho Khalil, nói với NBC News: “Những cáo buộc muộn màng, đưa ra sau khi sự việc đã diễn ra này, thật là lố bịch, và chủ yếu cho thấy chính phủ biết rằng lý do ‘chính sách đối ngoại’ mà họ viện dẫn để trục xuất Mahmoud là vô lý và vi hiến.”
Azmy cho rằng những tuyên bố mới của chính phủ “không thể thay đổi thực tế rõ ràng mà chính họ đã thừa nhận – anh ấy đang bị trừng phạt theo cách chuyên chế nhất vì những phát ngôn được Hiến pháp bảo vệ.”
Khalil bị Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) cùng Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa bắt giữ tại căn hộ của anh trong khuôn viên Đại học Columbia vào ngày 8-3. Sau khi bị bắt tại New York, anh được đưa đến một cơ sở giam giữ ở New Jersey trước khi bị chuyển đến trung tâm ICE tại Jena, Louisiana vào ngày 10-3.
Ban đầu, Khalil bị bắt giữ theo một điều khoản hiếm khi được sử dụng trong luật di trú, cho phép Ngoại trưởng Mỹ trục xuất một cá nhân nếu người đó bị xác định là “gây hậu quả nghiêm trọng đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.”
Các tổ chức nhân quyền bày tỏ lo ngại rằng chính sách đề xuất kiểm tra tài khoản mạng xã hội cá nhân có thể ảnh hưởng không hợp lý đến những người chỉ trích Israel và cách chính quyền Trump xử lý xung đột. Đề xuất này được đưa ra sau vụ giam giữ Mahmoud Khalil, một người tốt nghiệp Đại học Columbia và là nhà tổ chức biểu tình có thẻ xanh, bị chính quyền Trump gán nhãn “ủng hộ Hamas.” Ảnh: Reuters