Hầu hết các khu định cư thời kỳ Đồ đồng trước đây đều được ghi nhận tại châu Âu. Mặc dù có vị trí địa lý gần kề, khu vực Maghreb ở Maroc từ lâu đã bị loại khỏi các ghi chép lịch sử này và bị cho là “vùng đất trống” cho đến khi người Phoenicia đến vào khoảng năm 800 trước Công nguyên.
Tuy nhiên, một nghiên cứu do Hamza Benattia Melgarejo (Đại học Barcelona) dẫn đầu đã phát hiện ra khu định cư thời kỳ Đồ đồng đầu tiên trong khu vực này, có niên đại trước thời kỳ Phoenicia. Phát hiện này có ý nghĩa to lớn đối với lịch sử châu Phi và Địa Trung Hải.
Theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Antiquity, các cuộc khai quật tại Kach Kouch, nằm ở phía tây bắc Maroc, đã hé lộ bằng chứng về sự cư trú của con người từ năm 2200 đến 600 trước Công nguyên. Đây là địa điểm sớm nhất được biết đến của thời kỳ này tại châu Phi Địa Trung Hải, ngoại trừ Ai Cập.
Nhóm nghiên cứu quốc tế dẫn dắt bởi Hamza Benattia Melgarejo, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Địa lý và Lịch sử của Đại học Barcelona, đồng thời là thành viên của Nhóm nghiên cứu Khảo cổ học Cổ điển và Tiền sử, đã và đang nghiên cứu khu định cư tiền sử Kach Kouch. Địa điểm này trải rộng khoảng một hecta, nằm gần sông Lau, cách bờ biển ngày nay khoảng mười kilomet, gần eo biển Gibraltar và cách thành phố Tétouan khoảng ba mươi kilomet về phía đông nam.
Các giai đoạn cư trú và phát triển văn hóa
Các cuộc khai quật đã hé lộ những giai đoạn cư trú khác nhau. Giai đoạn đầu tiên, từ năm 2200-2000 TCN, dù ít được chú ý nhưng lại rất quan trọng. Bằng chứng cho thấy một giai đoạn cư trú sớm có tính chất đương đại với sự chuyển tiếp từ thời kỳ Đồ đồng tại bán đảo Iberia lân cận.
Giai đoạn thứ hai, từ năm 1300-900 TCN, là thời kỳ sôi động trong lịch sử khu định cư. Một cộng đồng nông nghiệp ổn định đã được hình thành tại Kach Kouch và đây là bằng chứng rõ ràng đầu tiên về đời sống định cư trước sự hiện diện của người Phoenicia ở Maghreb. Các công trình xây dựng bằng gạch bùn kết hợp gỗ, các hầm chứa lương thực khoét vào đá và các phiến đá làm cối xay cho thấy một nền kinh tế nông nghiệp thịnh vượng, dựa trên các loại cây trồng như lúa mạch và lúa mì, kết hợp với chăn nuôi cừu, dê và bò.
Giai đoạn thứ ba, kéo dài từ năm 800 đến 600 TCN, thể hiện sự linh hoạt và khả năng thích nghi của cư dân Kach Kouch. Trong giai đoạn này, một số đổi mới văn hóa từ phía đông Địa Trung Hải đã được đưa vào, như gốm làm bằng bàn xoay, công cụ bằng sắt và các truyền thống kiến trúc mới sử dụng đá. Sự pha trộn giữa các yếu tố địa phương và ngoại nhập này cho thấy cộng đồng tại đây đã tích cực tham gia vào các mạng lưới giao thương Địa Trung Hải.
“Kach Kouch là một trong những ví dụ đầu tiên được ghi nhận rõ ràng về một khu định cư liên tục tại Maghreb và kể một câu chuyện rất khác so với nhận thức lâu nay: nó cho thấy lịch sử của những cộng đồng địa phương năng động, hoàn toàn không bị cô lập,” Benattia cho biết. “Các cuộc khai quật tại địa điểm này là một bước tiến nữa trong việc điều chỉnh những thiên lệch lịch sử và hé lộ rằng Maghreb đã tham gia tích cực vào các mạng lưới xã hội, văn hóa và kinh tế của Địa Trung Hải,” nhà nghiên cứu của Đại học Barcelona cho biết thêm.
Các cuộc khai quật đã hé lộ những giai đoạn cư trú khác nhau. Ảnh: Đại học Barcelona
Kach Kouch nằm cách bờ biển ngày nay khoảng mười kilomet, gần eo biển Gibraltar và cách Tétouan khoảng ba mươi kilomet về phía đông nam. Ảnh: Đại học Barcelona